Nỗ lực vì phong trào thể thao
Chào đời khi đất nước đã thống nhất, nay ở tuổi 48, nhiều anh chị đã và vẫn đang cống hiến sức mình cho phong trào thể thao tỉnh nhà.
Truyền lửa đam mê từ tình yêu thể thao
Năm 1996, bắt đầu gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”, thầy Bùi Văn Ngọc được phân công giảng dạy môn ngữ văn ở Trường THCS Tân Thành (huyện Phụng Hiệp cũ). Với sức trẻ, lòng nhiệt huyết, niềm đam mê thể thao sẵn có, thầy Ngọc tích cực hỗ trợ công tác trọng tài, làm huấn luyện viên bóng chuyền cho đội tuyển học sinh cấp huyện. Năm 2003, thầy Ngọc về công tác tại Trường THPT Nguyễn Minh Quang, thành phố Ngã Bảy và chuyển hẳn sang vị trí giáo viên giáo dục thể chất. Tình yêu với thể thao càng lớn đã thôi thúc bản thân nỗ lực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, thầy Ngọc tốt nghiệp Đại học Thể dục thể thao năm 2005.
Thầy Ngọc luôn mong muốn phong trào thể thao địa phương và trường học có thêm bước tiến mới.
Thầy Ngọc chia sẻ: “Với trách nhiệm là giáo viên thể dục, cộng tác viên thể thao, tôi sẽ quyết tâm, tiếp tục truyền lửa đam mê thể thao cho nhiều thế hệ học sinh”. Trong mỗi giờ dạy, thầy Ngọc luôn chia sẻ, tạo không khí gần gũi, thân thiện, chú trọng rèn luyện kỹ năng, nắm bắt tâm lý và phân tích để học sinh hiểu việc tập luyện thể dục thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Nhờ đó, đã khơi dậy tiềm năng thể thao trong lực lượng học sinh của trường, giúp thầy Ngọc thuận lợi phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu.
Trường THPT Nguyễn Minh Quang với thế mạnh môn bóng chuyền, thầy Ngọc đã tham mưu ban giám hiệu thành lập câu lạc bộ bóng chuyền nam, nữ, hiện có khoảng 60 học sinh ở tất cả các khối lớp tham gia, được chia thành 4 nhóm. Trường thường xuyên tổ chức giải nội bộ để các nhóm học sinh giao lưu, vừa tạo sân chơi lại chọn ra được những cá nhân nổi bật tham dự giải cấp tỉnh. Trường hiện cũng phát triển thêm môn bóng rổ, điền kinh, cầu lông… với cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho tập luyện, thi đấu. Ông Nguyễn Hoàng Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Minh Quang, nhận xét: “Thầy Ngọc là giáo viên có trách nhiệm, nhiệt tình, kinh nghiệm chuyên môn vững vàng, nằm trong lực lượng cốt cán của ngành giáo dục tỉnh và địa phương về phong trào thể thao. Thầy rất tích cực trong công tác tham gia bồi dưỡng và rèn luyện thể thao cho lực lượng học sinh dự các giải, nhờ đó trường luôn có nguồn lực thi đấu ổn định”.
Giữ gìn thể thao dân tộc
Sinh ra và lớn lên ở ấp 4, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, nơi phong trào đua ghe ngo mạnh của tỉnh, nên từ nhỏ chị Thị Lang đã có niềm yêu thích đặc biệt với môn thể thao này. Còn nhớ những buổi trưa được xem các ông, các bà tập luyện, chuẩn bị thi đấu vào dịp lễ hội đã trở thành một khoảng ký ức đẹp trong tuổi thơ của chị. Lập gia đình năm 2002, dù bận bịu với cuộc sống mưu sinh, nhưng chưa bao giờ chị từ bỏ khát khao trở thành một thành viên trong đội hình tham gia thi đấu ghe ngo. Khoảng năm 2010, phong trào ghe ngo nữ ở tỉnh khởi sắc nên khi được gọi tập luyện, chị Thị Lang cố gắng tranh thủ, sắp xếp công việc gia đình để cùng chị em trong ấp rèn quân. Đội ghe ngo nữ xã Xà Phiên đã đại diện tỉnh tham dự các giải, tạo được tiếng vang gần xa như vô địch lễ hội đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng năm 2015 và 2016; giải ba ở Giải đua ghe ngo tỉnh Sóc Trăng tranh cúp Bia Sài Gòn 2019…
Chị Lang vui vì bản thân có một phần đóng góp cho phong trào đua ghe ngo nữ ở tỉnh.
Từ một phụ nữ nội trợ, quanh năm quen với việc đồng áng, bếp núc, nhưng chính lòng nhiệt huyết đã giúp chị Lang trở thành vận động viên kỳ cựu của đội ghe ngo nữ Xà Phiên, tay luôn vững mái dầm. Chị Lang bộc bạch: “Nhờ các anh chị, cô chú đi trước truyền lại kinh nghiệm, kỹ thuật, lúc thi đấu, tập luyện mọi người cổ vũ, ủng hộ khích lệ tinh thần giúp mình được tiếp thêm sức mạnh. Thi đấu lẫn tập luyện tuy vất vả, kinh phí hỗ trợ không nhiều nhưng tôi luôn hào hứng tham gia, xem đó là trách nhiệm với tỉnh nhà. Tôi tự hào vì mình là thành viên của đội ghe ngo nữ nên còn đủ sức khỏe thì sẽ thi đấu tiếp”.
Bản thân chị Lang luôn nêu cao tinh thần kỷ luật, tập luyện đúng giờ, thi đấu quyết tâm, đảm bảo về sức mạnh và cả độ nhịp nhàng, góp phần mang đến những trận tranh tài hay, kịch tính. Mỗi chuyến “hành quân” khắp các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long còn để lại cho chị nhiều kỷ niệm, sự trải nghiệm cần thiết, được va chạm, giao lưu với những người có chung đam mê và hiểu hơn về văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer.
Những năm qua, phong trào thể thao quần chúng ở Hậu Giang đã gặt hái nhiều thành tích nổi bật, trong đó, có sự đóng góp thầm lặng của các cá nhân giàu đam mê, tâm huyết. Dù được giao công tác huấn luyện hay thi đấu, họ luôn thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, cống hiến hết mình.
Thầy Ngọc hay chị Lang là những người được sinh ra khi đất nước thống nhất và ở họ luôn mang một khát khao, kỳ vọng về sự đổi thay, phát triển của quê hương.
Bài, ảnh: HỒNG NHUNG
Nguồn: Báo Hậu Giang