Nan giải nhân lực y học thể thao
Theo giới chuyên môn, số lượng bác sĩ như vậy là không đủ. Ngoài việc điều trị chấn thương, đau ốm, bác sĩ của đoàn còn phải giúp VĐV phục hồi sau thi đấu. Bác sĩ thể thao vốn rất chuyên biệt nên không thể mời bác sĩ ở các bệnh viện, trung tâm y tế vì họ không thể đảm nhận công tác phục hồi cho VĐV.
Có đi cùng Đoàn thể thao Việt Nam, các đội tuyển bóng đá quốc gia thi đấu ở AFF Cup, SEA Games, Olympic… mới thấy hết tầm quan trọng của bác sĩ thể thao. Một bác sĩ phải “phân thân” theo dõi mọi lúc vài đội tuyển là chuyện bình thường. Không có bác sĩ thể thao đi cùng thì huấn luyện viên (HLV), thậm chí trưởng đoàn, lãnh đội phải xắn tay vào vai chăm sóc viên, từ xoa bóp, massage đến giúp đỡ tuyển thủ giải tỏa áp lực tâm lý hay vượt qua cú sốc thất bại.
Lý giải về việc thiếu bác sĩ thể thao, GS, TS, Thầy thuốc Nhân dân Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho hay: “Ngành y học thể thao trong nước vẫn chưa được chú trọng đúng mức; chưa có mã ngành đào tạo cán bộ y tế, bác sĩ thể thao cũng như hệ thống mạng lưới y học thể thao thống nhất chung trong toàn quốc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân lực kéo dài”.
Cùng quan điểm trên, PGS, TS Võ Tường Kha, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: “Hệ thống y học thể thao từ Trung ương đến địa phương chưa được xây dựng bài bản, dẫn đến phát triển manh mún. Lực lượng cán bộ y tế thể thao ở Việt Nam vẫn thể hiện sự chắp vá, phải vào nhiều vai khi đi theo Đoàn thể thao Việt Nam dự các đại hội lớn như SEA Games, ASIAD”.
Hiện tại, chỉ có mã ngành cử nhân y sinh học thể thao do hai Trường Đại học Thể dục thể thao tại Từ Sơn (Bắc Ninh) và TP Hồ Chí Minh đào tạo. Chưa có mã ngành đào tạo điều dưỡng kỹ thuật viên, bác sĩ thể thao. Trong số bác sĩ, y sĩ, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên đi theo Đoàn thể thao Việt Nam ở SEA Games 32, chủ yếu đến từ Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, vốn là lực lượng từ các hệ thống đào tạo, điều dưỡng, kỹ thuật viên, bác sĩ đa khoa hoặc chuyên khoa khác chuyển sang. Đôi khi có người lầm tưởng đội ngũ y tế đi theo các đoàn/đội thể thao trong nước là bác sĩ thể thao nhưng thực ra chỉ là bác sĩ chuyên ngành khác, thậm chí kỹ thuật viên, săn sóc viên chỉ có chứng chỉ châm cứu, xoa bóp.
PGS, TS Võ Tường Kha chia sẻ, sự thiếu hụt về nhân lực và thiếu bài bản, chưa có hệ thống mạng lưới y học thể thao ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo, huấn luyện và chăm sóc sức khỏe vận động viên, ảnh hưởng đến kết quả thi đấu và thành tích. Không chỉ mã ngành đào tạo mà thậm chí mã ngạch của y học thể thao cũng chưa có.
Lãnh đạo Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện Thể thao Việt Nam tại lễ ký kết hợp tác.
Bên cạnh đó còn có bất cập ở chỗ, chế độ của bác sĩ thể thao đi công tác với các đội tuyển thể thao quốc gia chỉ được xếp vào chế độ huấn luyện viên thể lực, bộ phận giúp việc như cán bộ hành chính…, thu nhập chưa tương xứng với khối lượng công việc đảm nhận và công sức bỏ ra. Phần lớn bác sĩ thể thao hiện sống chủ yếu bằng tiền lương theo hợp đồng, cho thấy họ bám trụ với nghề phần lớn là vì đam mê. Còn nói về chuyện tiền thưởng, chỉ có bác sĩ thể thao theo các đội tuyển bóng đá quốc gia may ra mới được “thơm lây”; còn lại như trên nói, theo nghề, theo đoàn, theo các đội tuyển thể thao quốc gia là vì đam mê, vì trách nhiệm.
Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội) và Bệnh viện Thể thao Việt Nam vừa tổ chức lễ ký kết thỏa thuận hợp tác nhằm phối hợp, tăng cường liên kết trong nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu về y học thể thao nói riêng và khối ngành khoa học sức khỏe nói chung.
Bài và ảnh: NGUYỄN THUẦN
Nguồn: QĐND Cuối tuần