Về thành tích của thể thao Việt Nam tại SEA Games 32: Phải được

Dù phải gặp nhiều bất lợi cùng những khó khăn, thách thức tưởng chừng khó vượt qua nhưng với ý chí, nghị lực của mình, các VĐV của chúng ta đã giành nhiều thành tích nổi bật, trong đó phải kể đến VĐV Nguyễn Thị Oanh và nhiều VĐV khác…

Vì thế họ cần được người hâm mộ, giới chuyên gia và cả truyền thông nhìn nhận, đánh giá công tâm, khách quan, thay vì những nhận xét phiến diện, thậm chí chụp mũ.

Không có chuyện “đôi bạn cùng lợi”

Có ý kiến cho rằng, tại SEA Games 32 đã có “đôi bạn cùng lợi” là nước chủ nhà và Đoàn Việt Nam. Lý do là bởi nước bạn đưa khoảng 40% các nội dung thi đấu chưa bao giờ xuất hiện tại Olympic. Việt Nam và Campuchia đều được hưởng lợi từ nhóm môn này. Trong danh sách liệt kê có môn Wushu với việc Đoàn Thể thao Việt Nam giành tới 6 HCV. Tuy nhiên đây lại là môn có trong chương trình thi đấu của nhiều kỳ Asian Games và thường xuyên có mặt tại các kỳ SEA Games, chứ không phải tới SEA Games 32 mới xuất hiện.

Cũng theo ý kiến này, nước chủ nhà đặc biệt “tốt bụng” với các môn thể thao Olympic mà họ có cơ hội giành huy chương, điển hình là môn Vật, đưa vào tới 30 nội dung thi đấu. Vì thế Việt Nam là đoàn có lợi nhất bởi xưa nay các đô vật của chúng ta vốn thống trị sàn đấu khu vực. Nhưng trên thực tế, ban đầu nước chủ nhà đưa vào điều lệ sẽ tổ chức 10 hạng cân ở nội dung cổ điển, 13 hạng cân ở nội dung vật tự do nam, trong đó có 3 hạng cân không có trong chương trình thi đấu tại các giải châu Á và thế giới. Bên cạnh đó, nước bạn cũng đề nghị đưa 7 hạng cân nữ. Thậm chí Campuchia còn nhập tịch 2 VĐV từ Iran thi đấu ở 4 nội dung vật tự do nam và vật cổ điển.

Ngay sau khi được cung cấp điều lệ thi đấu dự kiến, Việt Nam và các nước khác đã có ý kiến lên Chủ tịch Liên đoàn Vật thế giới và Chủ tịch Liên đoàn Vật châu Á, theo đó đề nghị nước chủ nhà, nếu muốn tổ chức 30 hạng cân thì phải tổ chức 30 hạng cân tại các giải châu Á và thế giới. Sau khi Liên đoàn Vật châu Á có ý kiến, nước chủ nhà mới thay đổi tổ chức 30 hạng cân như yêu cầu, trong đó có 18 hạng cân có trong chương trình thi đấu của Asian Games và Olympic. Và ai cũng biết số lượng HCV mà môn Vật Việt Nam giành được là hoàn toàn xứng đáng vì chúng ta thắng thuyết phục trước các đối thủ. Đây là cuộc cạnh tranh công bằng, sòng phẳng giữa các đô vật Việt Nam và đô vật các nước Đông Nam Á trong đó nhiều nước như Lào hay Campuchia đều đã nhập tịch VĐV, đồng thời có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, tập huấn tại Hàn Quốc, Iran, Trung Quốc, Kazakhstan… Vì thế những chiếc HCV mà môn Vật Việt Nam giành được hoàn toàn là do công sức của các HLV, VĐV và đầy thuyết phục chứ không phải được hưởng lợi từ một lý do khách quan nào như có ý kiến nêu ra.

Chiến thắng của các đô vật là rất xứng đáng

Không nên vui quá đà?

Cũng có ý kiến cho rằng thể thao Việt Nam không nên vui quá đà với thành tích tại SEA Games lần này, vì thực tế điểm sáng ít hơn khoảng tối trong những thành tích chúng ta đạt được. Dẫn chứng được đưa ra là sự sụt giảm HCV ở môn Điền kinh và môn Bơi so với kỳ trước.

Về vấn đề này, trả lời phỏng vấn báo chí ngay khi các cuộc thi đấu tại SEA Games 32 vừa kết thúc, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 Đặng Hà Việt thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh các môn Olympic đã xuất sắc vượt hoặc hoàn thành chỉ tiêu thì 2 môn Điền kinh và Bơi chưa hoàn thành chỉ tiêu đặt ra. Trong đó chỉ tiêu của Điền kinh là 14 HCV nhưng chúng ta mới đoạt được 12 HCV. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến việc chưa hoàn thành chỉ tiêu của môn này như ở nội dung marathon, chúng ta thua VĐV Indonesia ở 2 nội dung nam và nữ và không đạt HCV như kỳ vọng, là do vấn đề về thời tiết. Dù công tác chuẩn bị rất kỹ lưỡng nhưng thời tiết tại Campuchia rất khắc nghiệt, VĐV của chúng ta chưa thích nghi được. Vấn đề thứ hai là ở một số nội dung thi đấu khác của môn Điền kinh, chúng ta thiếu hụt lực lượng mạnh nhất do một số VĐV dương tính với doping tại SEA Games 31. Vấn đề thứ ba là chúng ta phải đối mặt với nhiều VĐV nhập tịch.

