“Nền móng” cưỡi ngựa thể thao

Việc thành lập Liên đoàn để bộ môn này phát triển Ảnh: QUỐC BẢO

Sau 3 năm được thành lập, Ban Vận động Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đã thúc đẩy hợp tác và huy động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân để đầu tư luyện tập các môn thể thao về đua ngựa, cưỡi ngựa trong cả nước. Qua đó, cùng tham gia tranh tài tại các giải đua ngựa, cưỡi ngựa và biểu diễn ngựa nghệ thuật trong nước chọn ra những chú ngựa và nài ngựa (HLV) xuất sắc nhất để tham gia các giải khu vực và quốc tế. Hiện tại ở Việt Nam đã có 33 CLB trên khắp các tỉnh, thành tham gia với tổng số ngựa đua, biểu diễn là hơn 450, sẵn sàng gia nhập liên đoàn, riêng CLB Thiên Mã Madagui tại xã Madagui (Lâm Đồng) có 70 chú ngựa đua, ngựa biểu diễn.

Đến thời điểm này, Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao châu Á đã có 35 quốc gia thành viên, trong đó, khu vực Đông Nam Á có 8/11 nước trừ Việt Nam, Lào và Timor Leste. Việt Nam từng dự kiến đưa Cưỡi ngựa thể thao vào tranh tài tại SEA Games 31 nhưng do chưa hội đủ một số điều kiện cơ bản nên bộ môn này sau đó không được chủ nhà Việt Nam đề xuất đưa vào. Tại buổi họp thứ hai giữa Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam cùng đại diện các CLB Cưỡi ngựa thể thao diễn ra vào tháng 5 vừa qua, hầu hết các ý kiến đều cho rằng việc thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam thời điểm này là hết sức cần thiết, qua đó giúp Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam có thể gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa quốc tế và Liên đoàn Cưỡi ngựa châu Á, tham gia thi đấu tại các kỳ SEA Games và Asiad.

“Hiện tại, mong muốn lớn nhất của tôi đó là việc Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam sớm được thành lập và chúng ta có thể đạt huy chương khi tham dự SEA Games. Trước mắt chúng ta đặt mục tiêu thi đấu cọ xát và giành được HCĐ tại SEA Games 33 năm 2025 ở Thái Lan. Sang kỳ SEA Games năm 2027, Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam đặt mục tiêu cao hơn là giành HCB. Đến SEA Games năm 2029, chúng ta đặt mục tiên giành HCV. Chúng ta phấn đấu từ thấp lên cao, từ đấu trường SEA Games trước sau đó mới là Asiad. Nếu làm được điều đó, không chỉ cưỡi ngựa thể thao mang lại vinh quang cho thể thao nước nhà mà còn góp phần xây dựng, phát triển phong trào Cưỡi ngựa thể thao tại Việt Nam, hội nhập quốc tế”, ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Trưởng Ban Vận động thành lập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam bày tỏ. Bên cạnh đó, việc thành lập liên đoàn sẽ giúp các CLB đang huấn luyện ngựa phục vụ du lịch, thi đấu các tiêu chuẩn cơ bản về chăm sóc, đào tạo và tiếp cận với các kiến thức mới, từng bước hội nhập. Các CLB sẽ tham gia thúc đẩy du lịch khi cưỡi ngựa ngày càng được du khách ưa thích.

Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao Việt Nam sẽ ra mắt vào tháng 10 tới, đây có thể xem là cột mốc lịch sử của Cưỡi ngựa thể thao nước nhà, mở ra một chặng đường mới, tương lai mới của bộ môn đang được ưa chuộng và phát triển này tại Việt Nam. Trong mục tiêu ngắn hạn, Liên đoàn hướng đến thành lập Trung tâm đào tạo VĐV cưỡi ngựa đua, cưỡi ngựa thể thao; tổ chức lớp tập huấn chuyên môn do các HLV nước ngoài phụ trách; mở các khóa đào tạo kỹ năng đóng móng ngựa đua; hỗ trợ hội viên liên đoàn trong việc thành lập và đăng ký hoạt động CLB cưỡi ngựa tại các địa phương; tổ chức thường niên các giải cưỡi ngựa; gia nhập Liên đoàn Cưỡi ngựa thể thao khu vực và châu lục, tham dự SEA Games và Asiad.

BẢO ANH

Nguồn: Báo văn hóa Online

Đánh giá bài viết