Việt Nam học hỏi từ chiến lược thể thao hướng đến Olympic của UAE
Nhìn tổng quan, chiến lược thể thao của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đang hướng đến việc xây dựng nguyên tắc tài trợ cho các vận động viên chuyên nghiệp trong nước, đồng thời tăng cường sự tham gia và phát triển ngành công nghiệp thể thao tại đây. Một chiến lược chuyển đổi cho thể thao ở cấp quốc gia, đặc biệt quan tâm đến các vận động viên thể thao thành tích cao, cũng sẽ thúc đẩy sự đầu tư vào thể thao và đặt ra các mục tiêu kinh tế và xã hội liên quan.
Chiến lược thể thao của UAE
Tiến sĩ Ahmad Belhoul Al Falasi, Bộ trưởng Giáo dục kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thể thao đã trình bày tổng quan về Chiến lược Thể thao Quốc gia UAE đến năm 2031 được phê duyệt tháng 6 vừa qua.
Ông nói: “Các mục tiêu đáng chú ý nhất là nâng tỷ lệ tham gia thể thao lên 71% dân số, tăng số lượng vận động viên đủ điều kiện tham gia Thế vận hội lên hơn 30 môn và tăng mức đóng góp của thể thao vào GDP lên 0,5% vào năm 2031”.
Chiến lược mới của ngành thể thao UAE đến năm 2031 dựa trên ba định hướng chiến lược: Khuyến khích cộng đồng tham gia thể thao và có lối sống năng động; Phát triển tài năng thể thao, hướng tới thành công trong thể thao đỉnh cao và hỗ trợ mở rộng các tổ chức và thể chế về thể thao.
Chiến lược này cũng vạch ra 17 sáng kiến quan trọng, bao gồm ba sáng kiến chuyển đổi và 14 sáng kiến chiến lược, hướng tới chuyển đổi thể thao theo mô hình tiên tiến và toàn diện. Sự phát triển của cơ sở hạ tầng thể thao và môi trường pháp lý của UAE, cũng như nâng cao vị thế và tầm vóc của thể thao cả trong nước và quốc tế, đóng vai trò là hai nhân tố chính hỗ trợ các sáng kiến này.
Ba dự án chuyển đổi bao gồm xây dựng một trung tâm phát triển thể thao trình độ cao và hiện đại hóa các liên đoàn thể thao. 14 sáng kiến chiến lược bao gồm: Khảo sát tình hình phát triển thể thao quốc gia; Cập nhật phương pháp huấn luyện thể thao; Tạo khuôn khổ cho cộng đồng tham gia các chương trình thể thao; Tài trợ cho các vận động viên năng khiếu và ưu tú; Hỗ trợ phát triển vận động viên chuyên nghiệp; Phát triển lực lượng lao động trong ngành thể thao; Liên kết ngành thông qua Hội đồng điều phối thể thao; Xây dựng luật thể thao và phát hiện tài năng thể thao.
Các sáng kiến này sẽ được triển khai dần theo 3 giai đoạn cho đến năm 2031 để giúp UAE chuyển sang một giai đoạn phát triển thể thao mới. Với kế hoạch này, ngành thể thao của UAE lần đầu tiên có chiến lược quốc gia hoàn chỉnh đầu tiên.
Trong bối cảnh Thế vận hội Paris 2024 đang đến gần, chiến lược này càng có ý nghĩa lớn hơn để hỗ trợ cho đội ngũ vận động viên nước này. 22 vận động viên tài năng của UAE từ tám môn thể thao khác nhau đã được chọn tham gia Chương trình đào tạo chuyên nghiệp để tăng khả năng thi đấu thành công trong các kỳ Olympic tiếp theo.
Ông nói: “Chiến lược thể thao quốc gia 2031 đã thể hiện quyết tâm ngày càng lớn vì một tương lai đầy hứa hẹn cho thể thao của UAE. Chiến lược được xây dựng dựa trên các nghiên cứu, kinh nghiệm từ quốc tế và các thông lệ thế giới, đồng thời nhờ vào sự phối hợp từ một số đối tác và các tổ chức thể thao”.
Giai đoạn triển khai đầu tiên
Trong giai đoạn đầu, Tổng cục Thể thao UAE đã xúc tiến thực hiện một số sáng kiến cùng với các đối tác thích hợp. Đầu tiên là phát triển luật thể thao của UAE để tạo hành lang pháp lý xuyên suốt cho ngành thể thao. Luật này bao gồm nhiều chủ đề chính như chính sách quan hệ thể thao quốc tế, thể thao dành cho người khuyết tật, đảm bảo đời sống cho vận động viên và tính chuyên nghiệp của thể thao.
Tổng cục Thể thao UAE cũng xem xét lại các môn ưu tiên. Trong năm qua, các môn thể thao như judo, bắn cung, điền kinh, đấu kiếm và bắn súng đều đã được chuyển thành môn ưu tiên sau khi lựa chọn cẩn thận. Việc lên danh sách này là để phát huy tiềm năng của mỗi môn thể thao tại Thế vận hội và khai thác hết được trình độ kỹ năng hiện có của quốc gia. Ngoài ra, dữ liệu và số liệu thống kê thích hợp liệu của từng môn thể thao cũng đã được tính đến. Với chương trình này, UAE tìm cách tăng cường khả năng cạnh tranh thể thao trong nước và quốc tế.
Các giải đấu thể thao cũng sẽ được tổ chức ở các trường học và đại học để gia tăng sự hiểu biết của học sinh, sinh viên về thể thao. Học sinh trong cả nước đã tham gia giải đấu thử nghiệm đầu tiên với thành công đáng chú ý.
Trong số hơn 1.500 người tham gia vòng loại giai đoạn hai, 593 nam và nữ sinh đã tiến vào vòng chung kết. Kết thúc cuộc thi, 300 học sinh đã giành được huy chương khi thi đấu ở chín môn thể thao khác nhau.
Một đơn vị quan trọng nữa hỗ trợ thực hiện chiến lược mới này là Ủy ban các môn thể thao thành tích cao của UAE. Safa Taryam, Giám đốc điều hành Ủy ban này cũng đã tiết lộ chiến lược tham gia Thế vận hội Paris 2024 và các trận đấu dành cho người khuyết tật. Hiện tại, 3 vận động viên cưỡi ngựa và ba vận động viên khác ở môn bắn súng Paralympic đã vượt qua vòng loại.
Hầu hết các sự kiện vòng loại của Olympic hiện đang diễn ra. Bà cũng đã chia sẻ một số sáng kiến và chương trình đào tạo để giúp 22 vận động viên thi đấu trong tám môn thể thao đã chọn.
Ủy ban muốn tăng số lượng vận động viên có thể đủ điều kiện tham gia Thế vận hội Olympic trong tương lai và giúp các vận động viên UAE có thành công cao hơn và tăng cường vị thế của UAE trên sân khấu thể thao quốc tế.
Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban sẽ hỗ trợ tài chính và thủ tục hành chính đầy đủ cũng như mang đến nhiều cơ hội rèn luyện và thi đấu, bao gồm các chương trình trại huấn luyện và các chương trình đào tạo chuyên sâu, để giúp thực hiện các mục tiêu thể thao quốc gia và thúc đẩy thế hệ vận động viên sắp tới.
Nguồn: Báo Tổ quốc