Ký sự Caribe – Nam Mỹ: Argentina – cây, hoa, bóng đá và bài học trên quảng trường
Cảm xúc trận Argentina đánh bại Pháp trong chung kết World Cup nghẹt thở vẫn còn đây. Tôi cứ tưởng đến Argentina thì phải thấy đâu đâu cũng còn tươi mới dấu vết của thắng lợi lịch sử nhưng không phải, các pa nô, áp phích, quảng cáo sử dụng hình ảnh Messi và đội tuyển vô địch thế giới trên đường phố rất ít. Mấy chục cây số từ sân bay về trung tâm thành phố Buenos Aires tôi để ý nhưng rồi cũng chỉ chụp được 3 tấm biển có hình như thế. Đi ở Buenos Aires và thành phố Rosario cách đó chừng 500 cây số trong vài ngày, tôi chỉ thấy đáng kể nhất là một quảng cáo màn hình lớn rất nổi của Coca Cola ngay gần tháp Bút chì của thủ đô Argentina là dùng hình ảnh Messi và đồng đội phút đăng quang và một tấm biển ở Rosario hình Messi đề chữ “Messi – Rosario” chắc nhấn mạnh yếu tố Rosario là thành phố quê hương của cầu thủ vĩ đại.
Những viên đá ghi tên nạn nhân chết vì COVID ở Argentina để dưới chân tượng người anh hùng dân tộc Jose de san Martin (Ảnh: Lê Xuân Sơn).
Tên nạn nhân chết vì COVID ghi trên đá.
Quả thực, tôi để ý các quảng cáo tấm lớn hoặc pa nô, áp phích tuyên truyền dọc quốc lộ, trên đường phố Argentina ít dùng hình ảnh những người nổi tiếng hay trai thanh gái lịch. Họ có vẻ chú trọng dùng chính hình ảnh của đối tượng cần hướng đến. Tính thực dụng của người Argentina chăng? Không biết có phải thế không mà mặc dù trong đội hình luôn có những nghệ sĩ bóng đá, nhưng đội tuyển Argentina luôn có lối đá thiên về thực dụng, khác với người láng giềng Brazil.
Argentina mùa này rất đẹp. Khắp thành phố Buenos Aires, khi thì thấy những quầng vàng rực của lá cây Paraiso (không biết có phải là một giống cây phong hay không) khi thì những đám mây hoa tím đỏ của cây Palo Borracho (tôi hỏi một người ở sứ quán ta ở đây thì nói đó là cây hoa bông, nhưng có người lại bảo tên của nó là hoa lụa mới đúng).
Cây Paraiso vàng lá cuối tháng 4.
Palo Borracho là thứ cây thân gỗ lớn, cây nhỏ thì như cây phượng, cổ thụ thì ngang cây gạo, hoa màu hồng tím nở chùm trên cây nhưng mỗi bông thì hình dáng khá giống bông huệ tây cùng màu khi nở cực đại.
Cây Palo Borracho nở hoa khi trút hết lá, cả một tán hoa nở rộ nhìn xa khá giống anh đào Nhật. Thú vị là nó kết trái dày, trái lủng lẳng rất giống xoài Thái nhưng tôi hỏi người lái tắc xi có ăn được không thì nhận được cái lắc đầu quầy quậy. Hai loại cây trên nổi bật trong số những thực vật khác (ít nhất là ở thời điểm cuối tháng 4, Argentina ở bán cầu nam, đang chuyển sang đầu đông) không chỉ trang điểm cho các đường phố là làm cho các công viên có được vẻ lộng lẫy khác thường.
Đường phố rực rỡ sắc hoa.
Quảng trường phủ Tổng thống
Đó là một quảng trường bề ngang không quá rộng nhưng khá dài. Một đầu là ngôi nhà cổ mà theo người lái tắc xi cho chúng tôi biết đó là nơi diễn ra sự kiện chính của cuộc Cách mạng Tháng Năm (cuộc cách mạng do giới quý tộc Argentina tiến hành tháng 5/1810 lật đổ cha xứ Baltasar Hidalgo de Cisneros, người đại diện cho nhà vua Tây Ban Nha. Sự kiện sẽ dần dẫn đến nền độc lập cho Argentina).
Trên Quảng trường có tượng một nữ thần theo tôi hiểu thì đó là biểu tượng của Tự do. Trên nền quảng trường quanh tượng này có vẽ nhiều chiếc khăn trùm đầu của phụ nữ, biểu tượng cho nỗi đau của những bà mẹ mất con trong những năm chính quyền độc tài cai trị Argentina.
Hai cô bé tạo hình tay hình trái tim với du khách.
Tiếp đến là tượng tướng Jose de san Martin, anh hùng giải phóng dân tộc Argentina, người cùng với Bolivar có công đầu trong việc giải phóng toàn bộ Nam Mỹ ra khỏi ách cai trị của Tây Ban Nha. Và đầu kia là dinh Tổng thống Argentina sơn màu hồng là màu pha trộn giữa đỏ và trắng hai màu của hai đảng trong liên minh cầm quyền.
Dưới chân tượng Jose de san Martin có bày rất nhiều viên đá nhỏ trên đó đề tên người, năm sinh và năm mất. Người tắc xi nói đó là những viên đá mà những người nổi dậy chống một tổng thống độc tài dùng để ném chết ông ta trong một cuộc nổi dậy. Và người ta đề tên những người đã ném đá để lưu niệm. Tuy nhiên, khi tôi cho xem ảnh và kể lại câu chuyện, một nữ nhân viên ở phòng Quan hệ quốc tế thành phố Rosario nói rằng một người bạn đi du lịch tới thủ đô về kể cho cô nghe đó là những hòn đá ghi tên những người đã chết trong đại dịch COVID – 19. Tôi kéo to các ảnh để xem thì thấy cô nói đúng vì năm mất của những người có tên ghi trên các viên đá đều là 2020, 2021, những năm dịch bùng phát và làm nhiều người chết, và là những năm không có cuộc nổi dậy nào ở Buenos Aires cả.
