Victor Osimhen giá 180 triệu euro: Sự điên rồ của bóng đá
Aurelio De Laurentiis, nhà làm phim người Italy không thích bóng đá nhưng đang rất thành công với môn thể thao vua, đặt ra một mức giá khổng lồ cho việc bán Victor Osimhen, Vua phá lưới Serie A 2022-23.
“180 triệu euro”, đó là phản ứng của vị chủ tịch Napoli trước những đề nghị gửi đến Osimhen, người góp công lớn giúp CLB giành Scudetto đầu tiên sau 33 năm.
Những thế lực của bóng đá Anh – MU, Liverpool, Chelsea; hay các tỷ phú Qatar dưới tháp Eiffel đều muốn sở hữu chân sút giàu tiềm năng người Nigeria.
Osimhen có đáng giá 180 triệu euro?
Liệu Osimhen có đáng giá 180 triệu euro như De Laurentiis lên tiếng? Câu trả lời là không, dù theo transfermarkt, anh có giá 120 triệu euro, đứng sau Erling Haaland, Kylian Mbappe (cùng 180 triệu euro) và Vinicius Junior (150), ngang với Jude Bellingham và Bukayo Saka.
Nhưng không thể phủ nhận Osi là một tiền đạo tuyệt vời. Hơn nữa, với những cơn mưa tiền từ Saudi Arabia và Premier League, thước đo chung đã không còn phù hợp. Thế nên, De Laurentiis có quyền yêu cầu bất kỳ mức giá nào, tùy theo sở thích của ông.
Ước tính 180 triệu là con số của một thị trường bị đánh thuốc mê bởi PIF, quỹ đầu tư có chủ quyền Saudi Arabia với sức mạnh của 600 tỷ euro trong ngân hàng. Họ nắm 80% cổ phần Newcastle, cùng 75% cổ phần của 4 CLB lớn thuộc giải trong nước Saudi Pro League (Al-Ittihad, Al-Ahli, Al-Hilal, Al-Nassr).
PIF, cũng là quỹ quản lý LIV Golf, đồng ý trả cho Milan 80 triệu euro để kéo Sandro Tonali về Newcastle, chi mức lương 200 triệu euro mỗi năm cho Cristiano Ronaldo, 100 triệu euro cho Karim Benzema. Vậy thì tại sao Osimhen không thể có giá 180 triệu euro, bằng với số tiền PSG lấy Kylian Mbappe từ 6 năm trước?
Nhiều người cảnh báo bong bóng Saudi Arabia có thể sẽ vỡ, như từng xảy ra với bóng đá Trung Quốc vài năm trước. Cho đến lúc đó, De Laurentiis có quyền hét mức giá cao nhất cho những ai cần Osimhen.
Có thể ai đó sẽ chấp nhận mức phí này, giữa Saudi Arabia, Premier League, Real Madrid hay PSG.
Sau khi chi hơn 600 triệu euro trong hai kỳ chuyển nhượng gần nhất, Chelsea của tỷ phú Todd Bohely hiện đang cơ cấu lại. Đây cũng là một CLB có khả năng chào đón Osimhen, khi chấp nhận bán Kai Havertz cho đối thủ hàng xóm Arsenal, chia tay Hakim Ziyech và Aubameyang.
Napoli đi ngược quá khứ
Gần 50 năm trước, mùa hè 1975, cả Italy thảo luận về “vụ bê bối” Beppe Savoldi, được Napoli mua lại với tổng giá trị 2 tỷ lire (đơn vị tiền tệ cũ, tương đương 1,033 triệu euro hiện nay), trong đó gồm 1,4 tỷ lire tiền mặt cộng với Clerici e Rampanti. Ông là cầu thủ triệu đô đầu tiên trong bóng đá (biệt danh trong tiếng Italy: “Mister due miliardi” – Quý ông 2 tỷ).
