Thể thao Thanh Hóa nỗ lực vượt khó để có một kỳ SEA Games 32

Nhân dịp SEA Games 32 kết thúc thành công tốt đẹp với vị trí nhất toàn đoàn thuộc về đoàn thể thao Việt Nam, Báo Thanh Hóa đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa về những kết quả và sự đóng góp của các VĐV, HLV thể thao Thanh Hóa tại kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á này.

Ông Nguyễn Duy Tự, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa.

Phóng viên: Có thể nói, các VĐV, HLV của thể thao Thanh Hóa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tại SEA Games 32 với 7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ. Ông đánh giá về thành tích này như thế nào?

Ông Nguyễn Duy Tự: Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 32 tổ chức tại Campuchia có thể xem là kỳ SEA Games đầy thử thách với thể thao thành tích cao Thanh Hóa khi nhiều bộ môn, nội dung thế mạnh đã bị nước chủ nhà Campuchia cắt bỏ. Điều này còn khiến các VĐV gặp khó khăn khi giành vé tham dự SEA Games.

Mặc dù vậy, tỉnh Thanh Hóa vẫn có 20 VĐV và 4 HLV góp mặt trong đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32. Trong bối cảnh cạnh tranh quyết liệt với các VĐV đến từ các nước trong khu vực, các VĐV của Thanh Hóa đã thể hiện được tinh thần, sự quyết tâm cao nhất trong từng trận đấu, từng nội dung thi đấu.

Đội tuyển lặn Thanh Hóa với sự góp mặt của VĐV Cao Thị Duyên (bên trái) và HLV Phạm Tuấn Anh (thành viên ban huấn luyện đội tuyển lặn quốc gia) có nhiều đóng góp nhất cho thành tích của thể thao Thanh Hóa tại SEA Games 32 với 3 HCV, 2 HCB.

Đặc biệt, nhiều VĐV đã khẳng định được đẳng cấp, kinh nghiệm của mình để giành huy chương cho đoàn thể thao Việt Nam nói chung, thể thao Thanh Hóa nói riêng. Trong đó phải kể đến những gương mặt “vàng” như Cao Thị Duyên – bộ môn lặn (3 HCV, 2 HCB, phá 2 kỷ lục SEA Games), Hoàng Thị Tình, bộ môn judo (3 kỳ SEA Games liên tiếp giành HCV), Lê Thị Hiền – bộ môn vovinam, Đặng Thị Linh – bộ môn vật với 2 kỳ SEA Games liên tiếp giành HCV. Bên cạnh đó là tấm HCV đầu tiên của VĐV Trương Thị Thương ở bộ môn karate. Các VĐV khác dù giành HCB hay HCĐ đều đã thi đấu hết mình.

Các VĐV Lê Thị Hiền (bên trái) và Trương Văn Tuấn giành 1 HCV, 1 HCB ở bộ môn vovinam. Trong đó Lê Thị Hiền giành HCV tại 2 kỳ SEA Games liên tiếp.

Tham gia và đảm nhiệm các vị trí HLV trưởng và thành viên ban huấn luyện các đội tuyển pencak silat, điền kinh, lặn và kun botakor, 4 HLV của Thanh Hóa gồm các ông: Nguyễn Văn Hùng, Trần Văn Sỹ, Phạm Tuấn Anh và Phạm Hữu Châu, đã có nhiều đóng góp cho thành tích của các bộ môn, cũng như vị trí nhất toàn đoàn của Việt Nam tại SEA Games 32.

Thành tích 7 HCV, 5 HCB, 5 HCĐ đã khẳng định, SEA Games 32 là kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á thành công với thể thao Thanh Hóa. Các VĐV và HLV của tỉnh đã có sự đóng góp toàn diện, đáng kể vào thành tích chung của thể thao nước nhà.

Phóng viên: Qua thành tích thi đấu của các VĐV, xin ông đánh giá mặt được và chưa được của các môn thể thao thế mạnh?

Ông Nguyễn Duy Tự: Thành tích và những tấm huy chương mà các VĐV đã giành được tiếp tục khẳng định thế mạnh của thể thao Thanh Hóa, trong đó phải kể đến các môn lặn, vovinam, vật, karate, judo, pencak silat, taekwondo. Đây đều là những bộ môn đang trong quá trình trẻ hóa, chuyển giao lực lượng cho một giai đoạn mới, nhưng vẫn phải nỗ lực giữ thành tích tại đấu trường quốc gia, không ngừng nâng cao thành tích thi đấu quốc tế. SEA Games luôn là đấu trường khó khăn khi các cuộc thi đấu đều diễn ra quyết liệt, khó lường.

VĐV judo Hoàng Thị Tình có 3 kỳ SEA Games liên tiếp giành HCV.

Các bộ môn thế mạnh của thể thao Thanh Hóa đã có sự chuẩn bị khá chu đáo và nỗ lực giành những tấm vé tham gia SEA Games 32. Điều đáng mừng là các bộ môn đều có những nhân tố đã khẳng định được đẳng cấp, kinh nghiệm và có cả những gương mặt trẻ tham gia kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần này. Thành tích đạt được là rất đáng ghi nhận.

