Nguyễn Thị Huyền – Biểu tượng ý chí thép của làng thể thao Việt Nam
Đến với điền kinh Việt Nam như một cái duyên
Chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam, nữ vận động viên quê Nam Định Nguyễn Thị Huyền cho biết, cơ duyên đưa chị đến với thể thao là từ năm lớp 8, khi các thầy cô ở trường phát hiện chị có tố chất hơn so với các bạn đồng trang lứa. Vì thế, chị được cử tham gia hội khỏe Phù Đổng từ cấp trường đến cấp huyện, hầu như ở nội dung nào chị cũng được giải nhất. Đến năm 2008, chị được gọi tham gia Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh và đã đoạt HCV nội dung 800m.
Nguyễn Thị Huyền tiếp tục được triệu tập dự thi Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc. Thời điểm ấy vì là lần đầu tiên xa gia đình, nhớ mẹ, nên chị không ăn uống gì, khóc rất nhiều và chỉ muốn về nhà. Cảm thông với cô gái trẻ lần đầu xa quê, các anh chị, thầy cô, ban huấn luyện đã động viên rất nhiều và tạo điều kiện cho chị cuối tuần đi về thăm nhà. Khi đã ổn định tâm lý và nhận ra bản thân có tố chất thể thao, Nguyễn Thị Huyền đã thi đấu vững vàng hơn và đoạt huy chương bạc (HCB) ngay lần đầu tiên đi thi đấu hội khỏe Phù Đổng toàn quốc.
Nguyễn Thị Huyền – Vận động viên điền kinh người Nam Định.
Sau đấy, Nguyễn Thị Huyền được tuyển chọn theo học chuyên nghiệp, từ đó trở đi chị bắt đầu quen với nhịp sống của các vận động viên. Gần 1 năm tập luyện, chị được gọi lên đội tuyển quốc gia và gắn bó đến bây giờ.
Trong thời gian tập luyện chuyên nghiệp, chị Nguyễn Thị Huyền đã được các anh chị, và các thầy cô quan tâm nên chị dần thích nghi được với cuộc sống mới. Đặc biệt, người có công phát hiện, dìu dắt Nguyễn Thị Huyền từ những ngày đầu chập chững nhập môn chạy cự ly ngắn của điền kinh Nam Định, bước chân vào làng điền kinh Việt Nam đó chính là cô Đặng Thị Quỳnh Hương.
Cô cũng chính là người kề cận, động viên, đưa đón chị trong suốt thời gian đầu mà chị chưa thích nghi được với cuộc sống vận động viên xa nhà. Bên cạnh đó phải kể đến thầy Phạm Văn Chinh, người đã trực tiếp huấn luyện chị trong suốt quá trình tham gia thi đấu các giải từ trong nước đến ngoài nước, từ SEA Games đến các giải điền kinh khu vực Châu Á. Thầy đã luôn động viên, cổ vũ tiếp lửa cho chị đạt thành tích cao nhất trong các lần tham dự các giải đấu quốc tế.
Cố gắng, cố gắng và cố gắng hơn nữa…
Có khoảng 15 năm tập luyện và thi đấu cả trong và ngoài nước, Nguyễn Thị Huyền có rất nhiều kỷ niệm với “hành trình chạy” của mình. Chị chia sẻ rằng, thành công có, thất bại có, nhưng có lẽ nhớ nhất vẫn là sự quay trở lại đường đua năm 2019 – thời điểm chị vừa sinh con được 3 tháng. Lúc này chị nghĩ bản thân chỉ cố gắng được ở nội dung tiếp sức thôi, bởi vì khi đó có nhiều vận động viên khác mạnh hơn chị rất nhiều. Chị chia sẻ, có những thời điểm chị nghĩ không thể tiếp tục được nữa, bởi sau khi sinh con sức khỏe bị ảnh hưởng rất nhiều.
Chủ tịch UBND Phạm Đình Nghị (áo trắng), trao bằng khen của UBND tỉnh cho Nguyễn Thị Huyền.
“Thời điểm mà mình quay trở lại đường đua năm 2019 mọi người hay trêu rằng mình chạy và đeo cả thế giới vào người. Người mới sinh xong nó nặng, tập lại hay bị đau, đôi khi những lần mà mình tập luyện mệt quá còn nằm lăn long lóc ra sân, có khi đi được vài chục mét lại nôn. Mình nhớ mãi là cái thời điểm đấy mình mệt quá mình nằm, lá rơi rơi, xong rồi khóc và nghĩ liệu mình có tiếp tục được không, có chịu được không? Thế nhưng, mình cảm thấy mình là một người khá tích cực, mình lại tự động viên bản thân là cố lên, mình đã lựa chọn rồi thì phải cố gắng hết mình. Nhờ vậy nên mình cứ cố gắng, cố gắng và giành được 2 HCV tại SEA Games ở Philippin năm 2019.” – Chị Huyền vui vẻ chia sẻ với Báo Pháp luật Việt Nam.