Trước thời điểm vụ tranh cãi Savoldi hai thập kỷ, chính Napoli ký hợp đồng với Hasse Jeppson từ Atalanta, có giá 105 triệu lire, một số tiền khổng lồ ở Italy thời hậu chiến, đến nỗi người hâm mộ đã đổi tên tiền đạo người Thụy Điển thành “Banco ‘e Napule” (ngân hàng của Napoli).
Cả với Jeppson và Savoldi, Napoli đều không giành được Scudetto. Phải đến cuối thập niên 1980, CLB miền nam Italy mới thành công với Diego Maradona, tiêu tốn gần 14 tỷ lire.
De Laurentiis đã đảo ngược mô hình tiêu xài hoang phí của Napoli. Ông giành Scudetto theo cách ngược với bóng đá hiện đại: chia tay Koulibaly, Mario Ruiz, Insigne, Mertens; chào đón Kvaratskhelia không mấy tên tuổi được mô tả như một viên ngọc quý nhờ mạng lưới quan tuyển trạch viên phù hợp.
Nếu De Laurentiis tìm thấy ai đồng ý bỏ ra 180 triệu cho Osimhen, ông sẽ trả lời “Có” mà không đắn đo. “Kế hoạch là gia hạn hợp đồng, nhưng nếu có đề nghị siêu tài chính, chúng tôi sẽ chú ý đến lợi ích của CLB”.
Với một núi tiền như vậy, ông đủ khả năng xây dựng lại Napoli. Chiến thắng đã khó, bảo vệ hiệu với một HLV khác là một kỳ tích. Nghịch lý thay, việc bán Osimhen sẽ giảm bớt áp lực cho Rudi Garcia. Chưa đến phần số tiền này, khoảng trống sẽ được lấp đầy.
Sự điên rồ của thị trường
Không có cầu thủ nào đáng giá đến thế, 180 hay 200 hay 300 triệu euro. Trong bóng đá ngày nay, một người đàn ông không thể thay đổi đội bóng. Không ai trong số Lionel Messi, Maradona, Pele hay Cruyff đã tự ghi tên mình vào ký ức.
Để trở thành nhà vô địch, họ cần sức mạnh tập thể. Con số De Laurentiis yêu cầu, hay các hợp đồng chuyển nhượng Neymar (222 triệu euro) và Mbappe mà PSG thực hiện là sự điên rồ đến từ đồng đô la dầu mỏ.
Ngày nay, chiến thắng đến từ sự tôi luyện với quá trình xây dựng lâu dài chứ không thể mua được. Những thất bại của PSG và Messi bỏ sang Inter Miami là minh chứng.
Man City, đội từ chối trả 180 triệu euro cho Harry Kane, thành công nhờ hiệu quả làm việc của Pep Guardiola với Erling Haaland giá rẻ hơn nhiều.
Osimhen là một trung phong tuyệt vời. Liverpool, anh ấy sẽ tăng cường tính sức mạnh trong lối chơi của Jurgen Klopp. Đến PSG, anh giúp làm giảm bớt sự thất vọng vì cuộc phiêu lưu của Messi ngắn ngủi, còn Mbappe tuyên bố không gia hạn.
Chiếc áo số 9 mà Real Madrid đang để trống sau khi Benzema sang Saudi Arabia cũng hợp với chân sút người Nigeria. Nhưng 180 triệu euro là cái giá phải trả cho sự điên cuồng nhất thời. Chính Osi cũng hiểu, anh vô địch Serie A với Napoli nhờ vào những đồng đội như Kvaratskhelia, Di Lorenzo…
UEFA đang đưa ra giới hạn về thời gian hợp đồng, không cho phép ký quá 5 năm (điều này ngăn những trường hợp như Enzo Fernandez, ký 8 năm với Chelsea). Khi ấy, việc khấu hao không đơn giản và chi quá nhiều tiền sẽ gặp rắc rối về luật Công bằng tài chính.
Nguồn: VietNamNet