Đặng Thị Linh bảo vệ thành công tấm HCV ở bộ môn vật.

Bên cạnh những thành công, một số bộ môn chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, ví dụ như điền kinh. Với 2 VĐV tham gia, điền kinh Thanh Hóa đã không giành được tấm huy chương nào sau nhiều kỳ SEA Games liên tiếp đều giành thành tích cao.

Trương Thị Thương (ngoài cùng bên trái) giành tấm HCV SEA Games đầu tiên cho karate Thanh Hóa.

Ngoài ra, bộ môn pencak silat dù có HLV Nguyễn Văn Hùng làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia và 3 VĐV tham gia, nhưng cũng chỉ giành được 3 HCĐ.

Được kỳ vọng nhưng VĐV Phạm Thị Vân ở môn bơi cũng chưa thể giành được huy chương sau 2 kỳ SEA Games liên tiếp.

Các bộ môn mới như xe đạp (địa hình), triathlon (ba môn phối hợp) cần thêm thời gian để các VĐV khẳng định.

Phóng viên: Vậy xin ông cho biết, bài học kinh nghiệm gì đã được rút ra từ SEA Games 32 và định hướng, giải pháp nào để tiếp tục phát triển thể thao tỉnh nhà, giữ vững vị trí trong top đầu toàn quốc và tiếp tục bứt phá trên đấu trường quốc tế như ASIAD, Olympic, các giải vô địch khu vực Đông Nam Á, châu Á và thế giới?

Ông Nguyễn Duy Tự: Hai năm 2022 và 2023 được xem là khoảng thời gian đặc biệt của thể thao Thanh Hóa nói riêng và thể thao Việt Nam nói chung khi 2 kỳ SEA Games 31 và 32 liên tiếp được tổ chức. Đây là điều chưa từng xảy ra trước đó, bởi vậy cường độ làm việc của đội ngũ các HLV, VĐV là rất lớn, sự nỗ lực cũng phải gấp nhiều lần. Thành tích giành được của thể thao Thanh Hóa tại SEA Games 32 là rất đáng ghi nhận, tiếp tục khẳng định vị thế và sự đóng góp cho thể thao nước nhà.

Đội tuyển pencak silat – arnis Thanh Hóa có nhiều cố gắng tại SEA Games 32 với 4 HCĐ.

Những bài học kinh nghiệm sau kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm nay là rất quý giá. Trong đó, các bộ môn thế mạnh tiếp tục khẳng định được vai trò, vị thế, sự đóng góp thành tích. Điều này đã cho thấy tỉnh Thanh Hóa vẫn đang có sự đầu tư đúng hướng với các bộ môn thể thao thế mạnh, có truyền thống. Sự quan tâm của tỉnh và sự nỗ lực vượt khó của ngành, đội ngũ các VĐV, HLV đã đem lại những kết quả nói trên.

Thành tích của các bộ môn giành được tại SEA Games 32 là cơ sở để tỉnh ta tiếp tục có chiến lược đầu tư trọng điểm cho nhóm các bộ môn thế mạnh. Với những bộ môn chưa đạt được kết quả như mong đợi tại SEA Games 32 và khoảng thời gian vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT tỉnh sẽ có kế hoạch, định hướng, giải pháp cụ thể cho giai đoạn phát triển mới.

Sau kỳ SEA Games 32 không có huy chương, điền kinh Thanh Hóa rút ra nhiều bài học kinh nghiệm để “tái xuất” trong thời gian tới.

Các bộ môn còn lại phấn đấu nâng cao chất lượng công tác đào tạo VĐV ở cả 3 tuyến năng khiếu, trẻ và đội tuyển, phấn đấu duy trì và nâng cao thành tích tại các giải trẻ, giải vô địch quốc gia và các giải đấu khác trong nước. Đây là cơ sở quan trọng để các bộ môn phấn đấu có nhiều VĐV tham gia các đội tuyển trẻ quốc gia, đội tuyển quốc gia các bộ môn, tranh tài tại các giải đấu quốc tế như giải vô địch khu vực Đông Nam Á, châu Á, thế giới hàng năm, đặc biệt dành sự đầu tư cho các sự kiện lớn như SEA Games, ASIAD, Olympic.

Để đạt được mục tiêu trên, trong thời gian tới, thể thao thành tích cao Thanh Hóa sẽ có nhiều việc phải làm, đội ngũ HLV, VĐV cần tiếp tục nỗ lực từ công tác huấn luyện, tập luyện cho tới thi đấu. Tỉnh Thanh Hóa, ngành thể thao sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các VĐV, HLV phát huy tốt nhất khả năng của mình, phấn đấu giành thành tích cao, đem vinh quang về cho thể thao Thanh Hóa và thể thao nước nhà. Qua đó tiếp tục khẳng định sự lớn mạnh, vị thế và sự đóng góp của thể thao Thanh Hóa trong những năm tới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Mạnh Cường (thực hiện)

Nguồn: Báo Thanh Hóa

Đánh giá bài viết