Một học sinh trong giờ học lịch sử tại quảng trường dinh Tổng thống.
Trên Quảng trường phủ Tổng thống hôm đó, tôi gặp nhiều nhóm học sinh Argentina chừng 8 – 9 tuổi tới học bài học lịch sử. Biết là các em học vì trên tay mỗi em đều có tấm bìa cứng kẹp tờ giấy có in sẵn một số dòng và để trống từng đoạn. Đó có lẽ là thông tin tóm tắt hoặc câu hỏi về nơi diễn ra bài học, còn phần trống là để các em ghi những thu hoạch thêm hoặc ấn tượng của mình. Thật là một tiết học thực địa đầy nghiêm cẩn. Kệ cho các cô giáo đang giảng bài nói “Thưa ông, không được đâu” khi thấy tôi chụp ảnh, tôi cứ đi theo một lát xem các em học. Thấy tôi nhìn đầy trìu mến, có hai cô bé kín đáo quay lại cùng dùng tay tạo hình trái tim về phía tôi.
Đáng kinh ngạc là trên quảng trường ấy, ngay gần trước cửa dinh Tổng thống có một cái lều rất to dựng bằng thùng gỗ đựng hàng, mái chăng vải nhựa, chung quanh viết nhiều khẩu hiệu. Đó là những người thổ dân Argentina lên cắm lều đã hơn 2 năm để đấu tranh đòi quyền lợi. Tôi đã vào cái lều đó, chụp ảnh lưu niệm với các chủ nhân, mua ủng hộ họ mấy món đồ lưu niệm làm thủ công.
Bài học lịch sử trên quảng trường dinh Tổng thống.
Sân vận động
Đến Argentina không thể không nói chuyện bóng đá, nhất là vừa sau một World Cup 2022 đáng nhớ. Bạn tổ chức cho một số thành viên Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đang thăm chính thức Argentina cùng những người đi theo tới thăm sân vận động của câu lạc bộ River Plate. Đây là CLB giàu truyền thống nhất Argentina với hơn 30 lần vô địch quốc gia. Tuy nhiên, giai đoạn hiện nay, CLB thi đấu bết bát, có lúc phải xuống hạng. Sân River Plate được chọn để giới thiệu vì đây là nơi đã diễn ra trận chung kết lịch sử World Cup 1978, khi Argentina lần đầu vô địch thế giới.
Đứng trên khán đài của sân vận động hơn 8 vạn chỗ ngồi nhìn xuống, tôi cứ hình dung lại các pha bóng trận chung kết Argentina – Hà Lan 45 năm trước mà video mình đã xem đi xem lại nhiều lần. Nhớ hình ảnh Mario Kempes đẹp đẽ, to lớn, tóc dài, nhanh, mạnh mẽ với 3 lần cầm bóng xộc bóng thẳng vào vòng 16m50 của Hà Lan dẫn đến 3 bàn thắng trong đó anh tự ghi 2 bàn.
Nhà báo Lê Xuân Sơn chụp ảnh cùng tượng Messi (Ảnh: Minh Hoàng).
Quan chức CLB dẫn đoàn thuyết minh rằng mặt cỏ sân 95% là cỏ tự nhiên, 5% là nhân tạo để tạo một thảm lý tưởng, rằng để giữ mặt cỏ tiêu chuẩn trong mọi thời tiết, mùa hè thì có hệ thống tưới nước, giữ ẩm, mùa đông thì bên dưới lớp cỏ có hệ thống sưởi ấm. Nhìn chung thì cũng hơi giống lần đến sân Old Traford của Manchester United, chỉ có điều không ngặt nghèo bằng khi có thể giẫm chân lên thảm cỏ của sân mà chỉ bị nhắc nhở trong khi ở sân vận động của nước Anh thì thò tay sờ một cọng cỏ cũng không được.
CLB đã chuẩn bị sẵn một chiếc áo đấu cho in tên Chủ tịch QH Vương Đình Huệ để tặng và Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã thay mặt ông nhận chiếc áo đó.
Chụp ảnh cùng tượng Maradona (Ảnh: Hoài Minh).
Tôi may hơn nhiều người là được người lái tắc xi chở cả đến sân của CLB đối thủ truyền đời của River Plate ở Buenos Aires là Boca Junior. Sân của Boca ở trong phần nội phố chật hơn và có một phía làm tôi thú vị vì rất giống mặt ngoài sân Hàng Đẫy phía phố Trịnh Hoài Đức. Tôi vào cửa hàng thể thao cạnh sân, chụp ảnh lưu niệm cùng tượng cỡ bằng người thật của Maradona, Carlos Tevez, Riquelme, Messi – những cầu thủ đã có thời gian thi đấu trong màu áo CLB rồi mua một đôi áo tuyển Argentina của Messi làm quà. Phải nói là trong các cửa hàng bán đồ thể thao và ở các điểm du lịch ở Buenos Aires, rất nhiều áo đấu của Messi nhưng nhiều không kém là của Maradona. Không biết là luôn như thế hay là do Maradona vừa mất năm ngoái nên áo đấu của ông lại trở nên ăn khách.
Nguồn: Tiền Phong