Philippe Troussier: ‘Canh bạc’ triệu đô của bóng đá Việt

Kỷ luật thép

“Thôi đủ rồi. Đi ra ngoài”, tiếng quát của HLV Philippe Troussier vang lên giữa sân, đi kèm với đó là cái phẩy tay nóng nảy. Đó là một trong những buổi tập của đội tuyển U22 Việt Nam tại Bà Rịa-Vũng Tàu ở giai đoạn chuẩn bị cho SEA Games 32. Áp lực với thầy trò ông Troussier rất lớn có thể là một lý do khiến nhà cầm quân người Pháp luôn thúc các học trò không ngừng tập luyện. Tuy nhiên, sự nghiêm khắc trong rèn quân vốn dĩ là phong cách của ông Troussier.

Người bị “đuổi” khỏi sân tập U22 Việt Nam là Hồ Văn Cường. Tài năng trẻ SLNA thực hiện không đúng yêu cầu của ông Troussier, sau đó đã nhận được sự động viên của trợ lý Christophe Gamel.

HLV Troussier từng kinh qua nhiều đội tuyển quốc gia cả Âu và Á (tổng cộng 8 đội), tham dự nhiều kỳ World Cup. Ông đặc biệt nổi tiếng với thành công khi dẫn dắt các ĐTQG Nhật Bản, với thành tích vô địch Asian Cup 2000, Á quân cúp bóng đá Liên lục địa 2001, vào vòng 16 đội ở World Cup 2022. Cũng trong năm 2000, ông Troussier nhận danh hiệu HLV hay nhất châu Á của AFC.

Dù thành công không ít, HLV Troussier cũng để lại những tranh cãi bởi phong cách huấn luyện kỷ luật đến khắc nghiệt. Ông Troussier đề cao sự gắn kết của một tập thể, đồng thời không quên phát huy vai trò dẫn dắt của những cầu thủ mang tính biểu tượng. Tại Nhật Bản, ông Troussier từng đề cao ảnh hưởng của những ngôi sao như Hidetoshi Nakata hay Shunsuke Nakamura. Rất dễ nhìn ra sự tương đồng với trường hợp Việt Nam khi ở thời điểm chưa chính thức ra mắt, ông Troussier đã có các cuộc tiếp xúc với Công Phượng hay Quang Hải, hai trong số những cầu thủ có tầm ảnh hưởng và cả mức độ tương tác lớn ở ĐTQG cũng như trong giới bóng đá. Đó có thể xem là bước chuẩn bị của ông Troussier cho các kế hoạch sau này.

Vì sao lại là ông Troussier?

Đã có khá nhiều lý giải về quyết định lựa chọn ông Troussier thay HLV Park Hang-seo của Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Về cơ bản, HLV Troussier đáp ứng đủ các tiêu chuẩn VFF đặt ra: một HLV có đẳng cấp World Cup để hướng tới tấm vé tham dự VCK World Cup 2026.

Thực tế dù liệt kê một số ứng viên trong giai đoạn tuyển chọn, VFF gần như đã “chấm” ông Troussier từ đầu, với sự đồng thuận của cả Hội đồng HLV quốc gia. HLV Park Hang-seo gần như đã tới hạn về mặt chuyên môn sau 5 năm gắn bó với các ĐTQG và gần như không thể tạo nên sức bật mới. Mục tiêu World Cup cũng được đặt ra khi đội tuyển Việt Nam đã có pha “break” vào Vòng loại cuối World Cup 2022 khu vực châu Á, đồng thời vô địch AFF Cup lần thứ 2, cùng một lần vào tới tứ kết Asian Cup năm 2019.

