Phong trào thể thao là gia vị không thể thiếu với thể thao chuyên nghiệp
Tại các thành phố lớn trong cả nước vào lúc này, nhiều môn thể thao có phong trào phát triển mạnh từ đó tạo được sức hút với người làm chuyên môn về nghề. Có thể kể tới các môn như bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, xe đạp, khiêu vũ thể thao, bóng rổ.
Giải bóng bàn vô địch quốc gia năm nay, câu lạc bộ bóng bàn Nguyễn Võ – Quảng Ninh (câu lạc bộ thuộc Liên đoàn bóng bàn Việt Nam) với ba gương mặt là tay vợt phong trào không chuyên đích thực đã đăng kí hợp lệ, thi đấu giải. Thậm chí, họ (Nguyễn Tùng Lâm/Nguyễn Anh Tú/Đinh Minh Vũ) đã thắng đội bóng bàn nam TPHCM 3-2 tại nội dung đồng đội nam để lọt vào vòng 1/8. Đó là một câu chuyện thú vị bởi tính phong trào được khích lệ, đưa vào giải đấu chuyên môn nhằm tạo thêm động lực cho người đam mê thi đấu, giành thành tích. Trên diễn đàn lớn nhất của bóng bàn Việt Nam của mạng xã hội facebook, trước có sự xuất hiện của một đội không chuyên dự giải vô địch quốc gia, các ý kiến ủng hộ có và ý kiến không đồng thuận cũng được đưa ra. Từng người hâm mộ có quan điểm theo lý của mình.
Nhưng rõ ràng, ban tổ chức giải đấu là nơi ra điều lệ để người đăng kí có quyền tham dự hợp lệ, không sai và được thi đấu chính đáng. Tại giải vô địch quốc gia năm nay, ban tổ chức ghi rõ một trong các tiêu chí dành cho VĐV hay đội bóng được tham gia là: “được sở, phòng, ban TDTT, Liên đoàn bóng bàn và các câu lạc bộ giới thiệu đăng kí dự thi”.
Bóng bàn là môn có phong trào tập luyện, thi đấu rất đông đảo tạo nhiều trường hợp, địa phương và các cơ quan thường lấy môn thể thao này làm phương tiện tập, giao lưu thể thao giải tỏa áp lực vào cuối mỗi ngày làm việc. Người làm thể thao chuyên nghiệp luôn mong mỏi trên hết là môn thể thao của mình phải có một phong trào mạnh, từ đó nhiều gia đình, nhiều người mới có sự quan tâm về môn thể thao và đồng ý cho con em mình tập rồi phát triển chuyên nghiệp. Hoặc không, từ nhiều giải phong trào, người làm chuyên môn đã phát hiện được VĐV có tố chất để bồi dưỡng đi lên với thể thao thành tích cao.
Bóng rổ là một môn như vậy. Hiện tại, bóng rổ tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM hay Cần Thơ có phong trào lớn mạnh với nhiều cầu thủ trẻ, nhiều giải đấu thuộc hệ không chuyên mở ra. Trên hết, yếu tố cần được thi đấu, cần được chơi môn thể thao của mình là điều mà những nhà tổ chức các giải không chuyên làm ra tạo điều kiện cho cầu thủ bóng rổ mọi lứa tuổi tham dự. Đơn cử lúc này, giải bóng rổ không chuyên các tỉnh phía Bắc năm 2023 (đang diễn ra tại Hà Nội) được thi đấu 5×5 với 16 đội bóng từ 16 địa phương của khu vực tranh tài. Tất cả họ đều dự giải là cầu thủ không chuyên nhưng ý thức chuyên nghiệp đó là có sự chuẩn bị chuyên môn, sự chuẩn bị trang phục, đấu pháp thi đấu hiệu quả. Khi bóng rổ Việt Nam bắt đầu tổ chức giải chuyên nghiệp (VBA) cách đây 7 năm, nhiều cầu thủ không chuyên và người hâm mộ bóng rổ đã được cơ hội tận mắt thấy những cuộc so tài đỉnh cao là như thế nào. Chính thế, nhu cầu về môn thể thao ngày càng cao hơn và nhiều bạn trẻ (nam, nữ) tập bóng rổ hơn từ học đường cho tới các đội bóng tại địa phương.
Bóng chuyền tại Việt Nam đang muốn làm một mô hình tương tự như vậy. Bóng chuyền phong trào hay còn gọi là bóng chuyền “phủi” có rất đông người tham gia và được đông đảo khán giả cổ vũ tại nhiều địa phương. Tuy vậy, số đội bóng chuyền chuyên nghiệp trên bình diện 63 tỉnh, thành ngành lại quá ít. Người làm bóng chuyền đang muốn phát triển mạnh mẽ hơn phong trào từ đó, bóng chuyền thành tích cao sẽ được hưởng lợi. Bây giờ, hình ảnh của bóng chuyền Việt Nam đang lên cao nhờ thành tích thi đấu của đội tuyển quốc gia theo một số cấp độ nhưng một phần nào đó, người xem vẫn có sự so sánh rằng bóng chuyền đỉnh cao chưa có sức hút bằng bóng chuyền “phủi”.
VĐV trẻ đã ra thi đấu tại giải vô địch quốc gia cho thấy bóng bàn rất có sức hút về chuyên môn. Ảnh: NHÂN DÂN
Số liệu được Liên đoàn bóng bàn Việt Nam đưa ra đó đối với lượng bàn bóng được mua trên thị trường đã tăng hàng năm, tính theo quãng thời gian 5 năm trở lại đây. Cụ thể, bàn bóng có trị giá hơn 30 triệu đồng/chiếc thì thêm số bán ra hơn 50 chiếc/năm; bàn từ 18-25 triệu đồng/chiếc tăng hơn 400 chiếc/năm; bàn 16-18 triệu đồng/chiếc tăng khoảng 5.000 chiếc/năm còn bàn 10-16 triệu đồng/chiếc được tăng khoảng 8.000 chiếc/năm. Với bàn bóng có giá thành 10 triệu đồng/chiếc – giá được cho là vừa với chi phí, các nhà cung cấp bán ra với con số tăng hàng chục nghìn chiếc/năm. Từ số liệu để thấy, phong trào tập bóng bàn có gia tăng về lượng người chơi và đây là tín hiệu tích cực.
Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng – Thể Thao