SEA Games lịch sử của thể thao Việt Nam
Buổi lễ bế mạc SEA Games 32 đêm 17-5 trên sân Morodok Techo đã khép lại một mùa thi đấu thể thao rộn ràng của đại gia đình Đông Nam Á lần đầu tiên trình diễn trên các sân khấu ở Campuchia. Tại kỳ SEA Games này, thể thao Việt Nam (TTVN) đã gặt hái nhiều thành công hơn mong đợi.
Thể thao Việt Nam dẫn đầu toàn đoàn với 136 HCV, hơn đoàn về nhì Thái Lan đến 28 HCV. Ảnh: PHƯƠNG NGHI
Ấn tượng với các cô gái vàng bóng đá Việt Nam mang về HCV SEA Games lần thứ tư liên tiếp một cách thuyết phục. Ảnh: ANH PHƯƠNG
SEA Games thành công nhất trên sân khách
Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Phó đoàn TTVN, cho biết đây là kỳ SEA Games thành công nhất trong lịch sử khi TTVN thi đấu ở nước ngoài: “Các VĐV đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra trước khi lên đường sang Campuchia”.
Năm nay, TTVN khiêm tốn đặt mục tiêu phấn đấu vào tốp đầu SEA Games 32 chỉ với 89-120 HCV nhưng đã gặt hái đến 136 HCV. Tuy nhiên, thành công ở SEA Games 32 về số lượng và chất lượng của những chiếc huy chương cho thấy TTVN có lực lượng tương đối dày và toàn diện ở các nhóm môn Olympic, Asian Games và SEA Games, theo đánh giá của ông Vinh.
Đáng chú ý, số HCV trải đều ở các môn thi đấu, với nhiều VĐV vô địch một cách thuyết phục bởi đẳng cấp như Nguyễn Thị Oanh (điền kinh); Trần Hưng Nguyên, Thanh Bảo (bơi); Minh Trí, Quốc Toàn (cử tạ); đôi nam nữ môn bóng bàn… cùng nhiều môn khác đã hoàn thành vượt chỉ tiêu đặt ra.
Ông Hoàng Quốc Vinh tự hào chia sẻ: “Tại SEA Games này, đoàn TTVN bên cạnh trình độ chuyên môn nổi bật cũng đã lan tỏa, truyền cảm hứng về ý chí quyết tâm, không lùi bước. Tôi ấn tượng với hình ảnh các cô gái của môn bóng đá nữ khi bảo vệ thành công ngôi vô địch lần thứ tám hay các nữ VĐV môn thể thao Olympic đầy cực nhọc là môn vật đã giành trọn bộ sáu tấm HCV.
Hình ảnh các VĐV ở các môn thể thao đối kháng như võ thuật đã gây xúc động với tinh thần chiến đấu ngoan cường, đóng góp 63 HCV, thể hiện truyền thống thượng võ, sự dũng cảm, mưu trí của người VN”.
Mùa này, TTVN khiêm tốn đặt mục tiêu phấn đấu vào tốp đầu SEA Games 32 chỉ với 89-120 HCV nhưng đã gặt hái đến 136 HCV.
Chiến thắng ấn tượng ở nhiều môn Olympic
TTVN gặp nhiều áp lực với chỉ tiêu nằm trong nhóm dẫn đầu SEA Games 32, sau mùa năm ngoái thành công vang dội trên sân nhà. Ai cũng thừa hiểu không có chiến thắng nào dễ dàng khi phải chơi trên sân khách Campuchia với nhiều ưu thế trong khi các cường quốc thể thao như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia cũng đầy tham vọng và đều chuẩn bị tốt, bên cạnh xu hướng nhập tịch VĐV.
Thế nhưng bằng nỗ lực vượt bậc, các HLV, VĐV đã giúp nâng tầm TTVN với những dấu ấn đáng tự hào tại SEA Games này, như môn vật, karatedo, aerobic đã giành trọn 5/5 HCV.
Trong khi đó, các cô gái VN đã giành ngôi vô địch đầu tiên cho bóng rổ VN tại SEA Games thật đáng quý. Còn ở sân chơi golf, cũng là lần đầu tiên VN góp mặt không phải “cho vui” mà xuất thần giành HCV với cái tên thần đồng Lê Khánh Hưng chỉ mới 15 tuổi. Niềm hạnh phúc càng bùng nổ hơn với bóng bàn VN khi cặp Đinh Anh Hoàng và Trần Mai Ngọc giành HCV sau 26 năm chờ đợi ở nội dung đôi nam nữ, sau khi đánh bại đối thủ mạnh của Singapore.
Trong số các môn thể thao Olympic, judo cũng đã ghi dấu ấn khó quên với 8 HCV, vượt chỉ tiêu gấp đôi. Tương tự, cử tạ hoàn thành hơn chỉ tiêu, dù phải phân bổ lực lượng cho SEA Games 32 và giải vô địch châu Á, cũng là vòng loại Olympic. Các đô cử VN đã giành 3 HCV, với ấn tượng từ Trần Minh Trí hạng 67 kg nam phá kỷ lục SEA Games ở nội dung cử đẩy. Đặc biệt, đô cử Nguyễn Quốc Toàn đã phá ba kỷ lục SEA Games (cử giật, cử đẩy và tổng trọng) ở hạng dưới 89 kg.
Điền kinh chỉ đoạt 12 HCV, chưa đạt chỉ tiêu 14 HCV trong bối cảnh không có đầy đủ lực lượng mạnh nhất. Với môn bơi, kình ngư Huy Hoàng điều chỉnh điểm rơi vào tháng 9 cho Asian Games và sau khi giành vàng 400 m tự do, anh chỉ kịp lên bể rồi lại vào bục xuất phát 200 m bướm nên chỉ về đích hạng tư.•
Nguồn: Báo Pháp Luật TP.HCM