Đội tuyển bóng đá Việt Nam nâng cấp bằng cầu thủ Việt kiều?
Đội tuyển Việt Nam ăn mừng chiến thắng trong trận giao hữu gặp đội tuyển Syria ngày 20/6. Ảnh: INT.
Liệu nguồn lực này đủ nâng cấp đội tuyển quốc gia, và đợt tập trung tới, cầu thủ nào sẽ được “chọn mặt gửi vàng”?
Thông điệp nhiều ý nghĩa
Đội tuyển Việt Nam dưới triều đại huấn luyện viên Philippe Troussier đã khởi đầu suôn sẻ bằng 2 chiến thắng liên tiếp. Mặc dù, đây chỉ là những trận giao hữu và đối thủ không thuộc nhóm các đội mạnh châu lục, song chiến lược gia người Pháp đã gặt hái được nhiều bài học về chuyên môn cũng như phát đi những thông điệp nhiều ý nghĩa cho chiến dịch tầm cỡ World Cup.
Đội tuyển Việt Nam cho thấy khả năng thích ứng nhanh với lối chơi kiểm soát bóng, trận sau tốt hơn trận trước. Như vậy, các cầu thủ sẵn sàng tiếp nhận sự thay đổi, cái mới nhằm hướng đến cái đích cao hơn, hoặc bắt đầu tạo nền móng cho một chương mới thay vì đóng khung với sự cứng nhắc đến mức bảo thủ nào đó về chiến thuật. Vấn đề đặt ra lúc này nằm ở yếu tố con người. Bóng đá Việt Nam có gì cùng với triết lý mới để nâng tầm đội tuyển quốc gia?
Không chỉ là 2 chiến thắng, ông thầy người Pháp đã thử nghiệm gần như tất cả những gì có trong tay. Theo đó, chỉ có 3 cầu thủ được chơi trọn vẹn cả 2 trận là thủ môn Đặng Văn Lâm, bộ đôi trung vệ Duy Mạnh và Quế Ngọc Hải.
Quang Hải đá 90 phút trận gặp Hồng Kông (Trung Quốc) và 84 phút trận gặp Syria. Huấn luyện viên Troussier dùng hết 6 quyền thay người mỗi trận, trao cơ hội cho những gương mặt mới và nhiều gương mặt thuộc biên chế U23 Việt Nam đá chính. Điều đó chính là thông điệp của ông Troussier gửi đến những cầu thủ chưa được lên tuyển, đặc biệt nhóm cầu thủ trẻ tiềm năng.
Đặc biệt, so với những người tiền nhiệm, chiến lược gia người Pháp thể hiện rõ ràng quan điểm về việc sử dụng cầu thủ Việt kiều, thậm chí ông nhấn mạnh bóng đá Việt Nam cần phải khai thác tốt hơn nguồn lực này, bởi với con người hiện tại là không đủ nâng cấp các đội tuyển quốc gia.
“Tôi có nhiều kinh nghiệm làm việc tại châu Phi, nơi bóng đá gần đây rất thành công không chỉ nhờ nguồn lực trong nước mà chủ yếu từ những cầu thủ được đào tạo, được thi đấu và thành danh tại châu Âu. Ở Đông Nam Á, Thái Lan, Malaysia, Indonesia đều đang rốt ráo với việc này” – huấn luyện viên Troussier cho biết.
Trong đợt tập trung tháng 6 vừa qua của đội tuyển Việt Nam, cái tên được chú ý là Schmidt Adriano, trung vệ Việt kiều này có tên Việt Nam là Bùi Đức Duy. Anh từng được triệu tập vào đội tuyển Việt Nam lần đầu tiên hồi tháng 3/2022 nhưng chưa có nhiều cơ hội để thể hiện. Bên cạnh đó, đội tuyển U23 Việt Nam cũng có một cầu thủ Việt kiều khác là Nguyễn An Khánh. Cầu thủ mới 18 tuổi này đang khoác áo U19 Sigma Olomouc của CH Czech. Vị trí chơi bóng sở trường của Nguyễn An Khánh là tiền vệ trung tâm, thiên về tấn công, đồng thời có thể chơi tốt ở vị trí tiền đạo cũng như tiền vệ cánh trái.