Philippe Troussier:

Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn trao tặng HLV Troussier chiếc áo ĐTQG mang tên ông tại lễ ra mắt tân HLV trưởng ĐTQG Việt Nam

Một điểm đáng chú ý, tại Nhật Bản ông Troussier đã tạo nên một lứa quân giành vị trí Á quân U20 thế giới năm 1999, vào Tứ kết Olympic 2000, vô địch Asian Cup và vào tới vòng 16 đội World Cup 2002 như kể trên. Thành phần đội tuyển Nhật Bản dự World Cup 2002 có đến hơn 80% là các cầu thủ thuộc lứa trẻ. Đây cũng là một sự tương đồng khác của bóng đá Việt Nam hiện nay. Trong ngày ra mắt, HLV Troussier từng cho biết sẽ hướng tới mục tiêu ở Vòng loại cuối World Cup 2026, tập trung cho lứa cầu thủ 22-27 tuổi.

Quân số U22 Việt Nam trong tay HLV Troussier hiện nay thuộc lứa được VFF “chăm bẵm” khá kỹ giai đoạn qua, từng có thời gian huấn luyện và thi đấu dưới sự chỉ đạo của HLV Hoàng Anh Tuấn. Một số vốn là học trò cũ của ông Troussier ở PVF và đội U19 Việt Nam. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là lứa cầu thủ được đào tạo bài bản, có thể hình, thể lực khá đồng đều. HLV Hoàng Anh Tuấn cũng thuộc số ít các HLV Việt Nam được đào tạo bài bản, mang ảnh hưởng của bóng đá Đức. Điều này ảnh hưởng không ít tới cách chơi bóng của các cầu thủ.

Đâu là thách thức?

Philippe Troussier:

HLV Philippe Troussier hướng dẫn các tuyển thủ U22 tập luyện, chuẩn bị cho chiến dịch bảo vệ tấm HCV SEA Games

Phong cách huấn luyện của ông Troussier dễ khiến nhiều người so sánh với HLV Park Hang-seo. Ông Park vừa uy quyền nhưng lại có sự khéo léo, mềm mỏng nhất định của người châu Á. Đội tuyển Việt Nam dưới thời ông Park được mô tả như một gia đình, các sinh hoạt không quá khắc nghiệt. Sự khác biệt về văn hoá và cách thức tiếp nhận của các cầu thủ có thể ảnh hưởng tới mức độ thành công của HLV.

Nếu so về chất lượng, lứa U22 Việt Nam hiện nay của HLV Troussier dù nền tảng cơ bản tốt, chất lượng đồng đều nhưng lại thiếu các nhân tố thực sự nổi bật như Quang Hải trước đây. Ở khía cạnh khác, có vẻ như U22 Việt Nam đang thiếu những cá tính thực sự có tầm ảnh hưởng, mang dáng dấp của một thủ lĩnh. Trong 2 lần đoạt HCV SEA Games vừa qua, Việt Nam hưởng lợi lớn nhất khi phát huy được mô hình U22+3 với 3 cầu thủ quá tuổi đều là những cầu thủ hay nhất ở ĐTQG. Đó là Hùng Dũng, Trọng Hoàng hay Hoàng Đức, Quang Hải, vừa có thể đóng vai trò đầu tàu về chuyên môn và cả điểm tựa tinh thần cho các đồng đội trẻ.

Thành công của người tiền nhiệm cũng là áp lực lớn đối với ông Troussier. Để thực sự nghĩ tới World Cup 2026, VFF rõ ràng cần gạt qua những mục tiêu ngắn hạn để dồn sức cho lứa cầu thủ hiện nay. Thực tế việc này không dễ dàng bởi dường như giới mộ điệu và ngay với ngành thể thao, SEA Games vẫn là một mục tiêu bắt buộc.

Đây cũng chính là nghịch lý, bởi nếu không tạo cơ hội cho các cầu thủ rèn luyện, va vấp, thật khó để họ trưởng thành hơn trong tương lai. Với mức lương trên dưới 60.000 USD/tháng, VFF dự chi không dưới 2 triệu USD cho bản hợp đồng 3,5 năm với ông Troussier. Không ai đầu tư một số tiền lớn như vậy cho một nhà cầm quân đẳng cấp World Cup chỉ để dồn lực cho tấm HCV SEA Games, đặc biệt khi bóng đá Việt Nam đã giải cơn khát vàng ở đại hội khu vực tới 2 lần.

Nguồn: Tiền Phong

Đánh giá bài viết