Tổ hợp casino Phú Quốc tăng vốn đầu tư từ 25.000 tỷ lên 50.000 tỷ

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc vừa có báo cáo liên quan đến dự án Tổ hợp du lịch sinh thái, dịch vụ vui chơi giải trí tổng hợp, kinh doanh Casino, khách sạn, thương mại dịch vụ, biệt thự nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị và các hạng mục liên quan phục vụ mục tiêu phát triển đời sống và du lịch đảo Phú Quốc (điều chỉnh) tại xã Gành Dầu, xã Cửa Cạn và xã Hàm Ninh, TP Phú Quốc, Kiên Giang (sau đây gọi tắt là Tổ hợp Casino Phú Quốc).

Tăng vốn lên 50.000 tỷ đồng

Vào năm 2007, tại thông báo về Đề án định hướng phát triển và quản lý kinh doanh casino tại Việt Nam, Bộ Chính trị đã chỉ đạo nghiên cứu, cho phép đầu tư một dự án lớn – một khu dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp quy mô lớn, trong đó có casino tại một địa điểm tương đối biệt lập (chẳng hạn như đảo Phú Quốc).

Đến năm 2015, Tổ hợp casino Phú Quốc đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc đã được Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tổ hợp trên với 4 dự án thành phần.

Các dự án thành phần bao gồm: Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí phức hợp Bãi Dài; Khu du lịch sinh thái Bãi Dài; Vườn thú Vinpearl Safari và Hòn Đồi Mồi tại xã Gành Dầu. Tổng vốn đầu tư của tổ hợp này là 24.963 tỷ đồng (khoảng 1,123 tỷ USD).

Quá trình triển khai, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh một số hạng mục trong tổ hợp để nâng cao hiệu quả kinh tế của dự án. Cụ thể, chủ đầu tư xin điều chỉnh một phần diện tích để bổ sung các hạng mục công trình giáo dục; điều chỉnh một số lô đất; điều chỉnh cục bộ quy hoạch 13,24 ha đất thuộc khu vui chơi giải trí Vinwonder.

Trước đề xuất đó, vào tháng 10/2022, Đồ án điều chỉnh quy hoạch cục bộ Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí phức hợp Bãi Dài đã được phê duyệt. Đến tháng 1/2023, Ban quản lý KKT Phú Quốc tiếp tục duyệt điều chỉnh quy hoạch Khu du lịch sinh thái Bãi Dài. Do đó, dự án phải lập ĐTM điều chỉnh.

Tại báo cáo ĐTM điều chỉnh, chủ đầu tư cho biết Tổ hợp casino Phú Quốc có 5 dự án thành phần, bao gồm Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí phức hợp Bãi Dài; Khu du lịch sinh thái Bãi Dài; Vườn thú Vinpearl Safari; Hòn Đồi Mồi và Khu trung tâm hội nghị, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Vòng.

Tổng mức đầu tư của dự án được tăng lên từ 24.963 tỷ đồng lên thành 50.000 tỷ đồng (khoảng 2,25 tỷ USD).

Tiến độ các dự án thành phần

Tính đến thời điểm tháng 4/2023, tiến độ của 5 dự án thành phần như sau.

Đối với Khu du lịch sinh thái Bãi Dài, một phần dự án đã đi vào hoạt động từ năm 2014. Cuối năm 2017 và năm 2018 dự án tiến hành điều chỉnh một số công trình và hiện đã hoàn thành xây dựng cơ bản các công trình, chuẩn bị đi vào hoạt động ổn định. Năm 2023, dự án tiếp tục điều chỉnh bổ sung các công trình giáo dục trên tổng diện tích 17.089 m2.

Đối với Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí phức hợp Bãi Dài – Phú Quốc, một phần khu vui chơi giải trí Vinpearland đã đi vào hoạt động từ 2014. Năm 2022, dự án đã tiến hành điều chỉnh các ông trình Khu công viên nước, cây xanh cảnh quan và biệt thự nghỉ dưỡng.

Tiếp đến là Hòn Đồi Mồi – Phú Quốc, dự án này hiện mới hoàn thành thủ tục pháp lý về môi trường, hiện đang chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.

Tại Vườn thú Vinpearl Safari Phú Quốc, hạng mục này đã xây dựng xong và đi vào hoạt động ổn định.

Cuối cùng là Khu trung tâm hội nghị, khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng Bãi Vòng, dự án này hiện mới hoàn thành thủ tục pháp lý về môi trường, hiện đang chuẩn bị công tác giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.

Hiện nay, 3/5 dự án thành phần của Tổ hợp casino Phú Quốc đã được triển khai và đi vào hoạt động. Hai dự án còn lại chuẩn bị triển khai là dự án Đồi Mồi và Bãi Vòng.

Sẽ xây thêm 3.200 phòng lưu trú trên Bãi Vòng

Tổ hợp casino Phú Quốc có tổng diện tích hơn 1.158 ha. Trong đó, Dự án Bãi Vòng có diện tích khoảng 335,9 ha, phía bắc giáp dự án của Tập đoàn Trung Thuỷ; phía tây giáp tuyến đường trục Dương Đông – An Thới; phía nam giáp dự án của Taekwang Vina Industrial và phía đông giáp biển.

Về hiện trạng, dự án Bãi Vòng hiện có một phần đất dân cư, đất hoa màu, đất trồng cây ăn quả, đất trồng tràm, cây tạp… Nhìn chung, hiện trạng Bãi Vòng chủ yếu là đất nông nghiệp.

Về quy mô, dự án Bãi Vòng sẽ đầu tư xây dựng khoảng 3.200 phòng lưu trú, có khả năng đón tiếp phục vụ khách lưu trú khoảng 7.000 người/ngày; số lượng khách vãng lai khoảng 1.400 người/ngày; số lượng nhân viên phục vụ khoảng 1.300 người.

