Trúc Phương – Cô gái nhỏ “Gieo ước mơ bóng đá” nơi vùng cao

Từ những sân chơi an toàn…

Nguyễn Thị Trúc Phương sinh năm 1998, trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn tại tỉnh Đồng Nai. Ngay từ khi còn là học sinh, em đã may mắn nhận được sự hỗ trợ của các mạnh thường quân trên con đường học tập. Từ đây, lòng biết ơn, sự sẻ chia đã luôn thường trực, thắp sáng ngọn lửa thiện nguyện trong em.

Cũng bởi vậy, ngay từ khi mới là sinh viên, Trúc Phương đã tham gia vào nhiều hoạt động thiện nguyện, với mong muốn có thể giúp đỡ phần nào cho các em nhỏ, đặc biệt là các em nhỏ vùng DTTS vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. Ban đầu, trên hành trình rong ruổi đến các bản làng, cô bắt đầu với những hoạt động tặng quà, quần áo, giúp một phần cái ăn, cái mặc cho các em.

Tình cờ, trong một lần tham gia tình nguyện tại tỉnh Đắk Nông vào năm 2019, Phương gặp một nhóm em nhỏ người Mạ và Mnông, đang chơi bóng trong một sân đất. Sân bóng đặc biệt với khung thành được tạo thành từ 2 chiếc dép để hai bên, một quả bóng cũ đã rách, không có trọng tài, cũng không có luật lệ nào cả. Nhưng những tiếng vỗ tay reo hò, những tràng cười giòn tan của các em đã mang đến cho Phương nhiều xúc cảm đặc biệt.

“Em nhận ra trẻ em ở vùng sâu, vùng xa có nhiều thiệt thòi quá. Điều kiện sinh hoạt, học tập đã nhiều thiếu thốn, nhiều trẻ em vẫn chưa thể có một quả bóng lành lặn để chơi. Em bắt đầu nảy ra ý tưởng thành lập dự án, với mong muốn giúp các em có bộ đồ, đôi giày mới và những dụng cụ chơi bóng cơ bản như lưới, khung thành, trái bóng, để các em có một sân chơi thể thao an toàn và bảo đảm hơn”, Phương chia sẻ.

Cứ thế, dự án “Gieo ước mơ bóng đá” được cô thành lập vào tháng 1/2020 và chính Đắk Nông là địa điểm đầu tiên được Phương lựa chọn để bắt đầu dự án. Thời gian đầu do không có kinh nghiệm tổ chức thể thao, cô chủ động kết nối với những người có chuyên môn về bóng đá, các cộng đồng, cầu thủ, tham dự vào các giải đấu.

“Em muốn đến để xem cách họ tổ chức như thế nào, các cầu thủ chơi ra sao, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, để có thể giúp đỡ nhiều hơn cho các em nhỏ”, Phương cho hay.

Từ những viên gạch đầu tiên, với sự gắn bó đặc biệt với mảnh đất, con người vùng cao, chỉ trong vẻn vẹn 3 năm thành lập, cho đến nay, “Gieo ước mơ bóng đá” đã dần phát triển mạnh mẽ trong giới bóng đá và cả cộng đồng thiện nguyện. Những con số ấn tượng: Hơn 5.000 trẻ em vùng cao được tiếp cận với bóng đá, 15 chương trình được tổ chức, 13 sân bóng làng xã được hỗ trợ… chính là minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng không ngừng của cô gái nhỏ bé này.

Với Phương, đây là nguồn động lực lớn lao, bởi theo cô, bằng việc tham gia vào các môn thể thao lành mạnh sẽ giúp cho các em nhỏ phát triển thể chất, tạo sự kết nối, đoàn kết, đồng thời giúp các em tránh xa các tệ nạn xã hội, cũng như các nguy cơ rủi ro, tai nạn như đuối nước, đặc biệt là trong những ngày Hè.

