Xem trọng Bou Samnang là xem trọng thể thao!

Bou Samnang (giữa) và hai nhà báo Campuchia tham quan TP.HCM chiều 17-6 – Ảnh: Duyên Phan

Ngày 17-6, VĐV điền kinh Bou Samnang cùng hai nhà báo Campuchia – ông Hun Yuthkun (phó giám đốc Thông tấn xã Campuchia) và bà Ou Sokmean (phóng viên báo điện tử ThmeyThmey) đã có mặt ở TP.HCM để chuẩn bị cho buổi lễ trao giải chương trình Cảm hứng SEA Games 32, diễn ra tại sân khấu đường Lê Lợi, quận 1 vào lúc 17h ngày 18-6.

Vì sao chọn Bou Samnang?

Bà Ou Sokmean đặt câu hỏi với chúng tôi: “Nếu báo Tuổi Trẻ đã chọn trao thưởng cho một VĐV Campuchia, tại sao lại không chọn một VĐV nổi bật, đoạt HCV như Chhun Bunthorn – người bất ngờ về nhất cự ly chạy 800m nam, mà lại chọn Bou Samnang?”.

Như đã biết, Bou Samnang chỉ về chót nội dung 5.000m nữ. Nhưng hình ảnh vừa chạy vừa khóc, cố gắng về đích trong cơn mưa tầm tã trên sân vận động Morodok Techo của cô đã tạo nên một làn sóng cảm xúc mạnh mẽ.

Đại diện cho báo Tuổi Trẻ, chúng tôi đã trả lời Sokmean như sau: Nói một cách chính xác, không phải báo Tuổi Trẻ chọn trao thưởng cho Bou Samnang.

Mà cô là người chiến thắng của cuộc thi “Đi tìm nhân vật truyền cảm hứng tại SEA Games 32”, thuộc chương trình Cảm hứng SEA Games 32 do ban giám khảo và độc giả bình chọn.

Có hàng trăm VĐV đã đoạt HCV ở SEA Games. Rất nhiều người trong số họ mang theo những màn thi đấu bùng nổ, những khoảnh khắc giàu cảm xúc và những câu chuyện truyền cảm hứng. Chhun Bunthorn chắc chắn là một trong số đó.

Nhưng vì không có cơ hội tiếp cận Bunthorn (giữa hàng chục phóng viên Campuchia cũng ra sức đưa tin về VĐV ngôi sao của mình), phóng viên Tuổi Trẻ rất tiếc đã không đưa tin được thật sự đầy đủ về câu chuyện của anh. Nhiều ngôi sao khác ở SEA Games 32 cũng vậy.

Qua 3 tuần lễ tranh tài, hơn 20 VĐV đã được giới thiệu câu chuyện truyền cảm hứng của mình, và câu chuyện “khóc trong mưa” của Bou Samnang nổi bật vì từ đó, bất kỳ khán giả thể thao nào cũng nhìn ra được ý nghĩa cơ bản nhất của thể thao – sự nỗ lực không ngừng để vượt qua bản thân.

Cái nhìn đúng đắn cho thể thao

Và đến bài viết trên Tuổi Trẻ ngày 17-6, do bà Sokmean là người chấp bút, chúng tôi tin rằng lựa chọn của ban giám khảo, của các độc giả là hoàn toàn chính xác.

Bou Samnang đã phải thi đấu SEA Games 32 trong tình trạng sức khỏe không thuận lợi do căn bệnh thiếu hồng huyết cầu.

Căn bệnh này khiến cô phần nào suy giảm thể lực. Nhưng rồi cô gái 21 tuổi vẫn nỗ lực hoàn thành phần thi của mình. Những giọt nước mắt trong cơn mưa tầm tã đã làm nổi bật lên sự cố gắng của Samnang.

Có lẽ trong tổng số hơn 6.000 VĐV dự SEA Games 32, có hàng trăm, hàng ngàn VĐV cũng phải trải qua hoàn cảnh như Bou Samnang.

Nhưng không phải ai cũng được biết đến, cũng có thể kể câu chuyện của họ. Giải thưởng mà Tuổi Trẻ dành tặng cho cô mang ý nghĩa khích lệ với cá nhân Bou Samnang.

Đó cũng là sự khích lệ với ý chí tập luyện của tất cả mọi người dân, từ những người bình thường cho đến những người khuyết tật, từ những ngôi sao cho đến những VĐV vô danh…

“Đây là lần đầu tiên một VĐV Campuchia được một tờ báo nước ngoài trao thưởng như thế này. Đặc biệt hơn, cô ấy được trao thưởng không phải vì thành tích, mà vì nỗ lực của bản thân.

Điều này thể hiện cái nhìn đúng đắn của các bạn với phong trào thể thao. Mới đây nhất, một VĐV khuyết tật của Campuchia cũng được nhiều đơn vị trao thưởng vì hình ảnh xúc động sau khi hoàn thành phần thi chạy 400m ở Para Games.

Anh ấy vuột chiến thắng một cách đáng tiếc, nhưng hình ảnh con nhỏ của anh ấy cổ vũ trên khán đài, và ôm chầm cha mình sau phần thi đã tạo ra cảm xúc mạnh mẽ. Kết quả là con anh ấy được tài trợ học đến hết lớp 12″, ông Hun Yuthkun kể.

Nguyễn Thị Oanh và Trần Mai Ngọc, những cô gái vàng ở SEA Games 32 tạo nên cảm xúc vô bờ xoay quanh chiến thắng của mình.

Nhưng việc lựa chọn Bou Samnang cũng cho thấy ý nghĩa cơ bản của thể thao. Cùng nhau, ba cô gái đặc biệt này sẽ có thêm thời gian để kể câu chuyện của mình với độc giả báo Tuổi Trẻ trong buổi lễ trao giải chiều nay.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Đánh giá bài viết