Doping thể thao – Chuyện thời sự hàng năm

Thật tình cờ, khi chúng tôi đang định tìm hiểu về công tác phòng chống doping và giáo dục nhận thức về doping cho các VĐV Việt Nam, tham dự SEA Games 32, được thực hiện như thế nào, truyền thông quê nhà gửi đến “tiền tuyến” một tin vui: VĐV Quách Thị Lan và 4 đồng đội ở tuyển điền kinh sẽ được giảm án, sau khi 5 VĐV của chúng ta “cùng nhau mua và sử dụng một loại thực phẩm chức năng mà không biết thành phần có chất nằm trong danh mục cấm”.

VĐV của chúng ta có được nhắc nhở về danh mục chất cấm không? Danh mục đó được liệt kê và thông báo như thế nào tới các đoàn thể thao trên thế giới? Câu trả lời là có, nhưng sẽ thay đổi theo từng năm.

Triệu Thị Phương Thủy, nhà vô địch Kun Khmer tại SEA Games 32, cho biết: “Chúng em đều biết phải giảm tất cả các thứ liên quan tới doping, kể cả bị ốm. Nhưng doping có nhiều chất, nhiều thành phần, nên chúng em không thể biết hết, bởi vì, kiến thức của chúng em còn hạn hẹp, chưa được nhiều như các bạn quốc tế. Về thành phần trong doping, mỗi năm người ta thay đổi một loại. Năm trước biết, nhưng nhiều lắm, nên chúng em không thể biết hết. Nó nằm trong thức ăn và đồ uống”.

Nguyễn Huy Thịnh, HLV trưởng đội tuyển Kun Khmer Việt Nam, khẳng định BHL và bác sĩ của đội tuyển luôn dặn dò, nhắc nhở các thành viên của đội phải lưu ý không sử dụng thuốc ngoài danh mục được cung cấp, và tốt nhất… nếu không cần phải dùng thuốc thì… không dùng. “Ngày nào cũng thế, từ chế độ dinh dưỡng, đồ ăn uống, chúng tôi đều kiểm soát. Cách đây một tháng, chúng tôi đã được Trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia Nhổn cho tập huấn về các vấn đề dinh dưỡng, thuốc men. Và trong quá trình tập luyện, nếu vận động viên có trường hợp xảy ra ốm đau hay ho vặt thì các bác sĩ ở phòng doping cũng khuyến cáo là nếu như không cần thiết thì không dùng, còn nếu như dùng thì phải có đơn thuốc và chụp lại”, ông nói.

Với Hoàng Quý Phước, là kình ngư có thâm niên “ăn tập” tại đội tuyển, trong nước và nước ngoài, bí quyết của anh là “sử dụng thực phẩm chức năng đúng hãng có uy tín, có thương hiệu” để tránh tình huống xấu phát sinh. “Thứ nhất là ăn uống lành mạnh, sinh hoạt lành mạnh. Mình dùng thực phẩm chức năng thì phải là các hãng từ Mỹ, Pháp, có chứng thực có thể sử dụng an toàn. Hoặc mỗi khi mình bị cảm sốt phải dùng các loại thuốc kháng sinh, an thần thì phải thông qua bác sĩ. Bác sĩ là bác sĩ thể thao của trung tâm mình, xem là thuốc này có ảnh hưởng tới doping hay không. Mình không nên dùng hoặc là mua thuốc bên ngoài, hoặc là phải tham vấn tại nơi mình đang tập luyện, tập trung và các bác sĩ tại đây sẽ tư vấn cho mình tốt hơn”, Hoàng Quý Phước cho biết.

Dính Doping, dù vô tình hay cố ý, không chỉ tước đi của đoàn TTVN tại SEA Games 31 những tấm HCV, mà còn gây thiệt hại về lực lượng của chúng ta ở SEA Games này, làm ảnh hưởng tới kế hoạch của ngành, không chỉ ở sân chơi SEA Games mà cả Asiad. Ông Hoàng Quốc Vinh, Phó Trưởng đoàn TTVN tại SEA Games 32, chia sẻ: “Rõ ràng là doping thì từ trước tới nay chúng ta đã ký Công ước thỏa thuận về phòng chống doping trong thể thao. Nói tới doping thì nó đến từ nhiều nguồn, có thể bất ngờ, không chủ động, hoặc là đến từ chủ động.

Bất cứ vì lý do nào, khi đã vi phạm luật thì vận động viên phải ngừng thi đấu và chịu án kỷ luật. Tại SEA Games 31 chúng ta có những vận động viên đã bị cấm thi đấu do những lý do khách quan. Để chuẩn bị cho sự kiện lần này, trung tâm chống doping Việt Nam và các bác sĩ đã phải làm các khai báo về nguồn sử dụng thuốc, trước khi thi đấu đã sử dụng các loại thực phẩm gì. Việc này chúng tôi đã làm rất kỹ. Thứ hai là tuyên truyền cho các vận động viên trong các bữa ăn phải đề phòng nguồn doping đến từ các loại thực phẩm nào, thuốc nào. Thứ ba là các vận động viên phải có ý thức tham vấn với các bác sĩ về vấn đề doping, dinh dưỡng, thuốc. Với những biện pháp này, chúng tôi hi vọng là các vận động viên của chúng ta tại SEA Games 32 này sẽ không dính tình huống trường hợp doping nào”.

Nhóm VĐV điền kinh Việt Nam dính doping đã được Hội đồng quản lý kết quả và Cơ quan chịu trách nhiệm lấy mẫu xét nghiệm doping của SEA Games 31 giảm án cấm thi đấu còn 16-18 tháng. Nhưng, nỗi đau của họ và đoàn TTVN là vẫn bị tước hết những huy chương đã giành được tại SEA Games 31.

Và vết nhọ, dù là mờ nhất, vẫn sẽ khiến người qua đường phải ngoái đầu nhìn lại./.

Nguồn: Kênh 14

Đánh giá bài viết