Phòng tránh chấn thương dây chằng khi chơi thể thao
Các chuyển động xoay đột ngột, tiếp đất khi chơi bóng đá, bóng rổ… là những nguyên nhân thường gặp dẫn đến chấn thương dây chằng khớp gối trong thể thao.
Sau khi bị chấn thương dây chằng, người bệnh vẫn có thể đi lại được. Tuy nhiên cơn đau sẽ tồi tệ hơn sau vài ngày và xuất hiện một số triệu chứng như sưng tấy, không thể uốn cong hoặc gập đầu gối như bình thường… Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nặng hơn, bao gồm viêm khớp gối, teo cơ đùi, rách sụn chêm, thoái hóa khớp gối sớm…
ThS.BS.CKII Trần Anh Vũ, Trưởng khoa Y học thể thao & Nội soi, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, chấn thương dây chằng đầu gối là một tình trạng rất thường gặp ở những người chơi thể thao. Do đó, để tránh xảy ra những tổn thương này, cần lưu ý:
Sử dụng dụng cụ hỗ trợ như nẹp, băng thun, mang giày và mặc quần áo phù hợp… khi chơi thể thao hoặc vận động mạnh. Những dụng cụ này đặc biệt cần thiết với người có cơ địa dễ bị chấn thương khớp và dây chằng như lỏng lẻo đa khớp, yếu cơ…
Tập luyện đúng cách: Các động tác cần được thực hiện bài bản và đúng tư thế, tránh những tư thế khó dễ gây chấn thương. Đối với những người chơi thể thao chuyên nghiệp cần có sự hướng dẫn của các huấn luyện viên, chuyên gia về thể lực để giảm nguy cơ chấn thương. Trong quá trình tập luyện không nên vội vàng, cường độ tập luyện cần được tăng dần để cơ thể có thời gian thích nghi, dây chằng không bị căng thẳng quá mức. Ngoài ra, bạn không nên chơi thể thao quá sức vì cũng như các bộ phận khác trên cơ thể, khớp gối cần được nghỉ ngơi để duy trì độ linh hoạt và dẻo dai.
Chú trọng một số bài tập như squat, deadlift để tăng sức mạnh cho cả cơ và dây chằng. Luyện tập thường xuyên và điều độ các bài tập kéo căng cơ để giữ cho cơ đùi chắc khỏe, giảm nguy cơ tổn thương dây chằng. Thực hành kỹ thuật tiếp đất đúng sau khi bật nhảy…
Khởi động đầy đủ theo nguyên tắc từ nhẹ đến nặng, từ chậm đến nhanh. Điều này giúp hệ cơ xương khớp và các cơ quan khác nóng dần lên, chuẩn bị cho các hoạt động thể thao cường độ cao sắp tới.
Xây dựng thực đơn hợp lý: Chú trọng thực phẩm giàu protein (các loại thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu…), canxi (hải sản có vỏ, sữa, đậu phụ…), vitamin D (cá hồi, cá ngừ, nấm, trứng…) và các chất dinh dưỡng khác. Những dưỡng chất này không chỉ giúp tăng cường sức khỏe tổng thể, mà còn duy trì sự dẻo dai của cơ xương khớp và dây chằng, từ đó ngăn ngừa hiệu quả tình trạng chấn thương dây chằng đầu gối.
Bác sĩ Anh Vũ chia sẻ, tổn thương dây chằng đầu gối có thể ảnh hưởng nhiều đến khả năng vận động. Tùy thuộc vào mức độ chấn thương, bạn có thể được chỉ định điều trị bảo tồn bằng thuốc, nẹp cố định đầu gối hoặc phẫu thuật.
Phẫu thuật mổ mở hoặc nội soi sẽ được chỉ định trong các trường hợp dây chằng đầu gối bị đứt hoàn toàn, giãn quá mức và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt, vận động. Lúc này, dây chằng bị tổn thương sẽ được nối lại hoặc thay thế bằng dây chằng nhân tạo. Nếu kết quả phẫu thuật tốt, kết hợp với vật lý trị liệu, người bệnh có thể quay lại với các môn thể thao yêu thích trong khoảng 12 tháng.
Khi tham gia thể thao, nên chú ý thực hiện các biện pháp phòng ngừa chấn thương. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ tổn thương dây chằng, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị kịp thời.
Phi Hồng
Nguồn: VnExpress