Ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch: Tiền đề vững, tăng tốc chắc!

Triển khai mới các dự án về du lịch (DL), khai thác có hiệu quả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể để phát triển thêm nhiều sản phẩm DL cấp vùng; phấn đấu thể thao thành tích cao đạt thứ hạng trong tốp 30 toàn quốc… Đó là quyết tâm cao của ngành Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) khi thành quả của nửa đầu nhiệm kỳ đã tạo ra nhiều tiền đề vững vàng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy – Lê Thị Ái Nam và Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Thiều khen thưởng cho các vận động viên đạt thành tích cao trong lĩnh vực thể thao.

Dấu ấn nửa chặng đầu

Nửa đầu chặng đường thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVI, ngành VH-TT&DL đã tham mưu ban hành nhiều đề án, kế hoạch, quyết định tạo dấu ấn. Điển hình như: Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động DL tỉnh Bạc Liêu (2021 – 2023); Kế hoạch xây dựng điểm DL Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu trở thành sản phẩm OCOP trong lĩnh vực DL; Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thể thao thành tích cao tỉnh Bạc Liêu năm 2022; Kế hoạch tổ chức Ngày hội VH-DL Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022…

Đặc biệt, vượt qua khó khăn do đại dịch COVID-19, DL tiếp tục khẳng định vai trò là một trong 5 trụ cột đắc lực phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Nhiều chương trình, dự án DL quy mô lớn hoàn thiện và đưa vào khai thác sử dụng; sản phẩm DL ngày càng phong phú, có 10 điểm DL tiêu biểu được Hiệp hội DL Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) công nhận, nhiều sản phẩm đã tạo thương hiệu riêng, cho thấy DL Bạc Liêu dần khẳng định vị trí quan trọng trong bản đồ DL khu vực và cả nước. Liên kết vùng trong phát triển DL phát huy hiệu quả, tỉnh đã ký kết hợp tác phát triển DL với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành trong khu vực. Các chỉ tiêu về DL tiếp tục có bước tăng trưởng, doanh thu nửa nhiệm kỳ đầu đạt 10.230 tỷ đồng, nhất là trong năm 2022 đã thu hút hơn 3,8 triệu lượt khách, tăng hơn 1,7 lần so với đầu nhiệm kỳ và tổng doanh thu DL đạt 3.510 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần so đầu nhiệm kỳ.

Bên cạnh đó, thể thao thành tích cao với những kết quả phấn khởi trên đấu trường trong nước và quốc tế cũng tạo dấu ấn đặc biệt! Chỉ tính riêng Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX – năm 2022, đoàn thể thao Bạc Liêu đã đoạt 11 Huy chương Vàng, 8 huy chương Bạc và 17 huy chương Đồng, xếp thứ 24/65 tỉnh, thành, ngành tham dự (tăng 20 bậc so với Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ VIII – năm 2018) và xếp thứ 4 khu vực ĐBSCL.

Đông đảo du khách tham quan, chiêm bái tại Khu Quán âm Phật đài (TP. Bạc Liêu).

Bứt phá nửa chặng cuối

DL vẫn luôn là lĩnh vực trọng yếu để ngành VH-TT&DL tập trung phát triển bằng những hoạch định kỳ quyết. Các dự án văn hóa, DL mới được đầu tư xây dựng và hoàn thiện đã tạo ra nhiều sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút du khách; một số sản phẩm DL bước đầu được thị trường chấp nhận, các doanh nghiệp lữ hành đã đưa vào tua tuyến để khai thác như: Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, Quảng trường Hùng Vương và các công trình văn hóa – nghệ thuật xung quanh, đặc biệt là Trung tâm Triển lãm văn hóa – nghệ thuật và Nhà hát Cao Văn Lầu, Khu nhà Công tử Bạc Liêu, Khu DL Nhà Mát, Khu Quán âm Phật đài, nhà thờ Tắc Sậy, chùa Xiêm Cán…

Tuy nhiên, nhìn tổng thể lĩnh vực VH-TT&DL vẫn còn một số hạn chế. Đó là chưa có nhiều chương trình, tác phẩm chất lượng nghệ thuật cao; chế độ bồi dưỡng cho nghệ sĩ, diễn viên dù được cải thiện nhưng vẫn thấp so với tình hình hiện nay, nên chưa khuyến khích tài năng sáng tạo của lực lượng văn nghệ sĩ, phong trào thể dục – thể thao quần chúng chưa đồng bộ giữa thành thị và nông thôn; công tác đào tạo vận động viên thể thao thành tích cao còn gặp nhiều hạn chế, DL phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; sản phẩm DL chưa thực sự hấp dẫn và sức cạnh tranh chưa cao; hệ thống dịch vụ DL chưa đáp ứng yêu cầu… Nhận diện điểm nghẽn để dần tháo gỡ và tăng tốc, cũng là sự quan tâm thấu đáo của ngành.

Nói về hoạch định phía trước, Giám đốc Sở VH-TT&DL – Trần Thị Lan Phương cho biết: “Ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư cho văn hóa, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án thể thao thành tích cao của tỉnh; tập trung đào tạo, tuyển chọn vận động viên trẻ, vận động viên kế thừa; tăng cường kết nối ngành DL Bạc Liêu với các trung tâm DL tại TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ và các trung tâm khác trên cả nước để tạo thương hiệu và khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách; nâng cao chất lượng các sản phẩm DL mang tính đặc trưng; quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm DL được quy hoạch; tích cực mời gọi đầu tư, phát triển các khu, tuyến DL ven biển, các dự án kết hợp điện gió với DL; các dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển”. Bên cạnh đó, ngành cũng sẽ chú trọng đầu tư, khuyến khích các doanh nghiệp nâng cấp, mở rộng các cơ sở DL hiện có và triển khai mới các dự án về DL, nhất là các dự án về lưu trú, lữ hành, thương mại, vận tải; phát triển thêm nhiều sản phẩm du lịch cấp vùng…

Đây là những nhiệm vụ then chốt ngành VH-TT&DL đang khẩn trương để tiếp tục tăng tốc trong nửa chặng hành trình còn lại.

CẨM THÚY

Du khách tham quan Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

Một số chỉ tiêu phấn đấu đến cuối năm 2025:

95% gia đình đạt chuẩn văn hóa, 100% khóm, ấp đạt chuẩn văn hóa; phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị là 45/64, đạt tỷ lệ 70,31%; đề nghị xếp hạng 10 di tích cấp tỉnh, 4 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt; phấn đấu thể thao thành tích cao đạt thứ hạng trong tốp 30 toàn quốc; có trên 10 điểm DL được Hiệp hội DL ĐBSCL công nhận là điểm DL tiêu biểu ĐBSCL, doanh thu DL – dịch vụ đạt theo kế hoạch nhiệm kỳ bình quân tăng hằng năm thời kỳ 2021 – 2025 là 39,67 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Bạc Liêu

Đánh giá bài viết