Tại sao eSports là bộ môn thể thao thế hệ mới tại SEA Games 32?

Các môn thuộc eSports đang thu hút hàng chục triệu người dân Việt Nam tham gia chơi – Ảnh: ĐỨC THIỆN

eSports là hình thức thi đấu các trò chơi điện tử trên các thiết bị như máy tính, điện thoại… giữa nhiều người chơi, đặc biệt là tuyển thủ chuyên nghiệp.

eSports đề cao tính chiến thuật, sự am hiểu sâu sắc về trò chơi, kỹ thuật điều khiển các thiết bị công nghệ và cả tinh thần đồng đội.

eSports đậm chất công nghệ

Để phát triển và vận hành thành công một tựa game nói chung và game eSports nói riêng đòi hỏi phải có sự tham gia của các nhân sự am hiểu về công nghệ như kỹ sư lập trình game (Game Developer), kỹ sư phần mềm (Software Engineer), AI, kỹ sư công nghệ thông tin (IT)… và các bộ phận có khả năng cân bằng và phát triển nội dung sản phẩm.

Ít ai biết là phần lớn các công nghệ mới, đang “hot” hiện nay trên thế giới như trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng chuỗi khối (blockchain), tương tác thực tế ảo (AR), thực tế ảo (VR) đều được thử nghiệm và ứng dụng trong ngành game gần như đầu tiên, trước khi được ứng dụng rộng rãi trong các ngành khác như y tế, giáo dục hay tài chính.

Tính “thế hệ mới” của eSports thể hiện rõ ràng nhất trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Trong khi các giải đấu thể thao truyền thống phải tạm hoãn, các trận đấu eSports, dựa trên lợi thế công nghệ thông tin và nền tảng Internet, vẫn diễn ra trực tuyến bình thường.

Các giải đấu không chỉ diễn ra ở Việt Nam mà còn cả trong khu vực Đông Nam Á đối với các bộ môn Liên Quân Mobile, Free Fire, Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến, PUBG Mobile.

eSports làm phát triển hệ sinh thái ngành nghề mới

Có rất nhiều ngành nghề mới nổi lên trong eSports như tuyển thủ, huấn luyện viên, trọng tài eSports, sáng tạo nội dung, quản lý truyền thông cùng nhiều vai trò hậu cần khác phục vụ cho công tác tổ chức giải đấu, sự kiện eSports…

Sự phát triển bùng nổ của eSports kéo theo sự tăng trưởng của hàng loạt lĩnh vực khác như dịch vụ Internet, đầu tư, truyền thông quảng cáo, bán vật phẩm và đặc biệt thúc đẩy công nghiệp phần cứng như máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, các loại chip xử lý, card đồ họa, các thiết bị nghe nhìn phụ trợ.

Từ đó, eSports không chỉ trở thành một bộ môn thể thao hiện đại mà còn hình thành nên một ngành công nghiệp có giá trị tỉ đô trong nền kinh tế.

Theo số liệu của Newzoo (trang thống kê dữ liệu về games và eSports lớn trên thế giới), doanh thu thể thao điện tử toàn cầu năm 2021 vẫn cán mốc trên 1 tỉ USD. Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSports là 532 triệu người và có tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025).

Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã đưa thể thao điện tử vào giảng dạy và đào tạo như: Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore… Tại Việt Nam, các nhà phát hành game hàng đầu đang hỗ trợ xây dựng và phát triển các câu lạc bộ eSports ở trường đại học. Thậm chí họ còn kỳ vọng eSports sẽ trở thành một môn học chính quy.

Tại SEA Games 31, đoàn thể thao eSports Việt Nam giành tổng cộng 10 bộ huy chương thuộc 8 tựa game, góp phần ghi tên Việt Nam lên bản đồ eSports thế giới. Đến với SEA Games 32, tuyển eSports Việt Nam tham dự với 44 vận động viên, thi đấu 5 bộ môn với 7 nội dung, tính tới thời điểm hiện tại đã mang về cho Việt Nam 1 huy chương vàng bộ môn Đột Kích và 1 huy chương bạc ở môn Liên Minh Huyền Thoại: Tốc Chiến.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Đánh giá bài viết