CLB bóng đá toàn nữ, tại sao không?
“Sống nhờ” CLB nam
Đội giành chức vô địch giải nhà nghề Anh Women’s Super League (WSL) mùa bóng 2022 – 2023 là Chelsea. Thứ tự tiếp theo là M.U, Arsenal, Man.City. Ở khoảng giữa có Everton, Liverpool, Tottenham. Hai đội cuối bảng là Brighton và Reading (giải này có 12 đội).
Cảm nhận: cứ như đấy là bảng xếp hạng thật sự của giải nam Premier League, trong một mùa bóng bất kỳ nào đó! Vâng, chẳng những tên của các CLB nữ giống hệt bóng đá nam, mà cả mối liên hệ giữa đẳng cấp với tên đội bóng cũng rất tương đồng. Bóng đá Anh có nhóm “big 6” tức 6 CLB giàu mạnh nhất, gồm M.U, Liverpool, Arsenal, Chelsea, Man.City, Tottenham. Đứng liền sau đó là Everton chưa bao giờ vắng mặt ở đẳng cấp ngoại hạng. Nhìn vào bảng xếp hạng chung cuộc của giải WSL mùa bóng vừa qua, chúng ta thấy ngay: 4 đội đầu bảng đều thuộc nhóm “big 6”. Everton, Liverpool và Tottenham đứng thứ 6, 7 và 9.
Nói thật chính xác thì tên các CLB ở giải WSL là Chelsea FC Women, Manchester United Women FC, Arsenal Women FC, Liverpool FC Women… Tóm lại, chỉ cần gắn thêm chữ “women” vào tên của đội bóng nam mà thôi. Tất yếu phải là như vậy, bởi Chelsea FC Women thật ra chỉ là một bộ phận, chi nhánh, hội viên (hoặc điều gì đó tương tự, bạn muốn gọi sao cũng được) của CLB bóng đá Chelsea FC.
Tất cả các đội thuộc WSL mùa bóng vừa qua đều không phải là CLB bóng đá nữ độc lập. Đấy chỉ là bộ phận nữ, vừa được phát triển gần đây, của một CLB bóng đá chuyên nghiệp đã tồn tại sẵn. 11/12 đội thuộc WSL mùa bóng 2022 – 2023 là bộ phận nữ của các đội bóng đang tồn tại ở Ngoại hạng Anh. Chỉ có Reading FC Women là bộ phận nữ của CLB hạng nhì Reading FC. Mùa này, Reading FC Women đứng chót bảng WSL và rớt hạng. Ở giải hạng nhì Championship, đội nam Reading FC cũng vừa rớt xuống hạng ba.
Tóm lại, một CLB nữ nhà nghề chỉ có thể tồn tại nếu đấy là bộ phận nữ của một CLB nam đã hiện diện từ trước? Không những vậy, CLB nam sẵn có, hễ giàu mạnh bao nhiêu, thì bộ phận nữ mà CLB ấy phát triển cũng giàu mạnh bấy nhiêu. Đây là mô hình chung, phổ biến trên khắp châu Âu chứ không chỉ ở quê hương bóng đá. Ở Đức, Bayern Munich và Wolfsburg luôn chia nhau hai vị trí nhất, nhì giải Frauen-Bundesliga suốt từ mùa bóng 2014 – 2015 đến nay. Chút khác biệt so với bóng đá nam: Wolfsburg hơi nhỉnh hơn Bayern ở trận địa nữ. Tại giải Liga F của Tây Ban Nha, Barcelona mạnh đến mức từng có mùa bóng họ vô địch với 30 trận thắng tuyệt đối. Real Madrid tuy yếu hơn nhưng cũng sánh vai với Atletico Madrid trong nhóm 3 CLB mạnh nhất giải này.
Cần một nhà tiên phong
Một CLB bóng đá “toàn nữ”, tức không nương nhờ vào đội bóng nam theo kiểu công ty mẹ – công ty con, tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn dễ thấy. Sẽ phải có nguồn tài trợ từ một nhà đầu tư lớn để duy trì hoạt động, có sân bãi riêng cùng cơ sở vật chất liên quan… Có ngần ấy thứ quan trọng để “chào đời” đã là một trời khó khăn rồi, nói chi tới việc vươn lên tranh hùng ở giải VĐQG hoặc Champions League, với các đối thủ đã có sẵn mọi thứ, do được một CLB giàu mạnh khai sinh.
Chính mô hình tưởng như rất thuận lợi vừa nêu lại đang là một trở lực đáng kể đối với sự phát triển tự nhiên của bóng đá nữ. Ngày xưa, M.U hoặc Bayern Munich đều đâu có giàu mạnh như hiện nay. Tất cả đều phải xuất phát từ những khó khăn, hạn hẹp của loại hình bóng đá phong trào, tự phát, rồi trải qua bao thăng trầm mới phát triển mạnh mẽ. Thử hình dung: nếu có một CLB bóng đá nữ “tự lực cánh sinh”, vượt qua được những khó khăn ban đầu để phát triển (thay vì dựa vào một CLB nam sẵn có), thì vài chục năm nữa, khả năng cao là CLB ấy sẽ có chỗ đứng riêng, sẽ trở thành “thương hiệu lớn” buộc giới tài trợ phải quan tâm. Lịch sử rất riêng của một CLB như thế sẽ thu hút bao nhiêu thế hệ CĐV sau này. Ai đó sẽ đi tiên phong, để làng bóng châu Âu có một CLB “toàn nữ”, phát triển độc lập và vươn lên đỉnh cao? Dick Kerr’s Ladies – CLB bóng đá nữ từng vang danh ở Anh hơn trăm năm trước – vừa là nguồn cảm hứng, vừa là thách thức đối với làng bóng nữ chuyên nghiệp, hiện đại.
Ở Mỹ, cường quốc số 1 thế giới hiện nay về bóng đá nữ, không phải CLB nữ nào cũng theo mô hình châu Âu. Chỉ có 6 CLB thuộc giải nhà nghề NWSL có cùng chủ sở hữu với một CLB nam thuộc giải MLS (giải nữ NWSL có 12 đội). Các CLB toàn nữ ở giải NWSL nhìn chung đều đang phát triển ổn thỏa. Ở châu Âu, các CLB nữ như Barcelona hoặc Lyon đã chứng tỏ qua lượng khán giả luôn đông đảo: họ đủ sức “ra riêng”. Dám lao vào không, hỡi các nhà đầu tư bóng đá? (còn tiếp)
Nguồn: Báo Thanh Niên