SEA Games 2023: Đi tìm biểu tượng của thể thao Việt Nam

SEA Games 2023: Tìm đâu biểu tượng của thể thao Việt Nam?

Trước đây, đoàn thể thao Việt Nam vẫn chưa chú ý lắm đến việc xây dựng một biểu tượng, có chăng là do tuyển thủ nào đó quá nổi trội nên được giới truyền thông chú ý, qua đó tự hình thành như một ngôi sao rồi dần trở thành một biểu tượng của đoàn thể thao Việt Nam. Trước đây, chúng ta có “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương ở môn điền kinh, khi cô thống trị các cự ly tốc độ của SEA Games kéo dài từ năm 2005 đến 2013.

Sở dĩ Vũ Thị Hương được chú ý, vì ngoài tài năng chuyên môn, cô còn là một tuyển thủ rất thẳng tính và chẳng ngại ngần chia sẻ những vấn đề về chuyên môn, thậm chí cả những chuyện bên lề khiến giới truyền thông rất thích thú. Cùng thời điểm của Vũ Thị Hương còn có người đồng đội Trương Thanh Hằng và Nguyễn Đình Cương, nhưng ngoài việc thống trị ở những cự ly trung bình 800m, 1.500m nam và nữ, cả hai tuyển thủ này khá lành tính nên cũng không quá được chú ý.

Vũ Thị Hương từng là biểu tượng một thời của thể thao Việt Nam. Ảnh: Minh Tuấn

Mãi đến SEA Games 2015 trên đất Singapore, “tiểu tiên cá” Nguyễn Thị Ánh Viên đã tạo nên một hiện tượng khi cô lần đầu tiên thống trị đến 8 nội dung bơi của nữ và khiến giới truyền thông Đông Nam Á hoàn toàn choáng váng. Sở dĩ thế là rất lâu rồi bơi lội ở SEA Games mới có một kình ngư ngoài Singapore đủ sức làm mưa làm gió trên đường đua xanh, bởi trước đó các tuyển thủ của đảo quốc Sư tử hầu như thống trị hoàn toàn ở bộ môn này.

Năm ấy, giới truyền thông của khu vực đã gọi Ánh Viên là “Iron girl” (Cô gái thép), trong lúc báo chí trong nước liên tục khai thác những câu chuyện về Ánh Viên như một hình tượng tạo cảm hứng cho giới trẻ. Dẫu thực tế Ánh Viên đã từng giành 2 HCV SEA Games năm 2013, thậm chí cô đã lấy cả 2 HCĐ Asian Games 2014 trước đó. Sau đó, dẫu thành tích của Ánh Viên không còn như kỳ vọng, nhưng sự có mặt của cô tại các đại hội thể thao lớn như SEA Games, Asian Games, Olympic luôn được sự quan tâm rất lớn của giới truyền thông.

Ánh Viên từng tạo sức hút rất lớn cho đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games. Ảnh: Minh Tuấn

Với những thành tích xuất sắc về chuyên môn, cộng thêm tính cách hiền lành đáng mến và sự hy sinh cả thời thanh xuân cho thể thao, Ánh Viên hoàn toàn xứng đáng là biểu tượng của thể thao Việt Nam. Ngoài Ánh Viên chúng ta còn có xạ thủ Hoàng Xuân Vinh – người từng giành HCV tại Olympic Rio 2016. Chỉ tiếc cho Xuân Vinh khi giành 2 huy chương Olympic, nhưng anh lại không quá thành công ở đấu trường SEA Games nên không được chú ý nhiều.

SEA Games 31 trên sân nhà Việt Nam, khi Ánh Viên giã từ thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam đã mất đi một ngôi sao lớn khiến nhiều người cảm thấy tiếc nuối. Dẫu thế ở đại hội năm ấy, dù giới chuyên môn và cả phía truyền thông đã cố gắng đưa Nguyễn Thị Oanh của điền kinh hay Nguyễn Huy Hoàng bên bơi lên làm biểu tượng, nhưng thực tế cả 2 tuyển thủ này vẫn chưa thể tạo được sức hút như Ánh Viên đã từng làm, dẫu thành tích của họ vẫn rất xuất sắc.

Ở đại hội năm nay trên đất Campuchia, đoàn thể thao Việt Nam tham dự với 1.003 thành viên trong đó có 702 tuyển thủ, nhưng thực tế người hâm mộ vẫn chưa thể tìm ra một gương mặt nào đủ tầm để có thể là một biểu tượng, hoặc chí ít là một ngôi sao lớn thu hút sự quan tâm của báo chí và người hâm mộ trong nước như Ánh Viên trước đây, thậm chí cả hai đội tuyển bóng đá nam và nữ cũng vậy. Nếu thế, đấy thật sự là điều khá đáng tiếc cho đoàn thể thao Việt Nam, nhất là khi chúng ta luôn nằm trong nhóm 3 nước có nền thể thao phát triển mạnh nhất khu vực.

Những ngày qua tác nghiệp tại nước bạn, rất nhiều đồng nghiệp của tôi vẫn gọi về chia sẻ: “Mỗi lần đi SEA Games, bọn em lại nhớ Ánh Viên!”.

Nguồn: Bóng Đá +

Đánh giá bài viết