Ở môn Bơi, chúng ta xác định mục tiêu chính là Asian Games và SEA Games là bước ban đầu để đánh giá và chuẩn bị cần thiết cho Đại hội lớn nhất châu lục. Vì thế với một số VĐV trọng điểm cho Asian Games, điểm rơi phong độ sẽ không phải là SEA Games 32. Ngay như với trường hợp của VĐV Nguyễn Huy Hoàng, nội dung 800m tự do mà anh đã đoạt HCV tại SEA Games 31 không có trong chương trình thi đấu tại SEA Games 32 và các nội dung thi đấu của Hoàng bị xếp liền nhau khiến Hoàng mất cơ hội giành 2 chiếc HCV một cách oan uổng. Ởmôn quần vợt, LýHoàng Nam cũng bị dư luận báo chí đem ra chê trách vì không thểnối dài chuỗi chiến thắng ở kỳSEA Games thứ hai liên tiếp ở nội dung đơn nam. Nhưng lý do khách quan khiến cho Nam không đoạt HCV là do anh bị viêm dạ dày cấp nên không thể bảo đảm thể lực khi thi đấu. Hình ảnh Nam ôm bụng, ói khi thi đấu đã cho thấy VĐV này đã nỗlực để vượt qua cơn đau, nhưng tình huống bất khả kháng đó khiến anh đành vuột mất cơ hội tranh HCV.

Thuý Vi và các đồng đội môn Wushu đã có thành tích thuyết phục

Đáng nói hơn, thành tích của cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh cũng bị chê là kém hơn các kỳ SEA Games trước. Chắc chắn khi viết ra những ý kiến này, người viết đã quên mất lịch thi đấu, Oanh được sắp xếp 2 nội dung khắc nghiệt là 1.500m và 3.000m chướng ngại vật chỉ cách nhau 20 phút, và việc cô đoạt 2 HCV, bỏ cách xa các đối thủ đã là sự phi thường chứ đừng nói đến chuyện cô có thể phá kỷ lục hoặc có được thành tích cao. Về phong độ của kình ngư Nguyễn Huy Hoàng, anh bị BTC sắp xếp lịch thi đấu 400m tự do và 200m bướm chỉ cách nhau ít phút. Vừa leo lên bờ, Hoàng đã phải nhanh chóng nhảy xuống thi nội dung tiếp theo thì khó để anh có được thành tích tốt.

Ngoài ra, cũng từ ý kiến này cho rằng, Bóng rổtrởthành điểm sáng trong nhóm các môn thểthao nhànghềkhi giành được HCV nội dung 3×3. Dùvậy, thành tích này có được một phần bởi nội dung thi đấu đặc thù đó được tạo ra chủ yếu với mục đích kích thích các nước chưa phát triển bóng rổ. Một điều mà người viết cũng “quên” mất là nội dung 3×3 của bóng rổ đã có trong chương trình thi đấu của SEA Games 30, tổ chức tại Philippines rồi SEA Games 31 tại Việt Nam và SEA Games 32 tại Campuchia. Đây cũng là nội dung có trong chương trình thi đấu của Olympic. Gần đây nhất nội dung này đã có trong chương trình thi đấu chính thức của Olympic 2020 và dự kiến sẽ là môn thi chính thức của Olympic 2024. Không lẽ nội dung đã được đưa vào các kỳ Olympic này lại chưa xứng và chưa phù hợp với xu thế để tổ chức tại Đại hội thể thao khu vực?

Có thể nói rằng, Thể thao Việt Nam “không ngủ quên trên chiến thắng” nên ngay sau SEA Games, ngành đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm mà một trong những số đó, theo Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt là: “Mặc dù đã thi đấu thành công và giành được HCV ở các nội dung Olympic, tuy nhiên, thành tích của các VĐV Việt Nam vẫn còn khoảng cách tương đối xa so với thành tích của châu lục và thế giới. Vì vậy, cần tập trung đầu tư cao hơn cho các VĐV, HLV trọng điểm mà ngành TDTT đã xác định và tiếp tục tìm kiếm các tài năng thể thao mới trong thời gian tới để phấn đấu giành huy chương tại Olympic 2024 và ASIAD tháng 9.2023. Tại Đại hội đã có sự xuất hiện của các VĐV trẻ xuất sắc, giành thành tích cao về cho Đoàn Thể thao Việt Nam, tuy nhiên số lượng còn ít, do đó cần quan tâm hơn nữa tới công tác đào tạo VĐV trẻ. Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước trong việc đầu tư phát triển cho thể thao thành tích cao, ngành TDTT cần có sự quan tâm, ủng hộ của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, đơn vị kinh tế trong và ngoài nước nhằm động viên, khuyến khích và tạo động lực thi đấu cho VĐV, HLV”.

Có thể nói rằng, Thể thao Việt Nam “không ngủ quên trên chiến thắng” nên ngay sau SEA Games, ngành đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm

THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG

Nguồn: Báo văn hóa Online

Đánh giá bài viết