Đội tuyển Việt Nam từng có những cầu Việt kiều để lại ấn tượng, như tiền đạo Mạc Hồng Quân dưới thời huấn luyện viên Miura (Nhật Bản) và thủ môn Đặng Văn Lâm từ thời huấn luyện viên Park Hang Seo. Thậm chí, kế hoạch mở rộng tìm kiếm các cầu thủ Việt kiều từng được ông Park lên kế hoạch. Năm 2019, ông Park từng có trong tay hồ sơ của 8 cầu thủ Việt kiều và có chuyến sang châu Âu xem một số cầu thủ thi đấu. Trong đó, có 2 cái tên nhận được sự quan tâm đặc biệt là tiền đạo Alexander Đặng (Na Uy) và thủ môn Filip Nguyễn (CH Czech).
Tuy nhiên, ông thầy người Hàn nêu quan điểm: Cầu thủ Việt kiều không nói được tiếng Việt dù có bố hoặc mẹ người Việt. Họ sinh ra ở nước ngoài, không hiểu văn hóa Việt Nam và có thói quen là công dân nước ngoài. Nếu ngôn ngữ bất đồng, tư duy khác biệt thì hòa nhập thế nào? Và vấn đề quan trọng ở đây là nếu cầu thủ thực sự tài năng, vượt trội hơn cầu thủ Việt Nam thì chúng ta cần họ nhưng nếu trình độ chỉ ngang ngang thì cần suy nghĩ thấu đáo. Vậy nên, dưới triều đại ông Park, ngoài Văn Lâm, những cầu thủ Việt kiều khác gần như không có cơ hội chen chân vào các đội tuyển quốc gia Việt Nam.
5 năm dưới thời ông Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam đã gặt hái vô số thành công và thiết lập nhiều kỷ lục. Nhưng sau ánh hào quang, chúng ta nhận thấy đội tuyển quốc gia đã đi đến giới hạn cuối cùng, thậm chí có dấu hiệu tụt hậu, đồng thời yêu cầu thay đổi, làm mới, từ chiến lược cho đến con người được đặt ra cần thiết hơn bao giờ hết.
Huấn luyện viên Troussier đến và đặt ra mục tiêu cao, hướng đến World Cup 2026. Nhìn vào lực lượng hiện tại, chúng ta khó có thể tạo ra sự đột biến về chất so với giai đoạn của ông Park. Huấn luyện viên Troussier hiểu điều đó và ông muốn được tận dụng nguồn lực cầu thủ Việt kiều.
Thủ môn Filip Nguyễn trong màu áo câu lạc bộ Công an Hà Nội. Ảnh: INT.
Hiệu ứng từ Filip Nguyễn
Theo huấn luyện viên Troussier, ông đang tìm kiếm các cầu thủ gốc Việt Nam ở nước ngoài. “Theo danh sách tuyển trạch viên cung cấp, có 20 cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga, Pháp, Bulgaria, CH Czech… Tôi đã triệu tập cầu thủ Việt kiều Nguyễn An Khánh lên U23 Việt Nam. Đây là trường hợp hiếm hoi một cầu thủ được đào tạo và thi đấu ở nước ngoài về khoác áo đội tuyển trẻ Việt Nam. An Khánh có quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam. Do đó, tôi chỉ phải nói chuyện với bố mẹ và cá nhân cậu ấy để đưa ra quyết định triệu tập” – chiến lược gia người Pháp cho biết và hy vọng, đây là trường hợp điểm để việc tăng nguồn lực Việt kiều sau này trở nên dễ dàng hơn.