… đến chắp cánh cho những đam mê

Không chỉ dừng lại ở việc tạo ra các sân chơi thể thao an toàn, Phương còn mong muốn phát triển “Gieo ước mơ bóng đá” trở thành một dự án dài hơi và quy mô mở rộng. Chính vì vậy, các lớp bóng đá thường xuyên và hoàn toàn miễn phí được ra đời và duy trì đều đặn để các em nhỏ được tập bóng đá mỗi buổi chiều.

Tại mỗi tỉnh có lớp bóng đá cộng đồng, Trúc Phương đều cố gắng thuyết phục những giáo viên giáo dục thể chất, các huấn luyện viên trong tỉnh về hướng dẫn cho các em. Cùng với đó, em đứng ra kêu gọi sự giúp đỡ của một số tình nguyện viên, cán bộ Đoàn tại đó, cùng hỗ trợ thầy giáo trong một số công tác, bảo đảm hoạt động của lớp học.

Nhờ vậy, sau 3 năm triển khai, dự án đã tổ chức được 5 lớp bóng đá miễn phí tại các tỉnh: Đắk Nông, Đắk Lắk, Hà Giang, Gia Lai, Phú Yên, thắp sáng đam mê cho gần 200 học viên các dân tộc: Mông, Dao, Tày, Mnông, Mạ, Raglay…

Điều đặc biệt hơn cả, các lớp học này không chỉ giúp các em nhỏ vùng cao được tiếp cận với bóng đá, mà còn gieo ước mơ có thể trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của các em. Bởi chính từ đây, nhiều cầu thủ nhí đã được phát hiện, trở thành nguồn tìm kiếm, tuyển chọn tài năng cho nhiều câu lạc bộ. Đến nay, đã có một số em được chọn vào tuyến trẻ của các câu lạc bộ tại Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk.

Chia sẻ về quá trình điều hành dự án, Trúc Phương cho hay, cô luôn trăn trở bài toán kinh phí để duy trì các lớp học ổn định, lâu dài. Bởi theo cô, khi tham gia vào các hoạt động từ thiện, thường mọi người sẽ quan tâm hơn tới việc giúp đỡ các em nhỏ có cái ăn, cái mặc, hoặc lo cho các em tới trường. Còn hoạt động gây quỹ để các em có sân chơi, cho các em học hỏi môn bóng đá thì thường chưa được quan tâm nhiều.

Do đó, ngoài vận động các nhà tài trợ, Trúc Phương còn đứng ra tổ chức các giải bóng đá thiện nguyện cho “Gieo ước mơ bóng đá”, vừa gây quỹ, vừa tạo cơ hội cọ xát cho các em, đồng thời thúc đẩy phong trào thể thao địa phương, với mong muốn lấy bóng đá nuôi bóng đá, lấy sự đủ đầy của bóng đá ở thành thị san sẻ với bóng đá vùng cao.

Trúc Phương cho hay, đây là dự án kéo dài và quy mô hoạt động sẽ được mở rộng tùy theo nguồn kinh phí vận động. Dự kiến, trong tháng 7 này, dự án sẽ tiếp tục khai giảng thêm lớp ở tỉnh Bình Phước. Mục tiêu trong năm 2023 sẽ mở 13 lớp tại 13 tỉnh thành, chắp cánh thêm ước mơ bóng đá cho nhiều em nhỏ vùng cao. Cùng với đó, “Gieo ước mơ bóng đá” vẫn sẽ đẩy mạnh tổ chức các giải thi đấu phong trào, tạo ra sân chơi bổ ích và cơ hội để các em nhỏ vùng cao được giao lưu, học hỏi, nâng cao tinh thần đoàn kết giữa các bản làng.

“Hiện tại em cũng chỉ là nhân viên văn phòng, cũng làm việc như bao bạn trẻ khác thôi. Nhưng thay vì đi du lịch, nghỉ ngơi, dành thời gian cho bản thân sau giờ làm, thì em tập trung phát triển dự án. Chỉ hy vọng, từ những lớp học và các hoạt động ý nghĩa này, em sẽ có cơ hội đưa nhiều hơn nữa những giấc mơ với môn thể thao vua của các em nhỏ vùng cao tới những chân trời rực rỡ”, Phương cho hay.

Nguồn: Báo dân tộc

Đánh giá bài viết