Thể thao và hòa bình
“Vì niềm tự hào dân tộc”
Lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games), Campuchia đã có tới 10 năm chuẩn bị, tính từ năm 2013 khi chính phủ nước này đồng ý về nguyên tắc cho Ủy ban Olympic Quốc gia (NOCC) đăng cai, với mong muốn góp phần nâng cao vị thế đất nước, thể hiện năng lực tổ chức các giải thể thao quốc tế. Đây cũng sẽ là cơ hội để Campuchia giới thiệu ra quốc tế một đất nước hòa bình, ổn định và phát triển, đồng thời thúc đẩy du lịch, quảng bá văn hóa Campuchia.
Ngay sau khi giành quyền đăng cai SEA Games 2023, Campuchia đã xây dựng mới một số cơ sở hạ tầng, địa điểm thi đấu; đáng chú ý là Khu liên hợp thể thao quốc gia Morodok Techo, với sân vận động quốc gia Morodok Techo – nơi diễn ra Lễ Khai mạc, Lễ Bế mạc, các nội dung của môn điền kinh, chung kết bóng đá… Bên cạnh đó, “khoảng 40% vận động viên của chúng tôi đã được gửi đi tập huấn và thi đấu ở nước ngoài để cải thiện khả năng và kỹ thuật trước SEA Games”, Bộ trưởng Bộ Du lịch, Phó Chủ tịch Thường trực NOCC Thong Khon tiết lộ.
Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng tuyên bố, việc đăng cai tổ chức SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12 “là điều chúng tôi đã chờ đợi 64 năm”. Đó không phải vấn đề riêng của chính phủ hay Đảng Nhân dân Campuchia (CPP), mà là của cả đất nước, và để tổ chức thành công Đại hội “đòi hỏi cả quốc gia phải làm việc cùng nhau, vì niềm tự hào dân tộc”.
Thủ tướng Hun Sen kêu gọi tất cả người dân tham gia vào ngày hội thể thao lớn nhất khu vực này. Không chỉ những nơi tổ chức các nội dung thi đấu của Đại hội là Phnom Penh, Kampot, Kep, Sihanoukville và Siem Reap, mà cả vương quốc đều phải sạch sẽ và sẵn sàng chào đón các vị khách quốc tế.
Với các vận động viên Campuchia, Thủ tướng Hun Sen nhắn nhủ: “chúng ta đã chuẩn bị tốt nhất có thể, giờ là lúc các bạn phải đền đáp niềm tin của chúng tôi và nỗ lực tối đa để giành huy chương vàng. Tuy nhiên, tất cả các bạn phải nhớ rằng mọi huy chương vàng đều phải công bằng và xứng đáng… Dù thắng hay thua, phải coi đối thủ như những người bạn… vì thể thao là để xây dựng tình bạn và ngoại giao”.
Ông cũng nhấn mạnh: “giành huy chương là một chuyện, nhưng cách thức tổ chức Đại hội mới là điều quan trọng nhất”.
SEA Games “miễn phí” nhưng đẳng cấp Olympic
Nước chủ nhà Campuchia đã có một quyết định bất ngờ, miễn phí ăn (50 USD/ngày) và ở cho các đoàn thể thao tham gia SEA Games 32. Trước đó, Thủ tướng Hun Sen cũng tuyên bố cho phép tất cả các đài truyền hình trong và ngoài nước phát sóng miễn phí các nội dung tại SEA Games 32. Ngoài ra, vé xem Lễ Khai mạc và Lễ Bế mạc, các nội dung thi đấu của SEA Games 32, cũng như Para Games 12, sẽ miễn phí cho tất cả công chúng, cả người Campuchia và cổ động viên, du khách nước ngoài.
Với các chính sách này, Campuchia đã trở thành quốc gia đầu tiên tổ chức SEA Games mà không bán vé hoặc quyền phát sóng. “Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này là để cả thế giới biết đến Campuchia”, Thủ tướng Hun Sen nhấn mạnh.
Mặc dù “miễn phí” nhưng Campuchia đang hướng đến tổ chức một kỳ SEA Games đạt chuẩn Olympics. Tổng Thư ký Ủy ban Tổ chức SEA Games Campuchia (CAMSOC) Vath Chamroeun khẳng định: “với SEA Games, có hai điểm tạo nên thành công lớn: thứ nhất, lễ khai mạc và bế mạc, đặc biệt là lễ khai mạc. Chúng ta phải tổ chức một buổi lễ tuyệt vời nhất từ trước đến nay và thực hiện nó ở cấp độ Olympic chứ không phải cấp độ khu vực như các nước khác đã làm, và mọi người sẽ tự chứng kiến khía cạnh tuyệt vời này; thứ hai là các địa điểm thể thao được tổ chức tốt và các cuộc thi đấu diễn ra suôn sẻ”.
Lễ Khai mạc SEA Games 32 vào 18 giờ ngày 5.5 được hứa hẹn sẽ hoành tráng, vượt tầm Đông Nam Á và có thể sánh với Olympics. Kịch bản Lễ Khai mạc được xây dựng từ hơn một năm trước, với các tiết mục mang đậm văn hóa Campuchia, với sự tham gia của khoảng 1.000 nghệ sĩ cùng 2.000 vận động viên và binh sĩ.
Hơn 6.000 tình nguyện viên, bao gồm cả nhân viên các liên đoàn thể thao quốc gia được huy động phục vụ SEA Games 32. Tất cả tình nguyện viên đều được Hội Liên hiệp Thanh niên Campuchia (UYFC) tuyển chọn và đào tạo. “Điều quan trọng nhất mà chúng tôi muốn từ sự kiện này là mang lại danh tiếng tốt cho Campuchia… Chúng tôi đang quảng bá với thế giới về Campuchia, đất nước có nền tảng tốt, vẻ đẹp tuyệt vời và những giá trị văn hóa sâu sắc”, ông Vath Chamroeun nói.
SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5 – 17.5, với 37 môn thể thao, 586 nội dung thi đấu. Ước khoảng hơn 12.400 vận động viên, huấn luyện viên và thành viên của 11 đoàn thể thao các nước Đông Nam Á đến Campuchia dịp này.
Nguồn: Báo Đại biểu Nhân dân