Mong muốn đưa cầu thủ Việt kiều chất lượng tốt về nhằm góp phần nâng cấp sức mạnh các đội tuyển quốc gia có những bước tiến thuận lợi hơn với sự xuất hiện của thủ môn Filip Nguyễn trong màu áo Công an Hà Nội, từ FC Slovacko (CH Czech).
Thủ môn Việt kiều này được đánh giá cao nhất sau giai đoạn của tiền đạo Lee Nguyễn, cầu thủ từng khoác áo đội tuyển Mỹ. Filip Nguyễn vô địch Cúp quốc gia CH Czech và thi đấu tại Europa League, là gương mặt nổi tiếng trong cộng đồng cầu thủ Việt kiều ở nước ngoài.
Trên chuyên trang chuyển nhượng Transfermarkt, Filip Nguyễn được định giá 700 nghìn euro. Theo thống kê, Filip Nguyễn đã thi đấu 139 trận tại giải đấu số 1 của CH Czech, được triệu tập lên đội tuyển quốc gia nước này, tuy nhiên anh chưa ra sân thi đấu. Do vậy, việc thủ môn này trở về Việt Nam chơi bóng và có thể nhập tịch khoác áo đội tuyển Việt Nam sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu rộng tới các cầu thủ Việt kiều tại nước ngoài.
Filip Nguyễn thổ lộ mong muốn trong 3 năm gắn bó với Công an Hà Nội, cậu con trai của anh có thể học tiếng Việt, để có thể hiểu thêm về nguồn cội của mình.
Cầu thủ Việt kiều Nguyễn An Khánh (15) trong đợt tập trung của đội tuyển U23 Việt Nam. Ảnh: INT.
“Các cầu thủ có bố mẹ hoặc ông bà là người Việt Nam giờ đây đã có thể về nước thi đấu, nó dễ dàng hơn nhiều so với việc nhập tịch và thi đấu cho đội tuyển Việt Nam. Điều đó mang đến lợi ích cho bóng đá Việt Nam. Nếu nhìn vào đội tuyển quốc gia Việt Nam, không có cầu thủ nào thi đấu ở châu Âu. Có một cầu thủ từng thi đấu ở giải hạng 2 của Pháp (Quang Hải, PV), nhưng anh ấy ít được ra sân và cũng đã về nước. Một số cầu thủ của đội tuyển Việt Nam thi đấu châu Á. Những người còn lại thi đấu ở trong nước” – Filip Nguyễn chia sẻ.
Trong đợt tập trung tháng 6 vừa qua, cầu thủ Việt kiều Nguyễn An Khánh được xếp chơi ở vị trí tiền đạo cánh trái trong sơ đồ 3-4-3 mà ông Troussier áp dụng cho U23 Việt Nam. Ngay khi được vào sân, An Khánh để lại dấu ấn với những pha đi bóng tốc độ, xông xáo, mang đến sự cơ động bên hành lang trái cho U23 Việt Nam. Chừng đó vẫn chưa mang đến sự nổi trội, song những gì An Khánh thể hiện mang đến những hiệu ứng tích cực, tươi mới hơn về triển vọng sử dụng cầu thủ Việt kiều trong tương lai gần.
Gần đây, huấn luyện viên Troussier đã để mắt tới 1 cầu thủ Việt kiều là Kaelin Nguyễn Trương Khôi. Tiền đạo sinh năm 2003 từng được gọi lên U15, U17 và U20 New Zealand. Kaelin Nguyễn Trương Khôi từng được ban huấn luyện U23 Việt Nam liên hệ trước thềm SEA Games 32. Tuy nhiên, kế hoạch diễn ra không suôn sẻ vì Kaelin Nguyễn chưa có quốc tịch Việt Nam. Kaelin Nguyễn sở hữu chiều cao 1m86, được Transfermarkt định giá 125 nghìn euro. Cầu thủ Việt kiều này mới chuyển đến Học viện Wellington Phoenix (New Zealand).
