Độc lạ SEA Games: “Người cá” – môn thể thao “siêu dị”
Khúc côn cầu (hockey) là một trong những môn thể thao được yêu thích trên thế giới với tính đối kháng thú vị. Khúc côn cầu được chơi trên nhiều địa hình khác nhau, phổ biến nhất là trên sân băng, nhưng ở kỳ SEA Games 30, nó lại được chơi ở dưới nước và đem lại rất nhiều sự bất ngờ cho các VĐV tham gia tranh tài.
Cụ thể, luật chơi của môn thể thao này là: Người chơi đeo ống thở và nắm những cây gậy ngắn, lặn xuống đáy hồ và tham gia thi đấu. Hai đội phải dùng gậy để đánh bóng vào khung thành đối phương. Trò chơi này đòi hỏi người chơi có kỹ thuật tốt và khả năng quan sát tuyệt vời cùng sự quyết đoán để cùng đồng đội tạo nên chiến thắng. Ngoài ra, những “Người cá” còn phải có một thể trạng cực tốt vì điều kiện thi đấu dưới nước thường đem đến vô vàn khó khăn trong lúc thi đấu.
Vậy khúc côn cầu dưới nước là gì? Môn này ra đời rất tình cờ trong hoàn cảnh chẳng liên quan gì đến thể thao. Vào năm 1950, Hải quân Anh thường bày ra cách vừa tập luyện vừa chơi kiểu gần giống khúc côn cầu trên băng ở dưới nước để giúp lính lặn cải thiện khả năng di chuyển và làm nhiệm vụ hiệu quả dưới mặt nước.
Đến năm 1954, Underwater hockey (còn được gọi với cái tên Octopus – Bạch tuộc) mới chính thức được xem như môn thể thao sau khi ông Alan Blake thành lập CLB đầu tiên là Southsea Sub-Aqua ở Anh.
Khúc côn cầu dưới nước là một môn rất khó vì vận động viên cần phải là người biết bơi giỏi, khả năng lặn sâu và giữ hơi tốt trong thời gian càng dài càng tốt. Do đó, bên cạnh việc tranh nhau ghi bàn vào khung thành đối phương thì đây còn là trận đấu bơi lội cùng lặn sâu, lặn dài, ai có khả năng lặn càng dài thì có thể mang về chiến thắng cho đội của mình.
Quả cầu được dùng trong khúc côn cầu dưới nước có kích thước bình thường, hình tròn, dẹt nhưng quan trọng là nó phải có sức nặng đủ để chìm xuống dưới đáy. Thường thì một quả cầu để chơi trong trận đấu thú vị này có trọng lượng khoảng từ 1,3 – 1,5kg.
Mỗi thành viên tham gia trận đấu được dùng một gậy khúc côn cầu có chiều dài khoảng 30cm, không quá dài để vận động viên có thể di chuyển dễ dàng và dùng gậy để đánh cầu vào lưới của đối phương.
Mỗi đội tham gia khúc côn cầu dưới nước gồm có 10 vận động viên, trong đó 6 người thi đấu chính thức và 4 người còn lại sẽ dự bị. Môn thể thao này không phân biệt nam nữ, miễn có sức khỏe tốt thì đều có thể chơi được.
Philippines là nước chủ nhà SEA Games 30 và họ đã vận động 3 nước khác là Malaysia, Indonesia và Singapore đăng ký tham dự môn khúc côn cầu dưới nước này (môn sở trường đã được Philippines tập luyện từ lâu) để đủ điều kiện tổ chức (ít nhất 4 nước tham dự tranh 3 huy chương). Tuy vậy, rất tiếc là trước đoàn Singapore quá mạnh, đoàn Philippines chỉ có thể đoạt 3 HCB và 1 HCĐ. Cả 4 HCV đều thuộc về các VĐV tới từ đảo quốc Sư tử.
Nguồn: Dân Việt