Những điều ít biết về SEA Games 32 | CHUYÊN TRANG THỂ THAO

Con số ấn tượng kế tiếp, đó là tỷ lệ giành HCV trên số VĐV của Việt Nam cao nhất. Chúng ta tham gia với 704 VĐV, xếp thứ 4 về số lượng nhưng đoạt đến 136 HCV (chiếm tỷ lệ 19,37%), hơn đoàn xếp kế tiếp là Indonesia (14,52%), trong khi tỷ lệ của Thái Lan chỉ là 12,76%.

Bên cạnh đó, nếu chỉ xét riêng số HCV thuộc các môn/nội dung thi đấu Olympic tại SEA Games 32, Việt Nam cũng đứng trên Thái Lan khi có được 69/136 HCV (của Thái Lan là 56/108). Vật là môn thể thao Olympic mà Việt Nam giành nhiều HCV nhất với 13 huy chương, xếp theo sau là điền kinh (12 HCV) và Judo (8 HCV). Đặc biệt, Golf và bóng rổ 3×3 là những môn đầu tiên giành được HCV trong lịch sử dự SEA Games của TTVN.

Tỷ lệ giành được HCV ở nhóm môn Olympic trên tổng số huy chương của Việt Nam là 51%, ngang bằng so với Thái Lan. Đứng đầu là Singapore với 80%, chủ yếu nhờ sự thống trị của họ tại đường đua xanh. Dù thi đấu thành công, nhưng so với SEA Games 31, TTVN có tỷ lệ giành HCV Olympic ít hơn, do nước chủ nhà Campuchia bỏ khá nhiều nội dung. Ở SEA Games 31, TTVN có 58% HCV thuộc các môn có trong chương trình thi đấu của Olympic Paris 2024.

Tuy nhiên, phía Thái Lan cho rằng, họ mới là đoàn có thành tích tốt nhất nếu cộng cả các môn thể thao thi đấu Olympic lẫn Asiad. Người đứng đầu thể thao Thái Lan, ông Gongsak Yodmani, khẳng định Thái Lan có 54 HCV giành được trong các môn “thể thao quốc tế”, kế đến mới là Việt Nam với 52 HCV và Indonesia là 35 HCV. Người Thái cho rằng, với việc đứng đầu các môn như điền kinh (16 HCV), boxing (9 HCV), taekwondo (7 HCV), Jujitsu (môn Asiad, 6 HCV) thì chất lượng thi đấu của họ không thể thua kém Việt Nam, đoàn không đứng đầu ở nội dung Olympic nào.

Còn theo chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, những thành tích ở SEA Games 32 dù được xem là thành công nhưng khả năng tiếp cận với trình độ Asiad hay Olympic là rất xa. Tại SEA Games 32, không một VĐV Đông Nam Á nào phá được kỷ lục Asiad hay Olympic. Thậm chí kỷ lục SEA Games của các VĐV cử tạ Việt Nam còn kém khá xa thành tích tốp 5 ở Asiad. Với 2 môn cơ bản Olympic là bơi lợi, điền kinh thì khu vực Đông Nam Á chưa tiệm cận được tốp 5 Asiad. Điều này phản ánh mặt bằng chung của khu vực và đặt ra một thách thức cho các nhà hoạch định chiến lược TTVN khi chúng ta hiện không còn chọn lựa nào là phải đầu tư cho các môn trọng điểm để tránh lãng phí nguồn lực.

Đây cũng chính là lý do mà Hội đồng thể thao Đông Nam Á phải “đấu tranh” liên tục suốt gần 2 thập niên qua để thống nhất kể từ SEA Games 33 trên đất Thái Lan, tỷ trọng các môn Olympic phải chiếm đa số nhằm thúc đẩy chất lượng thi đấu của sân chơi này.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng – Thể Thao

Đánh giá bài viết