Thương hiệu đội tuyển thể thao Việt Nam
Thể thao Việt Nam đang chuẩn bị hướng tới tranh tài SEA Games 32 ở Campuchia. Vào lúc này, những hình ảnh các tuyển thủ trong bộ trang phục mới của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32 đã được chia sẻ rộng khắp, qua đó tạo được động lực tinh thần cổ vũ từ người hâm mộ cả nước tới từng đội tuyển thể thao quốc gia.
Phải khẳng định, chưa bao giờ như lúc này, hình ảnh và thương hiệu đội tuyển thể thao Việt Nam nói chung (trong tất cả các môn) được mạng xã hội trên internet và người hâm mộ thể thao Việt Nam rất quan tâm. Hẳn thế, sau SEA Games 31, lần đầu tiên trong lịch sử, nhà tài trợ trang phục cho Đoàn thể thao Việt Nam là thương hiệu đồ thể thao Động Lực đã tổ chức riêng ngày ra mắt trang phục dành cho Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 (ngày 15-4) ngay tại khu đường đi bộ của Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Minh chứng cụ thể về sức hút của thương hiệu đội tuyển thể thao Việt Nam đó là rất nhiều người hâm mộ tìm mua hoặc đặt hàng các sản phẩm đồ thể thao giống như sản phẩm của các tuyển thủ Việt Nam sẽ thi đấu tại SEA Games 32. Tương tự như vậy, tại kỳ SEA Games 31, sản phẩm trang phục thể thao của Đoàn thể thao Việt Nam khi bán ra thị trường đã…cháy hàng vì đông đảo người hâm mộ cả nước cũng như nhiều đội tuyển thể thao địa phương đã mua qua đó nâng cao một ý thức vì màu cờ sắc áo dân tộc, vì một tinh thần thể thao Việt Nam.
Trên thực tế, thương hiệu đội tuyển thể thao Việt Nam được ngành thể thao (ở đây là Tổng cục TDTT) làm thủ tục đăng kí, bảo hộ sở hữu độc quyền hay không còn là dấu hỏi. Nếu theo sự phát triển của thể thao chuyên nghiệp, thương hiệu và hình ảnh đội tuyển thể thao Việt Nam là của quốc gia nên chắc chắn phải được bảo hộ độc quyền từ cơ quan quản lý có trách nhiệm để từ đó bất kỳ sản phẩm hay nhà tài trợ nào khi ký kết đồng hành phải có những ràng buộc cụ thể và có những lợi nhuận theo tiêu chí phù hợp.
Trang phục Đoàn thể thao Việt Nam của SEA Games 31 và Đoàn thể thao Việt Nam của SEA Games 32 đã ra mắt và tạo được sức hút với người hâm mộ cũng như nhiều VĐV thể thao chưa được cơ hội là tuyển thủ quốc gia để được sử dụng sản phẩm này. Ai nấy đều mong muốn một lần sở hữu bộ quần áo Đoàn thể thao Việt Nam bởi đó là niềm tự hào. Tuy nhiên, một chút thắc mắc lúc này đó là ngoài áo khoác của dành cho các tuyển thủ, thành viên Đoàn thể thao Việt Nam có in dòng chữ “Vietnam” bên cánh tay thì nhất loạt những sản phẩm trang bị còn lại không in tên “Vietnam” sau lưng. Đây cũng là điều thắc mắc của không ít người, dù cho trước ngực áo đã in hình quốc kỳ cờ đỏ sao vàng Việt Nam.
Thực tế, số đông các quốc gia dự SEA Games 31 và 32 đều in tên quốc gia của mình ở tất cả trang phục dành cho thành viên đoàn mình, riêng chúng ta là khác biệt (chỉ in tên sản phẩm thương hiệu sau lưng). Nhà tài trợ đồ thể thao cho Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32 đang có những hình ảnh quảng bá rộng khắp với nhiều tuyển thủ nổi tiếng của thể thao Việt Nam nên đây là sức hút đáng kể để người hâm mộ chú ý, cổ vũ nhiều hơn cho các đội tuyển thể thao quốc gia cũng như mua sản phẩm của nhà cung cấp. Điều này hoàn toàn bình thường với cơ chế thị trường.
Chúng ta có những quy định cụ thể về sở hữu thương hiệu, hình ảnh trong Luật sở hữu trí tuệ cũng như quyền sở hữu hình ảnh trong Luật dân sự. Đó là những cơ sở quan trọng để mỗi cá nhân tuyển thủ có thể đưa ra những ràng buộc về chi phí trong trường hợp xuất hiện trên các quảng cáo cho hình ảnh đội tuyển thể thao Việt Nam. Chắc chắn, điều đó đã được thương thảo trong hợp đồng trước khi các bên kí kết và thực hiện chụp hình rồi phát hành trước công chúng.
Đoàn thể thao Việt Nam ở mỗi kỳ SEA Games hay ASIAD đều rất khó khăn trong công tác kêu gọi tài trợ để có quỹ làm thưởng nóng cho các VĐV đạt thành tích huy chương. Chúng ta đang có thương hiệu đội tuyển thể thao Việt Nam là một trong những sản phẩm cần được bảo hộ, từ đó tìm tới các đối tác ký kết thêm tài chứ không thể đơn thuần cho các nhãn hàng sử dụng mà không mang lại hiệu quả kinh tế.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng – Thể Thao