SEA Games có cần thêm môn thể thao mới?
Kỳ Đại hội thể thao bán đảo Đông Nam Á (SEAP Games) đã hình thành từ năm 1959 với lần tổ chức đầu tiên tại Thái Lan có sự tham dự của 6 đoàn và chương trình thi đấu gồm 12 môn. Đến năm 1977 chính thức mang tên gọi SEA Games (Đại hội thể thao Đông Nam Á) và trải qua hơn nửa thế kỷ, sân chơi này ngày càng phát triển với quy mô lớn hơn, quy tụ toàn bộ các quốc gia trong cùng khu vực tham gia tranh tài.
Kun Bokator – Một trong những môn thể thao mới xuất hiện trong chương trình thi đấu SEA Games.
Điều lệ SEA Games đã ban hành từ những ngày đầu và trong quá trình phát triển, đến nay, chương trình thi đấu được quy định bởi 3 nhóm môn đã tồn tại hàng chục năm. Nhóm 1 gồm điền kinh và bơi. Nhóm 2 gồm tối thiểu 14 môn của Olympic và ASIAD. Nhóm 3 gồm 8 môn của Đông Nam Á hoặc của quốc gia tổ chức. Riêng với các môn nhóm 3, chỉ cần 3 quốc gia tham dự là có thể tổ chức.
Quy định này là cơ sở và lý giải tại sao, chương trình thi đấu SEA Games luôn có sự biến động rất lớn và tùy thuộc rất nhiều vào quốc gia đăng cai tổ chức. Sự xuất hiện của các môn thể thao mới ngày một nhiều hơn với quan điểm là thúc đẩy sự phát triển. Dưới góc độ tích cực, điều này không sai nhưng cũng xuất hiện mặt trái bởi sự thiếu chặt chẽ trong điều lệ SEA Games, dẫn đến những quyết định rất ngẫu hứng về chương trình thi đấu.
Câu chuyện một môn thể thao có mặt SEA Games kỳ này nhưng chưa biết đến bao giờ mới xuất hiện trở lại đã trở nên quen thuộc. Rồi việc đưa môn, nội dung sở trường của mình vào, loại bỏ thế mạnh của đoàn khác cũng thường xảy ra. Thậm chí đã trở thành một xu hướng và được tận dụng như một kẽ hở để giành thành tích trong thi đấu, trong xếp hạng và đi ngược lại với tiêu chí fairplay, trung thực, cao thượng luôn được đề cao ở lĩnh vực thể thao.
Lịch sử các kỳ SEA Games cũng đã chỉ ra, rất nhiều vấn đề cần được xem xét và thống nhất về điều lệ SEA Games khi ở mỗi quốc gia đăng cai khác nhau, với các quy định chuyên môn kỹ thuật khác nhau, dẫn đến thành tích xếp hạng của các đoàn ở mỗi kỳ SEA Games khác nhau. Và quan trọng nhất, thành tích của mỗi đoàn thể thao giành được ở SEA Games nhiều khi không thể hiện được sự phát triển.
Trở lại với câu hỏi, SEA Games có cần thêm môn thể thao mới hay không? Chúng ta không phản bác, nhưng cần định nghĩa “mới” cụ thể là như thế nào, đã có từ trước hay không, hay bây giờ mới xuất hiện. Môn thể thao mới có tiêu chuẩn hay quy định cụ thể ra sao. Và cần phải cân nhắc, nếu đã đưa vào chương trình thi đấu thì cần sự ổn định từ kỳ đại hội này đến kỳ đại hội khác, chứ không thể là nay có mai không một cách tùy tiện.
Nhìn rộng ra thế giới, lịch sử phát triển thể thao cho thấy, ở các châu lục, các quốc gia khác nhau, thì sẽ hình thành nên các môn thể thao khác nhau, nhưng trên phạm vi toàn cầu, để quy tụ được số đông thì phải tính toán rất nhiều vấn đề từ tác dụng, đến truyền thống, sự quy củ và chặt chẽ về điều lệ. Để một môn được đưa vào chương trình Olympic, chưa nói đến các yếu tố khác, yêu cầu bắt buộc là môn đó phải có mặt ở 75 quốc gia ở 5 châu lục đối với nam và 45 quốc gia ở 4 châu lục đối với nữ.
Trong giai đoạn hiện nay, cần xem xét và xây dựng lại tiêu chuẩn hệ thống các môn thể thao ở SEA Game theo hướng chặt chẽ hơn, ổn định hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các vận động viên, các nền thể thao nâng cao thành tích hướng ra châu lục và thế giới. Vấn đề này đã từng được đặt từ những năm 2000 trong các hội nghị của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, nhưng sự chuyển biến chưa thực sự tích cực và thể thao Việt Nam cần tiếp tục lên tiếng để thúc đẩy.
HỒNG MINH
Nguồn: Báo Bà Rịa – Vũng Tàu