Kiếm tỉ đô từ kinh tế thể thao
Sản xuất hàng hóa thể thao, tổ chức giải đấu… sẽ góp phần mang về giá trị lớn cho nền kinh tế với 100 triệu dân của Việt Nam.
Ngày 3-6, Tổng cục Thể dục Thể thao, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Olympic Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam năm 2023 với chủ đề “Phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới”.
Diễn đàn là nơi các cơ quan quản lý, nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm và cơ hội kinh doanh trong lĩnh vực thể thao.
Chưa huy động hết nguồn lực phát triển thể thao
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng – phó vụ trưởng Vụ Xã hội, Ban Kinh tế Trung ương – cho biết kinh tế thể thao là lĩnh vực phát triển mạnh mẽ, mang lại giá trị kinh tế ở nhiều quốc gia lớn trên thế giới.
Các loại hình kinh doanh dịch vụ rất phát triển như: du lịch thể thao, hàng hóa thể thao, hoạt động thể thao nghiệp dư – nhà nghề, tài trợ thể thao…
Các quốc gia tận dụng cơ hội đăng cai các giải thể thao quốc tế lớn để tạo dựng hình ảnh đất nước, phát triển các dịch vụ hàng hóa thể thao, củng cố, cải thiện kết cấu hạ tầng cho thể thao, bản quyền truyền thông, du lịch.
Khu vực châu Á – Thái Bình Dương được đánh giá là khu vực dẫn đầu về tăng trưởng kinh tế thể thao, đạt mức tăng trưởng trung bình 9,4%, cao hơn nhiều so với khu vực Bắc Mỹ và châu Âu.
Việt Nam là quốc gia hưởng lợi nhiều nhất từ các hiệp định thương mại tự do, là cơ hội lớn đối với Việt Nam trong việc phát triển các ngành kinh tế nói chung và kinh tế thể thao nói riêng.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, hoạt động kinh tế thể thao ở Việt Nam chưa thực sự sôi động, còn đang ở dạng tiềm năng, chờ đợi những cơ hội đầu tư, khai phá nếu có chính sách kinh tế phù hợp.
Việc phát triển kinh tế thể thao sẽ mang lại doanh thu cho các doanh nghiệp, thu nhập và việc làm cho các cá nhân và hộ gia đình…
Phát triển kinh tế thể thao không chỉ mang lại lợi ích cho ngành thể thao mà còn mang lại lợi ích, kích thích sự phát triển cho các ngành khách như du lịch, nông nghiệp, công nghiệp, giao thông vận tải, khoa học – công nghệ, y tế, giáo dục.
Ông Đặng Hà Việt – tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao – cho biết trên thế giới các giải đấu như bóng bầu dục, bóng chày tại Mỹ đang dẫn đầu về việc tạo ra doanh thu. Xếp sau đó là những giải đấu như bóng rổ NBA, Giải ngoại hạng Anh. Đó đều là những giải đấu có doanh thu trên 5 tỉ USD.
Ở Việt Nam, rất ít giải đấu tạo ra nguồn doanh thu lớn từ tài trợ, từ bản quyền truyền hình như V-League, bóng rổ VBA. Nguồn thu từ bản quyền truyền hình thường chiếm đến 50 – 70% doanh thu của giải đấu.
Khai thác kinh tế từ 40.000 giải thể thao mỗi năm
Cố giáo sư Dương Nghiệp Chí (nguyên viện trưởng Viện Khoa học Thể dục Thể thao), trong một nghiên cứu trước đây, cho biết các quốc gia đều chung quan điểm, coi sự phát triển kinh tế thể thao và sự phát triển sự nghiệp thể thao là một. Chính sự phát triển kinh tế thể thao là phát triển sự nghiệp thể dục thể thao trong nền kinh tế thị trường.
“Rất nhiều quốc gia sử dụng phương pháp phân loại nền kinh tế quốc dân làm ba nhóm ngành: 1- Nông nghiệp, 2- Công nghiệp, 3- Dịch vụ. Kinh tế thể thao thuộc nhóm ngành thứ 3 của nền kinh tế, nhưng hình thành muộn hơn nhiều ngành khác trên thế giới.
Ví dụ, kinh doanh thể thao nhà nghề sớm nhất ở môn đua ngựa cũng mới xuất hiện và phát triển ở Anh khoảng 200 năm gần đây. Còn kinh doanh bóng đá nhà nghề cũng mới có trên 100 năm gần đây.
Hiệu quả đầu tư kinh doanh thể dục thể thao của nhiều quốc gia rất lớn. Tổng nguồn thu của ngành thể dục thể thao ở nhiều quốc gia chiếm từ 2,1 – 2,3% GDP.
Trong đó, Trung Quốc chỉ làm kinh tế thể thao sớm hơn Việt Nam 18 năm, tổng thu từ thể dục thể thao đã chiếm tới 2,3% GDP (nguồn từ xổ số thể thao rất lớn).
Mỹ là quốc gia có nguồn thu thể dục thể thao lớn nhất thế giới, chiếm tới 3,2% GDP, đứng thứ 11 so với các ngành công nghiệp khác. Kinh tế thể thao của Mỹ đã được coi là một ngành công nghệ thể thao”, nghiên cứu chỉ ra.
Theo thống kê chưa đẩy đủ, mỗi năm ở Việt Nam có đến 40.000 giải đấu thể thao từ chuyên nghiệp đến nghiệp dư ở tất cả các cấp độ. Hiện các giải đấu phong trào của các môn chạy bộ, bơi đường dài, ba môn phối hợp… thu hút hàng chục ngàn người tham gia và tạo nên giá trị kinh tế, thúc đẩy du lịch rất lớn.
Hiện ở Việt Nam chưa có thống kê đầy đủ nhưng thị trường kinh tế thể thao khoảng 300 triệu USD. Đó là một ngành kinh doanh lớn, có dư địa phát triển mạnh tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