Việt Nam ứng phó ra sao với các “môn thể thao lạ” ở SEA Games 32 ?
Thể thao Việt Nam đặt mục tiêu có huy chương ở các môn thể thao lạ lần đầu tiên xuất hiện tại SEA Games 32 như Kun Bokator, Kun Khmer, cờ Ouk Chaktrang.
Kun Bokator là một trong những môn thể thao lạ được tổ chức ở SEA Games 32.
Hiểu hơn các môn lạ lần đầu tiên góp mặt
Kun Bokator ra đời ở Campuchia hơn nghìn năm với hệ thống đòn, thế phong phú, đa dạng, năm 2022, môn võ này được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể nhân loại. Võ sĩ Bokator sử dụng loạt kỹ thuật tấn công bằng tay, chân, cùi chỏ, đầu gối. Mỗi trận thi đấu 3 hiệp, 3 phút/hiệp, nghỉ giữa hiệp 1 phút. Vận động viên được công nhận điểm dựa vào 4 cách tấn công đòn tay, đòn chân, đòn vật và đòn đặc trưng.
SEA Games 32 còn là dịp để ra mắt Kun Khmer, môn võ truyền thống của nước chủ nhà với hệ thống kỹ thuật các đòn đấm, đá, gối, ôm ghì và những cú đánh cùi chỏ. Luật thi đấu Kun Khmer tương tự Muay Thái, mỗi trận kéo dài 5 hiệp, 3 phút/hiệp. Võ sĩ không được tấn công khi đối thủ gục dưới sàn; không cắn, không đánh vào gáy hoặc hạ bộ; không được nắm dây đài; trọng tài sẽ yêu cầu trận đấu kết thúc nếu một võ sĩ không còn khả năng thi đấu.
Campuchia cũng đưa cờ Ouk Chaktrang vào chương trình đại hội, bàn cờ và quân cờ về cơ bản giống như cờ Makruk của Thái Lan. Cờ Ouk Chaktrang biến hóa chậm, các ván đấu thường kéo dài, chiến thuật rất khác biệt và không có những nước cờ thần tốc, táo bạo như cờ vua hay cờ tướng. Với chủ nhà Campuchia, đăng cai tổ chức SEA Games 32 còn nhằm mục đích giới thiệu các môn thể thao mang bản sắc văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, việc đưa vào những môn thi đấu lạ lại khiến nhiều đoàn thể thao trong đó có Việt Nam phải tính toán kỹ lưỡng cho mục tiêu thành tích.
Tuyển thủ Việt Nam sẵn sàng
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, Kun Bokator có nhiều nét tương đồng với lối đánh của võ cổ truyền Việt Nam, đây là điều kiện thuận lợi cho các võ sĩ trong quá trình tiếp cận luật thi đấu tại SEA Games 32. Đội Kun Bokator nước nhà được tuyển chọn từ đội tuyển võ cổ truyền Việt Nam do huấn luyện viên Lê Công Bút dẫn dắt. Ban huấn luyện đang tiếp tục chỉnh sửa, tập trung hoàn thiện kỹ năng và luật thi đấu cho các tuyển thủ, dựa trên nền tảng võ cổ truyền, kết hợp thêm sự hướng dẫn của chuyên gia đến từ Campuchia. Với kết quả tốt ở Giải Đông Nam Á vào cuối tháng 3 vừa qua, giúp đội Kun Bokator Việt Nam làm quen với luật thi đấu, tìm hiểu đối thủ, ổn định lực lượng và chuẩn bị chuyên môn hướng đến một thành tích ấn tượng. Môn Kun Bokator tại SEA Games 32 tổ chức 7 nội dung biểu diễn (cá nhân, đồng đội) và 9 nội dung đối kháng các hạng cân.
Trong khi môn Kun Khmer, có nhiều điểm giống Muay Thái, nên Việt Nam thành lập đội tuyển với những gương mặt như Trương Cao Minh Phát, Bùi Yến Ly, Huỳnh Hà Hữu Hiếu… Những nhân tố này là niềm hy vọng cho Kun Khmer Việt Nam tại đại hội khu vực, tự tin hoàn thành mục tiêu giành huy chương vàng. Tại SEA Games 32, dự kiến có 7 đội tuyển Kun Khmer tranh tài 19 bộ huy chương. Còn để thi đấu ở môn cờ Ouk Chaktrang, đội tuyển Việt Nam được hợp thành bởi các kỳ thủ có kết quả cao tại Giải cờ vua xuất sắc quốc gia 2022. Đội đã ổn định nhân sự từ sớm, lại được dịp cọ xát khá thành công qua giải tiền SEA Games ngay tại Campuchia vào đầu năm, nên có cơ sở đặt mục tiêu giành 1-2 huy chương vàng.
Nhờ có sự tương đồng phần lớn kỹ thuật, chiến thuật giúp vận động viên tiếp thu nhanh giáo án, bài tập khi chuẩn bị thi đấu những môn mới. Với thế hệ vận động viên tài năng và giàu kinh nghiệm, hứa hẹn sẽ đủ khả năng tranh chấp huy chương để có những đóng góp thiết thực vào mục tiêu tốp 3 của thể thao Việt Nam ở SEA Games 32.
HỒNG NHUNG tổng hợp
Nguồn: Báo Hậu Giang