Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc: Để công nhân thêm niềm vui cuộc sống

Lễ ký kết tổ chức Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc diễn ra tại tòa soạn báo Tuổi Trẻ vào chiều 21-6 – Ảnh: DUYÊN PHAN

Chuỗi sự kiện xoay quanh Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc diễn ra từ tháng 7 đến tháng 10-2023.

Các công nhân sẽ có thêm sân chơi thú vị thông qua Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc – National Worker’s Football Championship, do Liên đoàn Lao động Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức.

Đời người công nhân có ba nhà

Phát biểu tại buổi ký kết, ông Ngọ Duy Hiểu – phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam – khiến nhiều người xúc động khi nhắc đến những khó khăn mà người công nhân phải đối mặt trong cuộc sống.

“Người lao động tại Việt Nam vào khoảng 53 – 54 triệu người. Trong đó, lực lượng công nhân chính thức vào khoảng 17 triệu người đang làm việc ở các ngành nghề. Dù tạo ra sản phẩm và phát triển kinh tế cho đất nước nhưng họ lại là đối tượng có nhiều thiệt thòi. Thu nhập không cao, đời sống tinh thần còn nghèo nàn. Do đó, chúng tôi rất vui khi nghe sáng kiến của báo Tuổi Trẻ về việc tổ chức giải đấu cho công nhân.

Đây là trách nhiệm xã hội bởi giải đấu không chỉ là sân chơi để chăm lo đời sống tinh thần cho công nhân mà còn là cơ hội cho công nhân thể hiện tài năng bóng đá của mình, tăng cường đoàn kết giữa các công nhân với nhau và các khu công nghiệp”, ông Hiểu nói.

Cũng theo ông Hiểu, đời sống người công nhân ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn từ khi đại dịch COVID-19 bùng nổ. Đầu năm 2022, làn sóng công nhân đổ về quê vì ảnh hưởng đại dịch khiến các doanh nghiệp rất hoang mang.

Điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng trực tiếp đến công tác tổ chức giải. Và nếu có thể diễn ra thường niên, Giải vô địch bóng đá công nhân toàn quốc được kỳ vọng sẽ góp một phần sức lực giúp cuộc sống người công nhân có thêm màu sắc, thêm niềm vui, giúp họ thêm tận tâm với nghề.

“Tôi thường nói với mọi người thế này: đời sống người công nhân có ba nhà. Một là căn nhà của cha mẹ, nơi họ lớn lên. Rồi sau đó là nhà máy và nhà trọ, nơi họ sinh sống sau này. Cuộc đời họ cứ loanh quanh từ nhà trọ đến nhà máy. Chúng ta vì thế cần phải nỗ lực tạo thêm sân chơi, thêm niềm vui cho các công nhân”, ông Hiểu nói.

Chia sẻ quan điểm với ông Hiểu, Phó chủ tịch VFF Trần Anh Tú cũng cho biết rất vinh hạnh khi có thể cùng tham gia tổ chức một giải đấu mà “trước nay VFF chưa có cơ hội chạm đến”.

Không để xảy ra tình trạng gian dối tại giải vô địch bóng đá công nhân

Khi tôn chỉ giải đấu đặc biệt hướng về công nhân, công tác tổ chức giải lại càng phải kỹ lưỡng. Các giải bóng đá phong trào thường tồn tại tranh cãi xoay quanh việc nhiều đội bóng mang đến giải những cầu thủ chuyên nghiệp, không đúng đối tượng, khiến giải đấu trở nên mất cân bằng và gây bất công với những đội bóng khác.

Nói về điều này, ông Nguyễn Minh Châu, phó tổng thư ký VFF, khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam để đảm bảo chọn lọc thành phần dự giải nhằm ngăn chặn những thành phần không đúng với tinh thần của giải.

“Điều này cần có quy định rõ từ điều lệ giải lẫn từ yêu cầu của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam với các liên đoàn thành viên. Với kinh nghiệm của mình, VFF sẽ hoàn thiện điều lệ”, ông Châu nói.

“Trước đây từng có tiền lệ cuộc thi hát cho công nhân mà một số đơn vị lại mang cả nghệ sĩ ở địa phương đến dự thi. Chúng ta không thể để xảy ra chuyện gian dối được. Những người công nhân, chỉ cần nhìn tay họ, nhìn chân họ là nhận ra ai là công nhân rồi”, ông Ngọ Duy Hiểu nói thêm.

Và không chỉ có sân chơi bóng đá, ông Trần Xuân Toàn – phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ – còn cho biết xoay quanh giải đấu sẽ là một chuỗi sự kiện giải trí, hỗ trợ dành cho đối tượng công nhân. Chẳng hạn như trong các ngày diễn ra giải sẽ tổ chức thêm hội chợ, có gian hàng mua sắm, tặng quà, giới thiệu sản phẩm, tuyển dụng việc làm…

Ban tổ chức cũng sẽ tính đến việc mời thêm nghệ sĩ tham gia trình diễn hoặc bình luận các trận bóng đá để sân chơi thêm phần xôm tụ.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Đánh giá bài viết