Thể thao Việt Nam sẽ giành bao nhiêu suất Olympic 2024?
Môn trọng điểm vẫn được chờ đợi
Bốn năm trước, thể thao Việt Nam có suất Olympic đầu tiên dự Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 là từ môn bắn cung. Đấy cũng là lần đầu tiên, môn bắn cung của Việt Nam có tấm vé trong một kỳ Olympic. Bốn năm sau, xe đạp Việt Nam tiếp tục có điều thần kỳ ấy qua việc nữ cua-rơ Nguyễn Thị Thật giành HCV nội dung xuất phát đồng hàng của xe đạp đường trường nữ tại giải vô địch xe đạp đường trường châu Á 2023 (tổ chức ở Thái Lan).
Thể thao Việt Nam xong nhiệm vụ SEA Games 32 nhưng từ khi chuẩn bị cho SEA Games 31 (năm 2022), tất cả các kế hoạch còn thực hiện mục tiêu xa nhất là giành những suất chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024. Chúng ta đặt trọng tâm vào các môn trọng điểm quan trọng gồm bắn súng, bơi, điền kinh, cử tạ, TDDC, bắn cung. Trong số này, các tuyển thủ điền kinh và bơi rất quyết tâm để có được tấm vé chính thức tới Olympic Paris (Pháp) vào năm 2024. Cùng với họ, đội tuyển cử tạ Việt Nam cũng nhắm cho cơ hội này.
Phụ trách bộ môn cử tạ (Tổng cục TDTT) – ông Nguyễn Huy Hùng từng chia sẻ “chúng tôi đang nỗ lực để tập trung chuẩn bị chuyên môn tốt nhất có các gương mặt trọng điểm dự các giải nằm trong hệ thống tính thành tích Olympic từ đó tranh vé tới Pháp năm sau. Tuy nhiên, tất cả đều phải thận trọng”.
Trong khi đó, phụ trách bộ môn bơi (Tổng cục TDTT) – bà Lê Thanh Huyền cũng cho biết “tuyển thủ bơi Việt Nam có mục tiêu rõ ràng trong từng giải đấu. Các em VĐV đều rất tập trung để tranh tấm vé chính thức Olympic vì đây là vinh dự không phải ai cũng có được”. Với môn điền kinh, ban huấn luyện đội tuyển đang rất chờ đợi có ít nhất một tuyển thủ sẽ vượt được chuẩn thành tích để có tấm vé chính thức dự Olympic vào năm 2024.
Trên hết, giành được suất Olympic trong các môn có chuẩn thành tích là không dễ vì hệ thống tính chuẩn đã thay đổi thành tích cao hơn đồng thời các Liên đoàn, Hiệp hội của các môn thể thao trên thế giới đang xét thành tích nhiều hơn vào thứ hạng (ranking) trên bảng xếp hạng thế giới của quốc gia hoặc tuyển thủ ở môn thể thao đó.
Thể thao hoàn toàn có tính bất ngờ
Thể thao Việt Nam có 18 tuyển thủ góp mặt trong các môn bắn cung, điền kinh, cầu lông, boxing, TDDC, judo, đua thuyền rowing, bắn súng, bơi, taekwondo, cử tạ tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020. Trong số này, có người đi bằng suất chính thức, có người dự bằng vé mời.
Chúng ta còn thời gian hơn một năm nữa để tiếp tục các cuộc đấu nhằm tranh suất Olympic chính thức trong các môn đã hoạch định. Chưa khi nào, niềm tin sẽ có những suất Olympic của thể thao Việt nam bị lung lay vì giành được suất nằm theo lộ trình chứ không chỉ nói bằng lời. Cộng thêm đó, thể thao Việt Nam cũng chờ đợi một chút may mắn và có yếu tố bất ngờ trong những giải đấu chúng ta nhắm tranh vé Olympic.
Từ đầu năm 2023, một số đội tuyển thể thao như đấu kiếm, bắn súng, cử tạ, judo, taekwondo, bắn cung, xe đạp, cầu lông, boxing, TDDC… đã tham gia một số giải quốc tế để có tích điểm cho từng cá nhân tuyển thủ. Lẽ ra, chúng ta có thể sớm giành được suất Olympic Paris (Pháp) 2024 đầu tiên sau khi tuyển thủ Nguyễn Thị Tâm lọt vào chung kết và giành HCB hạng 48kg-50kg giải boxing nữ vô địch thế giới 2023. Tiếc rằng, Liên đoàn boxing thế giới muốn thành tích của VĐV giải này được công nhận, trao suất Olympic nhưng Ủy ban Olympic (IOC) không đồng ý.
Thế nên, tới đây nếu có được một sức khỏe tốt nhất, Nguyễn Thị Tâm có thể làm lại điều ấy ở ASIAD 19-2022. Một số môn nằm trong chương trình thi đấu ASIAD 19-2022 được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận sẽ trao suất Olympic Paris (Pháp) 2024 nếu đạt đúng các tiêu chí. Trong số này, môn điền kinh và bơi, boxing có cơ hội như vậy. Dù thế nào, thể thao Việt Nam có mục tiêu hướng tới không thể thấp hơn con số 18 tuyển thủ được dự Olympic Paris (Pháp) 2024 so với kỳ tổ chức tại Nhật Bản vào năm 2020.
Nguồn: Soha