Đoàn thể thao Việt Nam sẽ giành khoảng 30 – 40 HCV trong những
Thông tin về quá trình thi đấu của Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cho biết, tính đến hết ngày 12.5, Đoàn Thể thao Việt Nam giành được 71 HCV, 68 HCB, 78 HCĐ, xếp vị trí thứ 1/11 quốc gia tham dự Đại hội.
Trưởng Đoàn Đặng Hà Việt thông tin đến báo chí về thành tích thi đấu của Đoàn Thể thao Việt Nam
Các môn Thể thao Olympic đã giành được HCV tính đến hết ngày 12.5 là 28 HCV, 31 HCB, 27 HCĐ.Trong đó Điền kinh giành 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ; Thể dục dụng cụ: 4 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ; Bơi: 7 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ; 3 môn phối hợp: 1 HCV, 1 HCB, 1 HCĐ; Bóng rổ 3 x3: 1 HCV; Golf giành 1 HCV, 1 HCĐ… Nhiều môn Olympic vẫn đang tiếp tục thi đấu.
Qua những ngày thi đấu đầu tiên, chúng ta đã phá 4 kỷ lục Đại hội, do công của VĐV Bơi Phạm Thanh Bảo, nội dung 100m ếch (1:00.97), phá kỷ lục cũ (1:01.17) do Bảo lập tại SEA Games 31 và nội dung 200m ếch (2:11.45), phá kỷ lục (2:11.93) do VĐV Singapore lập tại SEA Games 31. Hai kỷ lục nữa được phá ở môn Lặn thuộc nội dung 4x200m nam vòi hơi chân vịt (5:50.03), phá kỷ lục cũ (5:55.20) do đội Việt Nam lập tại SEA Games 31 và nội dung 4x200m nữ vòi hơi chân vịt (6:19.69), phá kỷ lục cũ (6:21.08) do đội Indonesia lập tại SEA Games 31.
Ông Đặng Hà Việt khẳng định các VĐV đang nỗ lực thi đấu hết mình để mang vinh quang về cho Tổ quốc
Tính tới thời điểm này, các môn Asian Games và SEA Games giành được 43 HCV, 37 HCB và 51 HCĐ; các môn đã kết thúc thi đấu và vượt chỉ tiêu gồm Thể dục dụng cụ 4 HCV (vượt 1 HCV), Karatedo 6 HCV (vượt 2 HCV); Wushu 6 HCV (vượt 1 HCV); Kun Khmer 5 HCV (vượt 2 HCV); Kun Bokator 6 HCV (Vượt 4 HCV).
Dự báo về khả năng đoạt huy chương trong những ngày thi đấu còn lại, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt nhận định, chúng ta có thể giành được từ 30 – 40 HCV. Trong đó dự kiến nhóm môn Olympic sẽ giành thêm khoảng 19 HCV ở các môn Taekwondo (2 HCV), Judo (2 HCV), Đấu kiếm (2 HCV), Cử tạ (1 HCV), Bóng bàn (1 HCV), Bóng đá nữ (1 HCV), Bóng đá nam (1 HCV), Vật (9 HCV). Các môn Asian Games và SEA Games sẽ giành được khoảng 15 HCV ở các môn Sport Aerobic (3 HCV), Lặn (4 HCV), Boxing (1 HCV), Arnis (2 HCV), Kick Boxing (3 HCV), Cầu mây (1 HCV), Thuyền truyền thống (1 HCV)…
Trả lời phỏng vấn báo chí về một số môn đã kết thúc nhưng chưa hoàn thành chỉ tiêu huy chương là Điền kinh 12 HCV, 20 HCB, 8 HCĐ ( thiếu 2 HCV), Bơi: 7 HCV, 3 HCB, 7 HCĐ (thiếu 1 HCV); Vovinam 7 HCV, 12 HCB, 1 HCĐ (thiếu 1 HCV), Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cùng hai Phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh và ông Ngô Ích Quân cho biết, so với chỉ tiêu huy chương đã đoạt được tại SEA Games 31 thì các môn này chưa hoàn thành chỉ tiêu huy chương; nhưng đó là kỳ SEA Games, chúng ta gặp khá nhiều thuận lợi do Việt Nam sớm khống chế đại dịch Covid-19 nên có sự chuẩn bị về lực lượng tốt hơn các nước.
Đông đảo phóng viên tham dự họp báo
Bên cạnh đó, do lịch thi đấu năm nay được điều chỉnh liên tục nên VĐV của chúng ta bị mất vàng ở khá nhiều nội dung như ở môn Bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phải tranh chung kết liên tiếp 2 nội dung bơi bướm 200m nam và 400m bơi tự do nam với quãng nghỉ chỉ tầm 10 phút. Khi thi đấu, Hoàng chỉ kịp lên khỏi đường bơi rồi lại vội vàng xuống bơi tiếp nên không thể đủ thể lực đoạt HCV ở 2 nội dung quá sát nhau. Bên cạnh đó các VĐV Việt Nam cũng phải đối mặt với các VĐV nhập tịch của các nước nên chúng ta cũng hụt mất số lượng huy chương đáng kể trong những ngày thi đấu vừa qua.
Hơn nữa, điều kiện thời tiết nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ cao, độ ẩm thấp cũng là yếu tố ảnh hưởng lớn tới thành tích thi đấu của các VĐV và trở thành mối quan tâm hàng đầu của các đoàn thể thao tại SEA Games 32. Năm nay, đỉnh điểm nắng nóng ở Phnom Penh và các tỉnh thành lân cận rơi vào tháng 4, tháng 5. Không ít VĐV tham gia tranh tài tại SEA Games 32 đã gặp vấn đề về sức khoẻ khi phải thi đấu dưới cái nóng như “đốt”.
Toàn cảnh họp báo
Trả lời câu hỏi về chủ trương nhập tịch của thể thao Việt Nam, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành Thể thao là sẽ không nhập tịch các VĐV không có dòng máu Việt Nam. Các VĐV Việt kiều nếu mong muốn được về đóng góp cho quê hương thì thể thao Việt Nam sẵn sàng chào đón, như trường hợp của cặp song sinh Thảo My và Thảo Vy ở môn bóng rổ, có cha mẹ là người Việt. Tuy nhiên, cả 2 sinh ra và lớn lên tại Houston, Texas (Mỹ) nhưng thích ăn món ăn Việt, mong muốn được khoác áo đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu. “Các VĐV Việt kiều cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam”, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh.
THU SÂM; ảnh: QUÝ LƯỢNG (từ Campuchia)
Nguồn: Báo văn hóa Online