Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt: Thể thao Việt Nam sẽ cất cánh với chiến lược phát triển mới

Đấy là thành công thực sự, vì theo Trưởng đoàn Thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt (Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), bước tiến mạnh mẽ ấy sẽ tạo đà cho một hành trình đầy hứa hẹn về tương lai. Vị thủ lĩnh ngành TDTT đã dành cho PV Báo SGGP cuộc đối thoại thẳng thắn ngay trên đất bạn Campuchia.

Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt: Thể thao Việt Nam sẽ cất cánh với chiến lược phát triển mới ảnh 1

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt

– Phóng viên: Thưa ông, Đoàn TTVN đã đi đến những ngày thi đấu cuối cùng. Ông có thể đưa ra đánh giá tổng quan về hành trình của đoàn, và đâu là những điểm nhấn tích cực?

Ông Đặng Hà Việt: Ở góc nhìn của tôi, Đoàn TTVN thực sự đã giành được những kết quả đáng khích lệ, nổi bật có môn golf, bóng rổ nữ 3×3, thể dục dụng cụ, võ thuật và kể cả những môn mới mà nước chủ nhà Campuchia đưa vào như Kun Bokator, Kun Khmer, cờ Ok Chatrang. Thế nhưng, thời điểm này là lúc đội tuyển điền kinh có sự chuyển giao thế hệ vận động viên (VĐV) nên chưa đạt được kết quả như trông đợi. Điều mà tôi quan tâm ở đây là ngoài 12 HCV mà các VĐV đạt được, chúng ta nên lấy làm mừng khi nhiều gương mặt trẻ giành HCB, tức ẩn chứa tiềm năng thành tích rất lớn, cần phải được bồi dưỡng đặc biệt trong thời gian tới. Tôi không cho rằng điền kinh đã thất bại, vì phải thi đấu dưới điều kiện thời tiết khắc nghiệt, lực lượng lại thiếu hụt như thế mà vẫn giành được khá nhiều huy chương là điều đáng mừng và đáng kỳ vọng. Quan trọng là tinh thần thi đấu của các tuyển thủ rất ấn tượng.

– Nói về tinh thần thi đấu của các VĐV Việt Nam, ông có dành tình cảm đặc biệt cho gương mặt nào không?

Tôi rất cảm động và nể phục khi tất cả các VĐV của chúng ta đã thi đấu như những chiến binh thực sự vì vinh quang của TTVN. Nhưng nổi bật nhất có lẽ là Nguyễn Thị Oanh (điền kinh – PV), người đã tạo nên dấu ấn cực lớn, có sức truyền cảm hứng cho cả Đoàn TTVN trong những ngày qua. TTVN cần lắm những VĐV như Nguyễn Thị Oanh, để khơi dậy ý chí vượt khó, khát vọng cống hiến cho thể thao nước nhà.

– Tinh thần thi đấu cao thượng là giá trị mà TTVN luôn hướng đến. Ông nhìn nhận điều này như thế nào?

Chúng ta đều hiểu rằng tinh thần thi đấu thể thao cao thượng, fair-play là tôn chỉ của Olympic và Việt Nam chính là một thành viên tích cực của phong trào Olympic. Chính vì vậy, TTVN luôn hướng theo những giá trị cao đẹp ấy. Ngay tại SEA Games 32, khi xảy ra các sự cố về xếp lịch thi đấu, bố trí thời gian thi đấu không phù hợp và không tuân theo tinh thần Olympic, Đoàn TTVN đã chủ động góp ý với Ban tổ chức, thậm chí thẳng thắn làm việc với Hội đồng Thể thao Đông Nam Á nhằm bảo vệ cho cuộc tranh tài diễn tiến theo hướng tốt đẹp nhất có thể, đồng thời giúp xây dựng sự đoàn kết và gắn bó trong cộng đồng ASEAN. SEA Games không hẳn chỉ là chuyện thắng hay thua mà sân chơi này cần nhất là tôn vinh các VĐV của Đông Nam Á, tạo điều kiện cho họ tỏa sáng để khi bước đến những đấu trường lớn hơn như Asiad hay Olympic, họ là các đại diện xứng đáng cho cả khu vực, không cho riêng đất nước của mình.

Trưởng Đoàn thể thao Việt Nam Đặng Hà Việt: Thể thao Việt Nam sẽ cất cánh với chiến lược phát triển mới ảnh 2

VĐV Nguyễn Thị Oanh (dẫn đầu) chiến thắng bằng tinh thần thi đấu kiên cường và bền bỉ tại SEA Games 32. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

– Trong vai trò tư lệnh của ngành TDTT Việt Nam, sân chơi SEA Games 32 chắc sẽ giúp ông hình dung ra chiến lược phát triển mới cho thể thao nước nhà?

Sắp tới đây, chiến lược của TTVN sẽ được Chính phủ ban hành sau khi ngành TDTT đã chỉnh sửa lần cuối, cho giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến năm 2045. Đấy là tiền đề cho bước phát triển mới của chúng ta, đặc biệt cho nhóm môn tiềm năng như điền kinh, bơi lội, thể dục, bắn súng, bóng chuyền, bóng đá, quần vợt, xe đạp…

Nhưng, vướng mắc lớn nhất của TTVN hiện tại là hệ thống cơ sở vật chất chỉ đảm bảo tổ chức đại hội cấp khu vực, chưa đủ năng lực đăng cai các sự kiện lớn như Asiad hay Olympic. Chính vì vậy, trong chiến lược phát triển ngành, rất cần có sự đầu tư lớn và hợp tác công tư để nâng tầm cho toàn bộ hệ thống cơ sở vật chất thì mới sớm có đầy đủ điều kiện để VĐV tập luyện và tổ chức các giải đấu tầm cỡ thế giới.

Vấn đề nữa là ngành TDTT cần phải năng động và sáng tạo hơn trong việc kết hợp nguồn lực tài chính từ 3 nguồn: ngân sách ngành, ngân sách địa phương và từ các Hiệp hội, Liên đoàn thể thao quốc gia thì mới tạo được sức bật cho các môn, các VĐV phát triển được. Bên cạnh đó, việc ứng dụng khoa học thể thao, tâm lý thể thao vào chương trình huấn luyện VĐV cần phải được coi trọng, cần tận dụng cả nguồn lực trong nước lẫn nước ngoài.

– Xin cảm ơn ông.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt: “Hiện tại, ở các quốc gia phát triển thể thao như Mỹ, Australia, Trung Quốc, Đài Bắc – Trung Hoa, chúng ta đều có đội ngũ chuyên gia giỏi nghề, nhưng chỉ vì chính sách ưu đãi cũng như điều kiện thu nhập trong nước chưa cao nên chưa thu hút được họ về phục vụ. Hy vọng chiến lược phát triển mới của ngành sẽ sớm cải thiện được yêu cầu này để thể thao Việt Nam bay cao, vươn xa hơn nữa”

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng – Thể Thao

Đánh giá bài viết