Bóng đá Trung Quốc: Từ thiên đường lương bổng cho đến SVĐ bị bỏ hoang
Giấc mơ bóng đá của Trung Quốc được khởi đầu bằng một kế hoạch đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, người nuôi mộng biến đất nước tỷ dân trở thành siêu cường bóng đá vào năm 2050.
Ông muốn đội tuyển Trung Quốc gia dự World Cup, đăng cai World Cup và lọt vào top 20 đội tuyển hàng đầu thế giới theo BXH FIFA. Riêng Bắc Kinh cũng đã lên kế hoạch xây dựng 50.000 trường bóng đá chuyên nghiệp trong 7 năm tới và và thu hút 50 triệu học sinh đến sân để tạo ra thế hệ cầu thủ bóng đá kế cận.
Chinese Super League (giải VĐQG Trung Quốc) trở thành một nơi cụ thể hóa cho tham vọng của người Trung Quốc. Họ vung một con số khổng lồ lên tới 320 triệu bảng, bao gồm cả 60 triệu bảng để mang tiền vệ Oscar của Chelsea về Shanghai Port vào mùa giải 2016/17.
“Vào thời điểm đó, bản hợp đồng của Oscar là giấc mơ của nhiều cầu thủ bóng đá và người đại diện,” người đại diện Charles Cardoso nói với The Sun.
“Mọi người đều tin rằng Trung Quốc là nơi tuyệt vời. Có một sự điên cuồng khó tin trên thị trường chuyển nhượng. Mọi người đều muốn đẩy cầu thủ của họ đến đó vì thu nhập được đảm bảo.”
Trước Oscar, Shanghai Shenhua cũng đã tạo ra một cơn địa chấn khi chiêu mộ tiền đạo Carlos Tevez từ Juventus và trả mức lương hơn 600 ngàn bảng/tuần.
Tuy nhiên, sự phát triển “nóng” đó đã khiến mọi thứ trở nên khó kiểm soát. “Mọi người đều nghĩ đó sẽ là một mỏ vàng, nhưng họ đã lên kế hoạch không tốt,” Cardoso nói. “Họ đã lên kế hoạch cho những điều phi lý, nhưng thực tế thì họ không có khả năng quản lý tất cả.”
Sau gần một thập kỷ, giấc mơ vươn tầm thế giới của bóng đá Trung Quốc vẫn đang dang dở. Covid-19 cùng nhiều biến số khác đã xóa sổ nhiều CLB lớn của quốc gia này, trong đó có Guangzhou Evergrande. SVĐ của đội bóng này giờ đã bị phá dở, còn bản thân CLB thì gánh khoản nợ 240 tỷ bảng và hoàn toàn không có khả năng chi trả.
Câu chuyên phá sản của hàng loạt CLB đẩy những ngoại binh ở đây vào những tình thế “dở khóc dở cười”. Renato Augusto, Fernando Martins bị chấm dứt hợp đồng và phàn nàn với FIFA về những khoản tiền không được thanh toán. Đồng hương người Brazil, Miranda của họ đã mất trắng 7,5 triệu bảng khi câu lạc bộ Trung Quốc, Suning bị phá sản.
Cardoso mô tả sự trỗi dậy nhanh chóng của Trung Quốc trong lĩnh vực bóng đá là “vội vàng”. “Bóng đá ở Trung Quốc bắt đầu nhận được nhiều đầu tư, nhưng sau một mùa giải, nó dừng lại do thiếu tầm nhìn,” người đại diện này đánh giá.
Tiến sĩ Rob Wilson, một chuyên gia tài chính bóng đá tại Đại học Sheffield Hallam, nói với Sportsmail rằng: “Trung Quốc đang cố mua 150 năm lịch sử.”
Thực tế chứng minh, tham vọng của Trung Quốc không dễ gì thực hiện được chỉ trong một sớm một chiều. Đây cũng là một vết xe đổ mà Ả Rập Saudi cần nhìn vào để tránh, khi dường như họ cũng đang có động thái giống Trung Quốc 10 năm về trước.
Nguồn: Tin Thể Thao