World Cup bóng đá nữ khác bóng đá nam ra sao?
Khác biệt về cán cân quyền lực
Ví dụ, trong bóng đá nam, Brazil và Argentina là 2 siêu cường. Hai nền bóng đá này có tổng cộng 8 lần vô địch World Cup (Brazil vô địch 5 lần, Argentina 3 lần). Nhưng trong bóng đá nữ, cả Brazil lẫn Argentina đều… không là gì cả.
Thành tích tốt nhất của bóng đá nữ Brazil chỉ là vào đến chung kết World Cup năm 2007. Còn với Argentina, đội bóng nữ đến từ xứ sở Tango thậm chí còn chưa lần nào qua nổi vòng bảng các kỳ World Cup bóng đá nữ.
Trong 8 lần World Cup được tổ chức tính đến trước giải năm nay, Argentina mới chỉ 3 lần lọt vào vòng chung kết (VCK), 4 lần họ không qua nổi vòng loại, 1 lần khác họ không tham dự. Nếu điều này xảy ra với bóng đá nam Argentina, thật khó để tưởng tượng.
Nhìn rộng ra, bóng đá Nam Mỹ không phải là thế lực của bóng đá nữ thế giới, khác hẳn với bóng đá nam (Nam Mỹ chỉ có 3 đại diện được dự World Cup 2023, bằng nửa số lượng đội của châu Á và bằng 1/4 số lượng đội châu Âu).
Một khác biệt nữa, ở các kỳ World Cup bóng đá nữ, các đội bóng châu Phi hầu như không tạo được bất ngờ đáng kể, như kiểu Morocco vào bán kết World Cup bóng đá nam năm 2022, hoặc Cameroon đánh bại đương kim vô địch Argentina của Diego Maradona tại giải vô địch thế giới năm 1990, sau đó vào tứ kết…
Trái lại, bóng đá châu Á cực kỳ thành công tại các kỳ World Cup, trái ngược hẳn với nội dung bóng đá nam. Châu Á từng có đội Nhật Bản vô địch bóng đá nữ năm 2011. Hai lần khác châu Á giành hạng nhì World Cup, gồm 1 lần của Nhật Bản năm 2015 và 1 lần của Trung Quốc năm 1999.
Việc các đội Nhật Bản hay Trung Quốc vào tứ kết và bán kết các kỳ World Cup bóng đá nữ cũng được xem là chuyện… thường, thành tích vốn nằm mơ cũng khó thấy đối với các đội bóng đá nam châu Á (trừ lần Hàn Quốc vào bán kết World Cup bóng đá nam năm 2002 vốn gây nhiều tranh cãi về vấn đề trọng tài).
Càng ngẫu hứng càng dễ thất bại
Trong bóng đá nữ, cũng ít có chỗ cho những đội bóng thành công tột đỉnh nhờ sở hữu dạng ngôi sao một mình có khả năng thay đổi cục diện của cả trận đấu, cả một giải đấu như hình ảnh của Diego Maradona tại World Cup bóng đá nam năm 1986, hoặc Messi tại World Cup 2022.
Đội nữ Brazil từng đặt rất nhiều kỳ vọng vào tiền đạo Marta trong giai đoạn cách nay khoảng chục năm. Nhưng cầu thủ vốn được mệnh danh là “Rivaldo của bóng đá nữ” chưa bao giờ giúp cho đội bóng nữ xứ sở Samba đi đến cùng của các kỳ World Cup hay Olympic. Trái lại, các đội chơi càng khoa học, có tinh thần tập thể càng cao, càng dễ thành công trong bóng đá nữ.
Vì bóng đá nữ không quá đề cao vai trò của cá nhân, hay nói ngược lại không cầu thủ nữ nào đủ thể lực và đủ ảnh hưởng để giúp đội bóng của mình toả sáng trong suốt cả giải đấu kéo dài, nên những nền bóng đá nổi tiếng về sự khoa học lại là những đội thành công nhất World Cup.
Mỹ và Nhật Bản là những ví dụ tiêu biểu nhất, cho thấy khác biệt giữa bóng đá nữ và bóng đá nam. Mỹ là đội vô địch World Cup bóng đá nữ nhiều lần nhất (4 lần), trong khi Nhật Bản có 1 lần vô địch và 1 lần hạng nhì. Lối chơi của các đội nữ Mỹ và Nhật Bản về cơ bản không khác các đội nam của những nền bóng đá này, tức có tính khoa học cao, tinh thần mạnh mẽ.
Dù vậy, trong bóng đá nam, cả Mỹ và Nhật Bản không thành công được như vậy, vì họ không có những cá nhân kiệt xuất, không sở hữu dạng cầu thủ có kỹ thuật quá đặc biệt để tạo nên sự khác biệt. Nhưng bóng đá nữ, họ không cần dạng cầu thủ như thế vẫn vô địch thế giới. Đức (2 lần vô địch World Cup), Na Uy (1 lần vô địch) cũng là những đội tương tự. Họ đá rất khoa học và rất đơn giản, phù hợp với bóng đá nữ.
Trái lại, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, những nền bóng đá nổi tiếng về sự ngẫu hứng, thường không làm nên cơm cháo gì ở các kỳ World Cup. Cũng giống như Argentina ở Nam Mỹ, trong bóng đá nữ, Tây Ban Nha không phải là thế lực đáng gờm. Bởi, như đã nói, các đội bóng càng ngẫu hứng, càng dễ bị bắt bài, bị vô hiệu hoá, càng… không phù hợp với ngôi vị cao nhất trong bóng đá nữ!
Nguồn: Báo Thanh Niên