Các nhà vô địch bóng đá nữ liên tục bị cợt nhả, quấy rối trên mạng xã hội
Sau khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam lập kỳ tích khẳng định bản lĩnh phái đẹp, nhiều người không khỏi bức xúc về những người buông lời sàm sỡ, suồng sã, cợt nhả, những bình phẩm mang tính chất quấy rối tình dục với các nhà vô địch nữ trên mạng xã hội
Cộng đồng mạng đang liên tục chia sẻ lại trạng thái của một người đàn ông: “Ước gì anh Ba được một lần trực tiếp hôn lên lá cờ trên áo thi đấu của các em để tỏ lòng ngưỡng mộ”, đi kèm đó là hình ảnh các cầu thủ nữ. Đây là lời nói mang ý sàm sỡ, cợt nhả đối với các nhà vô địch nữ.
Tệ hại hơn, đáp lại bình luận này là hàng loạt phản hồi cợt nhả, sàm sỡ nối dài. Có người trả lời: “Anh Ba muốn hôn số mấy? 19 hay 5 hay 11 hay 4?” cùng bức ảnh các cô gái bị cắt cúp, chỉ nhắm vào phần ngực của các cô gái.
Nhiều bình luận khác như “khôn thế”, “muốn được khôn như anh”, “hôn xong đem áo về ngâm rượu”…. đang gây phản ứng. Đó là còn chưa kể đến những bình phẩm dị hợm, thô thiển như “giá như các cầu thủ nữ nhà mình cởi áo ra ăn mừng thì còn… đẹp nữa”.
Bài viết cùng các bình luận trên thổi bùng bức xúc vì việc nhiều người thản nhiên sàm sỡ, quấy rối các nhà vô địch nữ qua lời nói trên mạng xã hội. Họ đùa vui, cợt nhả về cơ thể của người phụ nữ, hàm ý chuyện tình dục khi nói về người khác…
Đáng chú ý, không chỉ đàn ông mà không ít phụ nữ cũng thể hiện sự ủng hộ, cổ vũ việc này, xem như chuyện bình thường, chuyện để cười cợt, mua vui.
Đọc bài viết và những bình luận trên, anh Nguyễn Hoàng Nam, một nhân viên văn phòng ở Hà Nội cho rằng, đó là tư tưởng “dâm tặc”, bệnh hoạn đối với phụ nữ.
Theo anh Nam, tư duy, định kiến với phụ nữ qua nhiều thế hệ vẫn chậm thay đổi vì đặc trưng văn hóa, vì, dân trí chưa cao, giáo dục chưa dành đủ sự quan tâm, định hướng… Tệ hại hơn, nhiều người biết thế là sai mà vẫn lan truyền tư tưởng lệch chuẩn.
“Với tư tưởng này đừng hỏi vì sao đàn ông lại ế vợ, vì sao phụ nữ ngày càng không muốn kết hôn. Nhiều người làm chồng, làm cha không chú trọng dạy con cách tôn trọng phụ nữ, tôn trọng chính giới tính của mẹ mình, bà mình, dạy con không xâm phạm thân thể những người phụ nữ mang vinh quang về cho đất nước và với tất cả mọi phụ nữ nói chung dù bất cứ cách thức nào”, anh Nam nêu quan điểm.
Sau khi bị cộng đồng phản ứng, chủ tài khoản với bài viết “tình dục hóa” các nhà vô địch nữ nói trên đã khóa bài.
Xâu chuỗi các biểu hiện, có thể thấy không chỉ các nữ tuyển thủ bóng đá, nhiều nhà vô địch, vận động viên nữ khác tại SEA Games liên tục bị buông lời sàm sỡ, đùa cợt, bình luận tục tĩu trên mạng xã hội. Có những người, kể cả người được xem là thuộc giới trí thức đưa ảnh các vận động viên nữ lên cùng nhiều bình phẩm, chê bai xấu đẹp về hình thức cùng các từ ngữ vật hóa người nữ như “phục em này nhưng khoái em kia”, “em này ngon hơn”, “đánh chén”, “xơi anh không em”, “nhìn em chỉ muốn ăn tiết canh dê”…
Những bình phẩm, hàm ý trên có thể thấy nhan nhản khi nhắc đến phụ nữ. Giữa thời hiện đại, những suy nghĩ kiểu “làm gái cho người ta trêu” với sự hỗ trợ đắc lực của công nghệ, mạng xã hội dường như càng được thể hiện một cách tràn lan, thản nhiên, bất chấp…
Trước những bức xúc nổi lên qua sự việc này, TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) cho biết, bà không trực tiếp đọc, xem những bình luận quấy rối đối với các nữ vô địch chia sẻ trên mạng xã hội nhưng lâu nay đã tận thấy không ít bình luận về thân thể, tính nữ/nam của các vận động viên.
“Tôi thấy xấu hổ thay cho những người buông ra những lời bình phẩm suồng sã, “dê xồm” hoặc chê bai thô tục về người khác. Sự thô bỉ, phải nói là ngày càng quá đáng nhưng còn ít được lên tiếng phản đối một cách chính thức”, bà Hồng bày tỏ.
Ông Nguyễn Thanh Bình, chuyên gia phát triển cộng đồng tại TPHCM nhấn mạnh, nhiều người cho rằng quấy rối tình dục là phải tiếp xúc, va chạm nhưng có một dạng quấy rối khác rất phổ biến là quấy rối tình dục bằng lời nói, bằng ngôn ngữ cơ thể.
Theo ông Bình, việc quấy rối tình dục phụ nữ qua lời nói thực tế diễn ra khắp mọi nơi trong đời sống hàng ngày chứ không chỉ trên mạng xã hội. Nhiều người thường xuyên đem chuyện khen chê thân thể, bình phẩm, hàm ý chuyện tình dục, chăn gối… của phụ nữ ra để làm quà mua vui, cười cợt. Điều này phản ánh tư duy cổ hủ, xem thường và “vật hóa” tệ hại đối với phụ nữ.
Nguồn: Báo Dân Trí