Thể thao TP.HCM đầu tư chưa tương xứng, thành quả nhờ nỗ lực vượt khó
SEA Games 32 khép lại với sự thành công ngoài mong đợi của thể thao Việt Nam, với 136 HCV và tiếp tục giữ vững ngôi đầu toàn đoàn một cách xứng đáng. TP.HCM đóng góp 179 thành viên cho đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games 32. Các vận động viên TP.HCM đã giành được 31 HCV, 24 HCB, 20 HCĐ, vượt xa chỉ tiêu đề ra là 18 – 20 HCV.
Đây là thành quả đáng ghi nhận của thể thao TP.HCM nếu nhìn vào điều kiện hiện tại.
Là thành phố phát triển nhấtnước với dân số hơn 10 triệu người, nhưng hệ thống cơ sở vật chất của thể thao TP.HCM chưa tương xứng.
Cụ thể, TP.HCM không có một sân vận động hiện đại với sức chứa lớn; không có một tổ hợp thi đấu các môn thể thao dưới nước; trường bắn điện tử hiện đại… đủ tiêu chuẩn đăng cai đại hội tầm cỡ như SEA Games.
Vì thiếu cơ sở vật chất, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và nhiều liên đoàn quốc gia cũng không thể đưa những giải đấu lớn có đội tuyển Việt Nam tham dự về TP.HCM tổ chức.
Nhiều năm giữ cương vị lãnh đạo ngành thể thao TP.HCM, ông Mai Bá Hùng – Nguyên Phó giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao TP.HCM, rất trăn trở với những dự định chưa thể hoàn thành trước khi nghỉ hưu.
Ông cho biết: “Vào năm 2018, UBND TP.HCM trình Thủ tướng đề án đăng cai SEA Games 31 năm 2021 tại TP.HCM. Thế nhưng vì rất nhiều lý do, đề án này sau đó đã không thể thực hiện, và Hà Nội đã lần thứ hai là chủ nhà của SEA Games.
Nguyên nhân quan trọng chính là cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Nếu SEA Games 31 được tổ chức tại TP.HCM, địa phương này có thể đã xây dựng nhiều công trình xứng tầm như: Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc trên diện tích 180ha với sân vận động trung tâm 50.000 chỗ ngồi; Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM…”.
Đến nay, Khu liên hợp thể thao quốc gia Rạch Chiếc vẫn là dự án trên giấy, khi chưa được phê duyệt kinh phí để đầu tư thi công. Cùng với đó, Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT TP.HCM vẫn còn triển khai ì ạch từng hạng mục nhỏ lẻ, mà chủ yếu là sửa chữa và tận dụng cơ sở vật chất sẵn có của Trường đua Phú Thọ đã xây dựng cách đây vài chục năm nên xuống cấp nghiêm trọng.
TP.HCM chưa có tổ hợp đầy đủ cơ sở vật chất để tập hợp các đội tuyển tập luyện, thi đấu, cho các vận động viên có chỗ để học văn hóa. Nhiều năm qua, vì cơ sở vật chất không đảm bảo nên TP.HCM phải đưa nhiều đội tuyển về gửi ở các trung tâm thể thao, các quận, huyện để có chỗ tập luyện.
Trong chuyến khảo sát chiều 29/5 của Ban Văn hoá Xã hội HĐND TP.HCM, do ông Cao Thanh Bình, Uỷ viên Thường trực, Trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM làm trưởng đoàn, các thành viên đoàn không khỏi chạnh lòng khi đến phòng tập của đội tuyển Vovinam TP.HCM.
Họ không thể tưởng tượng được dưới cái nóng gần 40 độ và dưới ánh đèn leon lờ mờ, không gian tập luyện chỉ hơn 150m2 mà có đến hơn 60 vận động viên cùng tập luyện hàng ngày. Vậy mà đội tuyển này vừa mang về 4 HCV, 10 HCB tại SEA Games 32 cho thể thao Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng.
Đặc biệt, cũng ở nơi đây, các vận động viên nhiều thế hệ đã duy trì thành tích 22 năm liên tiếp giành ngôi đầu toàn đoàn ở các giải quốc gia.
Ông Cao Thanh Bình, trưởng đoàn khảo sát phải thốt lên: “Chúng ta cứ nghĩ thể thao TP.HCM luôn trong top đầu cả nước, thì công tác đầu tư và chăm lo cho lực lượng huấn luyện viên, vận động viên khá chỉn chu. Nhưng thực tế không như vậy.
Điều này cần phải cải thiện ngay. Đây là vấn đề cấp bách chúng tôi sẽ phải kiến nghị trọng cuộc họp HĐND TP.HCM. Để cơ sở vật chất phục vụ đội ngũ này phải tốt hơn, nhiều chế độ đãi ngộ tốt hơn cho họ”.
Để thể thao TP.HCM phát triển bứt phá và cũng là xung lực cho thể thao khu vực phía Nam, việc đầu tiên là phải đầu tư hệ thống cơ sở vật chất cho thể thao thành phố.
Theo Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM, sắp tới TP.HCM có 8 dự án cho ngành thể thao. Nhưng hầu hết cũng là cải tạo và sửa chữa từ những cơ sở hạ tầng cũ. Riêng một dự án khu nhà ở cho vận động viên với số tiền đầu tư 240 tỷ dự kiến được xây dựng mới gần Sân vận động Hoa Lư, quận 1, trên nền đất vừa thu hồi được mặt bằng. Đây cũng là một tín hiệu vui cho thể thao TP.HCM.
Nguồn: Dân Việt