Các hạng mục tại Bãi Vòng bao gồm khách sạn, biệt thự, resort, trung tâm hội nghị ẩm thực, quảng trường, trung tâm hội nghị ngoài trời, khu hạ tầng kỹ thuật, công trình giao thông, cây xanh mặt nước, hành lang bảo vệ bờ biển và 2 hạng mục hiện hữu (giao thông đối ngoại và đài DVOR).

Khu khách sạn nghỉ dưỡng tại Bãi Vòng sẽ cao 9 tầng, mật độ xây dựng 20%, gồm 900 phòng, được chia thành 2 khu. Khu trung tâm hội nghị ẩm thực cao 2 – 3 tầng, mật độ 30%, chia thành 2 khu. Biệt thự nghỉ dưỡng tại Bãi Vòng có 1.992 phòng cao 3 tầng, mật độ xây dựng 40%. Khu nghỉ dưỡng dạng resort có 608 phòng, mật độ xây dựng 40%, cao 1 – 3 tầng.

Hòn Đồi Mồi sẽ xây nhà hàng và quán bar

Dự án Hòn Đồi Mồi nằm ở phía tây đảo Phú Quốc, xung quanh bao bọc bởi biển, tổng diện tích quy hoạch 17.500 m2. Hiện trạng Hòn Đồi Mồi bao gồm 2.108 m2 đất nổi và 15.392 m2 mặt biển.

Dự án Hòn Đồi Mồi có sẽ bao gồm các công trình nhà hàng, chòi đón tiếp và cây xanh cảnh quan, tổng lượng khách tham quan sử dụng dịch vụ khoảng 1.923 người/ngày.

Hòn Đồi Mồi có một phần đất nổi cao có cao độ lớn nhất 2,5 m, cao độ nhỏ nhất 0,63 m, phần còn lại nằm ngập trong nước biển sâu 0,1 – 0,5 m. Phần đất nổi hiện là rừng cây tạp, cảnh quan đẹp nên sẽ giữ nguyên hệ sinh thái, không có bất kỳ tác động nào lên phần đất này. Phần đá thấp hơn mực nước biển được quây kè, đắp cát cao hơn nước biển.

Công trình tại Hòn Đồi Mồi sẽ xây theo dạng nhà sàn, các chòi nghỉ chân, nhà hàng, cầu giao thông chủ yếu làm bằng gỗ; bê tông chỉ sử dụng cho phần trụ của các công trình và tuyến đường giao thông cầu tàu. Tại đây sẽ có nhà hàng, quán bar, chòi nghỉ chân.

Bên cạnh đó, tại Hòn Đồi Mồi sẽ tổ chức các hoạt động tham quan san hô. Cụ thể là các tour lặn biển ngắm san hô hoặc lặn bằng tàu đáy kính, hoạt động 15 – 20 ngày/tháng, thời gian còn lại để san hô có thời gian tĩnh để phục hồi và phát triển.

Các tốp lặn sẽ chia thành 5 – 10 người. Nghiêm cấm dẫm đạp lên san hô, tự ý khai thác san hô làm hàng lưu niệm. Chủ đầu tư sẽ tham gia các hoạt động phục hồi và quản lý hệ sinh thái dưới nước và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ven bờ.

Tại Hòn Đồi Mồi sẽ không tổ chức các hoạt động thể thao giải trí dưới nước xa bờ có nguy cơ ảnh hưởng lớn đến rạn san hô và rùa biển như moto nước hay nhảy dù nước.

Về chủ đầu tư

CTCP Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc được thành lập vào tháng 9/2014, vốn điều lệ ban đầu là 300 tỷ đồng. Trong đó, Vinpearl – thành viên của Tập đoàn Vingroup là cổ đông sáng lập, với tỷ lệ nắm giữ 55%, còn lại là 4 cổ đông cá nhân khác.

Trải qua các đợt tăng vốn, đến năm 2017, vốn điều lệ của công ty du lịch này lên đến 7.500 tỷ đồng, trong đó Vinpearl góp 2.250 tỷ. Ngoài ra còn 4 cổ đông cá nhân khác là ông Võ Phước Thành và ông Phạm Minh Anh (cùng nắm tỷ lệ 22,5%), bà Võ Thị Phương Thảo (tỷ lệ 10%), và ông Phạm Quốc Nhật (tỷ lệ 15%).

Theo báo cáo thường niên 2021, Vingroup đã hạ tỷ lệ nắm giữ tại Công ty Du lịch Phú Quốc xuống còn 4,5% với giá trị gốc là 351 tỷ đồng. Đến tháng 3/2022, Vingroup cho biết đã hoàn thành việc chuyển nhượng 4,5% cổ phần tại Du lịch Phú Quốc với tổng giá trị chuyển nhượng là 1.688 tỷ đồng, bên nhận chuyển nhượng không được công bố.

Giai đoạn tháng 5 – tháng 7/2022, Du lịch Phú Quốc đã lần lượt phát hành 7 lô trái phiếu với tổng giá trị 3.958 tỷ đồng.

Tính đến ngày 31/12/2022, Du lịch Phú Quốc có vốn chủ sở hữu gần 2.420 tỷ đồng. Trong năm 2022, lãi sau thuế của doanh nghiệp là gần 40 tỷ đồng, dư nợ trái phiếu/vốn chủ sở hữu là 3,11 lần.

Tại thời điểm lập báo cáo về dự án nêu trên, Tổng Giám đốc của Du lịch Phú Quốc là ông Đặng Thanh Thuỷ. Trước đó, ông Thuỷ được biết đến là Phó Tổng Giám đốc của Vinpearl.

Nguồn: VietnamBiz

Đánh giá bài viết