Toạ đàm Thể thao Việt Nam – Trung Quốc: Góp phần nâng tầm
Phát biểu khai mạc, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định, Việt Nam và Trung Quốc là hai nước có truyền thống quan hệ lâu đời, láng giềng hữu nghị, hợp tác trên các lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thể dục thể thao.
Trong nhiều năm qua, hai nước thường xuyên ủng hộ lẫn nhau trong việc đăng cai sự kiện thể thao quốc tế tầm cỡ châu lục, trao đổi đoàn lãnh đạo, cán bộ quản lý, các đoàn VĐV tham dự các giải thể thao quốc tế được tổ chức ở mỗi nước.
“Là một cường quốc thể thao của thế giới, trong những năm qua, Trung Quốc đã tạo điều kiện, giúp đỡ Việt Nam cử nhiều đội tuyển quốc gia tập huấn ngắn hạn, dài hạn tại Trung Quốc và hỗ trợ cử chuyên gia giỏi huấn luyện tại Việt Nam góp phần nâng cao thành tích của thể thao Việt Nam. Buổi Tọa đàm ngày hôm nay một lần nữa minh chứng sự hợp tác của Việt Nam và Trung Quốc. Tôi hy vọng buổi Tọa Đàm sẽ góp phần thúc đẩy, đưa phong trào Olympic giữa hai nước lên một tầm cao mới” – Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu tập trung vào 3 chủ đề chính gồm sự phát triển kinh tế thể thao Trung Quốc và Việt Nam; Bảo vệ quyền lợi của VĐV; Hướng nghiệp VĐV sau khi nghỉ thi đấu. Bên cạnh đó, Tọa đàm cũng chia sẻ một số thông tin về công tác chuẩn bị Đại hội Thể thao châu Á lần thứ 19 tại Hàng Châu – Trung Quốc và tình hình phát triển Thể thao điện tử ở hai nước.
Giáo sư Hà Văn Nghĩa – Tổng Thư ký Cơ sở Nghiên cứu Kinh tế thể thao Trung Quốc, Trường Đại học Bắc Kinh, Giáo viên Lớp VĐV vô địch Olympic cho biết để thúc đẩy nền kinh tế thể thao nước nhà, Trung Quốc đã ban hành, thực thi nhiều văn bản, chính sách phát triển.
“Ngành TDTT không chỉ trở thành chất xúc tác thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn là trọng tâm để cải thiện “chỉ số hạnh phúc” và chất lượng cuộc sống của nhân dân. Trong 10 năm qua, sự hội nhập và phát triển của ngành Thể dục thể thao và các ngành khác tại Trung Quốc đã trở thành những yếu tố hỗ trợ phát triển kinh tế, trong đó phải kể đến sự tương quan giữa ngành TDTT và các ngành khác: Thể thao và Du lịch; Thể thao và Văn hóa; Thể thao và Giáo dục; Thể thao và Công tác chăm sóc người cao tuổi…” – Giáo sư Hà Văn Nghĩa nói.
Liên quan đến công tác bảo vệ quyền lợi của các VĐV, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I Hoàng Quốc Vinh bày tỏ sự quan tâm tới sắp xếp việc làm sau khi giải nghệ. Vấn đề này không chỉ giúp cải thiện lợi ích cho VĐV mà còn tăng cường phát triển đội ngũ chuyên môn của thể thao nước nhà.
Theo ông Hầu Côn – Ủy viên Ủy ban Di sản Văn hoá và Olympic, Ủy ban Olympic quốc tế, việc giải quyết hiệu quả vấn đề sắp xếp công việc cho các VĐV sau khi họ giải nghệ không chỉ liên quan đến lợi ích sống còn của các VĐV mà còn liên quan đến việc xây dựng các đội ngũ thể thao, càng liên quan đến sự phát triển bền vững và lành mạnh của các môn thể thao thi đấu.
“Chỉ bằng cách giải tỏa nỗi lo của họ, gia đình và VĐV mới yên tâm theo và cống hiến cho sự nghiệp TDTT, chúng ta mới có thể nhìn thấy được nhiều VĐV giỏi cố gắng thi đấu hết mình, vì màu cờ sắc áo của quốc gia” – ông Hầu Côn nói.
Sau nhiều ý kiến trao đổi tại buổi tọa đàm, Tổng cục trưởng Đặng Hà Việt khẳng định nhiều thông tin bổ ích đã được các đại biểu Trung Quốc chia sẻ chi tiết và rất đầy đủ, đặc biệt là các vấn đề xung quanh những chính sách mà Trung Quốc ban hành để phát triển kinh tế thể thao cũng như các chế độ chính sách dành cho các VĐV.
Với mong muốn Trung Quốc sẽ có những trao đổi sâu hơn cũng như đồng hành và giúp đỡ Thể thao Việt Nam trong thời gian tới, Tổng cục trưởng khẳng định, Tọa đàm lần này là cơ hội thuận lợi để hai nước tiếp tục tăng cường giao lưu, học hỏi, trao đổi về lĩnh vực mới trong quản lý, phát triển thể thao và phong trào Olympic tương lai. Đồng thời góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau và nâng cao tinh thần thể thao giữa hai nước.
Nguồn: Báo Tổ quốc