Những ”người cận vệ” của bóng đá Đông Nam Á | Bóng Đá

Kể từ khi chia tay HLV Tatsuma Yoshida sau kỳ AFF Cup 2020 được coi là thành công (lọt tới bán kết), bóng đá Singapore đã trải qua một chu kỳ đi xuống. Đáy sâu của thất vọng là cái cách ĐT U23 nước này bị loại một cách bẽ mặt ở SEA Games 32, sau đó là một cuộc giải trình và HLV Philippe Aw phải ra đi.

Nói không quá, bóng đá Singapore đã rơi vào một giai đoạn bế tắc, đến nỗi đội U23 của họ không dự giải U23 Đông Nam Á để tránh một cú sốc tâm lý tiếp sau SEA Games 32. Và sau tất cả, Liên đoàn Bóng đá Singapore (FAS) vẫn chưa tìm được hướng đi mới nào cho ĐT U23 và ĐTQG, ngoài một giải pháp mang tính chất an toàn: mời cựu tuyển thủ quốc gia Nazri Nasir trở lại dẫn dắt ĐT U23, sau rất nhiều lần nhà cầm quân này từng đóng vai ‘’chữa cháy’’ tương tự trong quá khứ.

Trường hợp của Nazri Nasir không phải là hiếm ở bóng đá Đông Nam Á. Ở khắp các nền bóng đá khu vực, chúng ta từng thấy nhiều HLV bản địa luôn sẵn sàng dẫn dắt các ĐTQG mọi cấp độ khi cần thiết, với một sự trung thành và nhiệt huyết cao đến mức đôi khi bỏ qua tất cả những bạc đãi đã nhận về.

Những người cận vệ của bóng đá Đông Nam Á - Bóng Đá

Nazri Nasir nhiều lần nhậm chức rồi lại bị cách chức ở các ĐT Singapore.

Trong khoảng 15 năm qua, Malaysia là nền bóng đá trung thành bậc nhất với các HLV nội, khởi đầu với ‘’kỷ nguyên vàng’’ của Rajagobal nắm các đội U23 và ĐTQG Malay, giành lấy những thành tích nổi bật ở đấu trường khu vực gồm tấm huy chương vàng tại SEA Games 2009 và chiếc cúp AFF Cup lịch sử năm 2010. Khéo léo tiếp nối di sản của Rajagobal chính là người trợ lý cũ của ông, Ong Kim Swee, dẫn dắt những chú hổ Harimau Muda (‘’Chú hổ trẻ’’, biệt danh của ĐT U23 Malaysia) tới huy chương vàng SEA Games 2011. Kỷ nguyên sau đó của ĐTQG và ĐT U23 Malaysia với Ong Kim Swee tuy không có danh hiệu nhưng ổn định về mặt thành tích cũng như khả năng cạnh tranh với các đối thủ khu vực.

Từ 2014 đến 2017, khi Malaysia thoái trào là thời điểm Thái Lan bước vào một giai đoạn hoàng kim với người hùng của họ, HLV Kiatisuk. Gần đây hơn, chúng ta được thấy trong làn sóng ‘’Hàn hóa’’ ở Đông Nam Á, HLV Indra Sjafri vẫn cần mẫn làm việc ở các cấp độ U20, U23 Indonesia, không ngần ngại bước lên dù luôn chỉ là người đóng thế.

Đầu tiên, Sjafri nhậm chức ở ĐTQG và ĐT U23 thay Simon McMenemy sau khi ông thầy ngoại này bị sa thải, niềm tin của NHM chạm đáy bởi trận thua ĐT Việt Nam 0-3 ở vòng loại thứ 2 World Cup 2022. Gần đây hơn, khi ông Shin Tae Yong đang bận chuẩn bị cho U20 Indonesia đá giải World Cup mà sau đó Xứ Vạn đảo bị tước quyền đăng cai, Sjafri cũng đã bước lên nhận đội tuyển U22 đá SEA Games 32. Đến hiện tại, Indra Sjafri lại bị đẩy xuống nhận đội U20, trả lại U23 cho Shin Tae Yong dẫn dắt.

Công sức ”nếm mật nằm gai” mang lại cho HLV Indra Sjafri chiếc HCV SEA Games 32.

Rajagobal, Ong Kim Swee, Kiatisuk, Indra Sjafri là những HLV đã gắn bó với rất nhiều thế hệ cầu thủ bản địa, để lại những dấu ấn đậm nét trong lịch sử bóng đá ở quốc gia của họ bằng tinh thần làm việc bền bỉ, không ngại gian khó. Họ luôn ở đó vì các đội tuyển nước nhà, bất chấp khó khăn thử thách – hay chính xác hơn là càng thử thách, họ lại càng sẵn sàng xả thân. Nazri Nasir rõ ràng cũng sở hữu thứ ‘’DNA’’ ấy, khi ông thêm một lần chấp nhận ngồi vào ghế nóng ở U23 Singapore trong hoàn cảnh ngặt nghèo.

Ở Việt Nam, chúng ta cũng có thể nhắc đến HLV Hoàng Anh Tuấn như một hình mẫu ‘’cận vệ’’ tương tự: kinh qua các đội tuyển U17, U19, U20, và sắp tới sẽ là U23 Việt Nam dự ASIAD. Những cái tên quen thuộc nêu trên đã tạo nên một điểm nhấn rất riêng cho sân chơi bóng đá khu vực, phần nào giữ cho mỗi đội tuyển được ‘’an toàn’’ mỗi lúc thoái trào. Sự hi sinh của đội cận vệ bản xứ này rất xứng đáng nhận được sự tôn trọng, không chỉ của CĐV trong nước mà còn ở toàn cõi Đông Nam Á.

(Bạn đọc: Ngọc Bách)

Nguồn: Bóng đá

Đánh giá bài viết