Hơn thế nữa, bóng đá Việt Nam cần nguồn lực Việt kiều để chống lại chính xu hướng nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á sử dụng cầu thủ nhập tịch. Đơn cử như đối thủ của đội tuyển Việt Nam tại vòng bảng Asian Cup 2023 là Indonesia đã không ngừng nhập tịch những cầu thủ từ nước ngoài. Trong đó phải kể tới Elkan Baggott, trung vệ cao 1m94, người đang thi đấu ở Anh cho Cheltenham Town FC, Marc Klok (Hà Lan) và tiền đạo Ilija Spasojevic (Montenegro). Hai cầu thủ mới nhất được nhập tịch của Indonesia là Ivar Jenner và Rafael Struick (đều từ Hà Lan) đã ra mắt ở trận gặp Palestine trong tháng 6 vừa qua.
Ngay cả Thái Lan cũng đang khai thác mạnh mẽ nhóm cầu thủ Thái kiều và nhập tịch cầu thủ ngoại. Đội hình U23 Thái Lan đến Việt Nam đá SEA Games 31 có tới 9 cầu thủ thuộc nhóm Thái kiều, những cầu thủ thi đấu ở hạng thấp tại Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Đan Mạch. Hoặc đội hình Thái Lan giai đoạn 2016 – 2019, với đỉnh cao là lọt vào vòng loại cuối cùng tranh vé dự World Cup 2018 cũng thường xuyên sử dụng cầu thủ Thái kiều, vốn là những người sinh ra ở châu Âu như Philipp Roller, Manuel Bihr, Mika Chunuonsee hay Marco Ballini.
Như ở AFF Cup 2022, theo thống kê có 5 cầu thủ nhập tịch và 20 cầu thủ 2 dòng máu tham gia các đội tuyển quốc gia. Ngoài Philippines luôn có trong đội hình 6 – 8 cầu thủ Phi kiều, bóng đá Malaysia những năm gần đây chuyển hướng mạnh mẽ dùng cầu thủ nhập tịch như Lee Tuck (quốc tịch Anh) hay tiền đạo nhập tịch Argentina – Sergio Aguero, hoặc những cái tên mang trong mình hai dòng máu, đó là Stuart Wilkin (Anh – Malaysia), tiền vệ Brendan Gan (Australia – Malaysia) và tiền đạo Darren Lok (Anh – Malaysia)…
Như vậy, nếu Filip Nguyễn thi đấu thành công tại V-League, anh sẽ tạo ra tiền đề tốt để nhiều ngôi sao gốc Việt Nam đang thi đấu ở châu Âu về nước thi đấu cho các câu lạc bộ. Số lượng những cầu thủ Việt kiều khá đông, thi đấu tại nhiều nơi như Đức, CH Czech, Slovakia, Na Uy… Đây là nguồn lực cần thiết để có thể nâng tầm sức mạnh của tuyển Việt Nam.
Làn sóng cầu thủ Việt kiều theo mức độ tăng dần đang dịch chuyển về Việt Nam. V-League mùa này xuất hiện nhiều cầu thủ Việt kiều như thủ môn Patrick Lê Giang, thuộc biên chế đội Hà Nội FC và hiện được đội TPHCM đánh tiếng mượn nửa mùa với giá 450 triệu đồng, tiền vệ Ryan Hà (Khánh Hòa), Viktor Lê (Bình Định), Adriano Schmidt (Bình Định), Vincent Trọng Trí Guyenne (TPHCM), Steven Đặng (Bình Dương), Martin Lò (Hải Phòng)… Những gương mặt này ít nhiều đã thổi luồng gió mới tới giải bóng đá quốc nội của Việt Nam và đồng thời mang đến những lựa chọn mới cho huấn luyện viên Troussier.
Tác giả: Thành Nam
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn
Nguồn: Nghệ An 24h