Nỗ lực là kim chỉ nam để mang thành tích về cho Tổ quốc
Mỗi vận động viên sẽ có những khó khăn riêng, đối với nguyễn Thị Huyền khó khăn không phải vấn đề quá quan trọng. Theo chị, đã là một vận động viên chuyên nghiệp thì càng khó khăn thì mình càng phải vượt qua nó và khi vượt qua rồi thì thành quả đạt được chính là những trái ngọt. Mỗi vận động viên như chị khi đi ra đấu trường quốc tế, đặc biệt là SEA Games vừa rồi chỉ biết rằng mình phải nỗ lực, nỗ lực và nỗ lực.
Rất nhiều người đã hỏi Nguyễn Thị Huyền có cố gắng để đạt được 3 tấm HCV không, thế nhưng chị không có suy nghĩ này, chị chỉ nghĩ là một vận động viên thì cần phải cố gắng chiến đấu hết mình, khẳng định được mình. Chị cho hay, để đạt được tấm HCV thứ 3 trong kỳ SEA Games 32 trên đất Campuchia vừa rồi là nhờ có đồng đội của chị. “Mình phải cảm ơn các đồng đội của mình trong nội dung tiếp sức 4x400m nữ. Nếu không có các bạn thì mình cũng không có HCV thứ 13 trong các kỳ SEA Games. Nên mình nghĩ rằng cứ cố gắng rồi thành công luôn bên cạnh mình.” – Nguyễn Thị Huyền bộc bạch.
Ông Đỗ Đình Điểm – Giám đốc Trung tâm Thể thao thành tích cao Nam Định là người luôn tạo điều kiện, động viên, hỗ trợ Huyền trong quá trình trước, trong và sau thi đấu.
Có được thành công như ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng của bản thân, nỗ lực tập luyện hàng ngày thì sự quan tâm của những người xung quanh trước và trong thi đấu đối với Nguyễn Thị Huyền cũng rất quan trọng. Chị cho biết: “Mọi người lúc nào cũng bên cạnh mình kể cả trước hay trong khi thi đấu. Có nhiều lúc mình cũng có một chút áp lực nhưng khá là may mắn khi mà mình được sinh ra và lớn lên tại Nam Định, được mọi người quan tâm đặc biệt. Nhất là những lúc trước thi đấu, lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nam Định, Trung tâm Thể thao thành tích cao đến tận nơi thăm và động viên dù mọi người rất bận. Kể cả khi thi đấu xong, khi trở về mình rất là bất ngờ khi được mọi người ra tận sân bay đón. Mình cảm thấy rất là vinh dự và có một cái gì đó rất là hạnh phúc.”
Phải tự khắt khe với bản thân
Với kinh nghiệm 15 năm tập luyện và thi đấu, Nguyễn Thị Huyền đã bước sang tuổi 30 – một độ tuổi khá “già” đối với vận động viên nên chị mong rằng các vận động viên trẻ, các thế hệ tiếp theo cần phải hết mình. “Mình phải hết mình, vì trong tập luyện, thi đấu thể thao rất mệt và vất vả. Hi vọng các em có thể vượt qua được sự khắt khe khi tập luyện, dù rất mệt.” – Chị Huyền kỳ vọng vào thế hệ thể thao trẻ.
Nguyễn Thị Huyền cho rằng, những người thành công và những người thất bại chỉ hơn nhau ở ý chí. Với chị, để có được thành công như bây giờ không những là chuyện ý trí mà còn là sự khắt khe với bản thân. Nhiều lúc chị cũng muốn được đi chơi, được về nhà thăm gia đình, nhất là cô con gái nhỏ, nhưng tự ý thức được bản thân phải trung vào thi đấu, tập trung hết mức có thể để đem thành tích về cho nước nhà. Bên cạnh việc tập luyện thì chế độ ăn uống cũng phải được quan tâm để đảm bảo cho sức khỏe đáp ứng được việc tập luyện khắt khe. Do đó, Nguyễn Thị Huyền cũng mong muốn các vận động viên, các thế hệ trẻ tập trung thể hiện tốt nhất, tiếp tục gặt hái được những thành công trên con đường thể thao, mang vinh quang về cho Tổ quốc.
Nguyễn Thị Huyền tập luyện trên Sân vận động Thiên Trường (Nam Định) sau khi trở về từ SEA Games 32
Bước sang tuổi 30, Nguyễn Thị Huyền cho rằng đây là độ tuổi khá lớn trong thể thao, đặc biệt là trong điền kinh, và nhất là nội dung 400m. Bởi nội dung 400m là nội dung khó tập nhất ở trong sân, nó là cần cả sức mạnh, tốc độ và cả sức bền, nếu thiếu một trong các yếu tố thì không thể nào tốt được. Bản thân chị luôn muốn cống hiến, nhưng là người đã có nhiều kinh nghiệm trong thi đấu nên chị sẽ lắng nghe cơ thể mình, xem cơ thể mình cần cái gì và có đáp ứng được không.
“Mình không dám nói rằng mình sẽ cố gắng được bao nhiêu kỳ SEA Games, mà bây giờ chỉ cố gắng từng giải một, chu kỳ ngắn lại. Trong quá trình đấy thì mình cứ cố gắng. Phải tập luyện được thì mình mới thi đấu được. Khi nào mà mình cảm thấy cơ thể mình không thể phục vụ cho tập luyện, không đủ sức nữa thì chắc lúc đấy thì mình sẽ dự tính về huấn luyện người mới.” – Nguyễn Thị Huyền bày tỏ.
Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam