Trưởng đoàn Đặng Hà Việt: “Ngành thể thao rất muốn giúp VĐV tăng lương”
Những ngày qua thông tin về việc vận động viên (VĐV) Nguyễn Thị Oanh chỉ nhận mức lương 7 triệu đồng/tháng nhận được sự quan tâm của dư luận. Ngành thể thao sẽ huy động các nguồn lực từ xã hội hóa thế nào để tăng thu nhập cho VĐV?
– Các VĐV có thành tích tại SEA Games, Asiad hay Olympic đều mang tố chất đặc biệt, có trí tuệ tốt, thể chất tốt, họ có nhiều lựa chọn nghề nghiệp để đảm bảo cuộc sống sau này.
Nếu thể thao không đảm bảo thu nhập thì càng ngày chúng ta càng khó tuyển chọn VĐV. Tăng thêm thu nhập là việc cần thiết, nhưng giải quyết thì phải làm thế nào là một bài toán.
Chúng ta cần xây dựng giá trị thương hiệu của VĐV, các nhãn hàng quan tâm hơn, nhận VĐV làm đại diện tài trợ, có thêm thu nhập. Tháng 6 này có hội nghị nâng cao quyền tự chủ của các liên đoàn, hiệp hội.
Hội nghị giao ban của Tổng cục với các liên đoàn, hiệp hội cần phối hợp nguồn lực để phát triển sự nghiệp thể thao thành tích cao. Đây là việc chúng tôi rất quan tâm và đau đáu, nhưng phải tính toán và không thể giải quyết ngày một ngày hai.
Còn về mức thưởng cho VĐV thì sao?
– Quy định về mức tiền thưởng của nhà nước là VĐV giành HCV SEA Games được thưởng 45 triệu đồng, HCB được 25 triệu và HCĐ là 20 triệu.
Chúng tôi không thể thưởng thêm một đồng nào so với mức thưởng này. Quan điểm của chúng tôi là nâng cao thành tích khu vực, giúp VĐV tiệm cận châu Á. Giá trị thương hiệu của SEA Games được đẩy lên cao. Sắp tới tổ chức tại Thái Lan, SEA Games sẽ thương mại hóa, có sức hút lớn.
Các VĐV hướng tới Asiad hay Olympic sẽ được đầu tư như nào, thưa ông?
– Chúng ta không dành nguồn lực hết cho SEA Games, mà còn phải hướng đến Asiad và Olympic. Chiến lược, đề án cho từng môn trọng điểm, hy vọng có nguồn kinh phí riêng, phải phân bổ, trang trải cho các đại hội, đó là vấn đề khó khăn.
Nếu đầu tư đấu trường cao hơn, cần các trung tâm Olympic. Lấy ví dụ như môn thể dục dụng cụ, toàn đội giành 4 HCV vượt chỉ tiêu, thắng VĐV Philippines đẳng cấp thế giới, Đinh Phương Thành 5 kỳ SEA Games giành HCV. Tuy nhiên phòng tập thể dục dụng cụ nhỏ, đường đi không đủ. Muốn xây dựng mới không phải điều đơn giản. Ngay vấn đề đầu tiên là đã thua ngay về cơ sở vật chất.
Một số môn đạt đẳng cấp Olympic, nhưng đó là nhờ các HLV. Ngoài ra cần những hỗ trợ về trang thiết bị, các chuyên gia, phân tích dữ liệu của chúng ta không có đội ngũ đó.
Xin ông cho biết đến thời điểm này đoàn thể thao Việt Nam đạt thành tích thế nào và ông có hài lòng với những gì đã làm được?
– Tính đến ngày 12/5 chúng ta giành 71 HCV, xếp thứ nhất toàn đoàn. Các môn Olympic có 28 HCV, phá 2 kỷ lục đại hội của trường hợp Phạm Thanh Bảo ở nội dung 100m và 200m ếch.
Các môn SEA Games giành 43 HCV, thể dục dụng cụ, karate, wushu, Kun Khmer, Kum Bokator vượt chỉ tiêu. Tuy nhiên Điền kinh, Bơi, Vovinam chưa đạt chỉ tiêu.
Dự báo huy chương sẽ giành tối thiểu thêm 40 HCV nữa, trong đó các môn Olympic dự kiến khoảng 20 HCV. Các môn Asiad dự đoán trên 15 HCV.
Xin ông cho biết vì sao điền kinh lại không đạt chỉ tiêu HCV dù chúng ta có những VĐV xuất sắc?
– Điền kinh chỉ đạt 12 HCV, trong khi chỉ tiêu đặt ra là 14 HCV. Xét góc độ số lượng thì không đạt chỉ tiêu, nhưng qua rà soát thì điền kinh SEA Games 31 có 22 HCV, tổng số huy chương là 45. Ở kỳ này có 40 bộ huy chương. Các nước khác thành tích năm ngoái tương đối thấp, nhưng tới kỳ này đã có sự tiến bộ.
Dù không đạt chỉ tiêu nhưng điền kinh xuất hiện nhiều gương mặt trẻ lần đầu tham dự SEA Games. Chúng ta có những điểm sáng ném lao, đẩy tạ, các VĐV đi theo diện xã hội hóa nhưng giành HCB.
Mục tiêu 14, chỉ đạt 12 HCV là điều thất vọng, nhưng nhìn toàn cục chúng ta có quyền tin tưởng vào định hướng đầu tư.
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!
Nguồn: Báo Dân Trí