Bóng đá miền Nam bao giờ hết vòng luẩn quẩn?

TẮT ÁNH HÀO QUANG

Trong kỷ nguyên V-League, thành tích của CLB Bình Dương đang dẫn đầu với 4 chức vô địch V-League, 3 Cúp quốc gia, 4 Siêu cúp VN cùng hàng loạt huy chương khác. Có thời bóng đá miền Bắc và miền Trung nể trọng, nhắm “Chelsea VN” làm đích đến bởi hầu bao dồi dào, và quan trọng hơn là cách chơi đúng chất “anh Hai Sài Gòn” – như lời cố HLV Lê Thụy Hải mô tả.

Nhìn rộng ra, những cái tên như HAGL, Đồng Tâm Long An, Cảng Sài Gòn… cũng từng đứng trên đỉnh cao với những chức vô địch quốc gia. Trong 22 mùa từ khi bóng đá VN chuyển sang chuyên nghiệp, các đội bóng miền Nam đã có 9 lần đăng quang. Nhưng kể từ sau mùa 2015, bảng thành tích đã dời ra miền Trung và đến lúc này trở thành cuộc chơi của riêng các CLB miền Bắc.

CLB TP.HCM (trái) luôn phải trong tình thế đua trụ hạng V-League ở những năm gần đây

Từ chỗ thống trị bóng đá trong nước với 7 chức vô địch liên tiếp từ mùa 2001 – 2002 đến 2008 (với các nhà vô địch là Cảng Sài Gòn, HAGL, Đồng Tâm Long An, Bình Dương), bóng đá miền Nam đã tụt hậu rất nhiều. Cựu vương Long An nhiều năm lặng lẽ ở giải hạng nhất, Đồng Tháp còn “lặn” kỹ hơn ở hạng nhì. An Giang thậm chí bán cả sân vận động. Kiên Giang, Cần Thơ thay nhau bỏ giải…

TP.HCM từng tự hào có nhiều đội mạnh hàng đầu giải VĐQG nhưng thực ra nhiều năm liền chìm sâu khi Navibank Sài Gòn, Sài Gòn Xuân Thành hay CLB Sài Gòn được mua từ Hà Nội vào đã bị giải thể, thành phố chỉ còn 1 đại diện là CLB TP.HCM. Nhưng ngoài mùa 2019 đoạt ngôi á quân, còn lại CLB TP.HCM chủ yếu vật lộn với cuộc đua trụ hạng V-League.

TIỀN VÀ CÁCH DÙNG TIỀN

Nếu các tỉnh miền Tây không thu hút được những doanh nghiệp đủ lớn để tài trợ cho bóng đá còn có thể hiểu được, thì việc đầu tàu kinh tế cả nước như TP.HCM trồi sụt không ngớt là nghịch lý đáng suy ngẫm.

Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương chia sẻ: “Chơi bóng đá chuyên nghiệp trước hết phải có tiền, nhưng mô hình bóng đá phù hợp với đặc tính địa phương rất quan trọng. Tôi cho rằng vai trò của Nhà nước là cực kỳ quan trọng để tìm ra mô hình phù hợp với bóng đá chuyên nghiệp. Một mình CLB khó đủ lực để chơi bóng đá tại VN, trong khi đội bóng mang tên địa phương sẽ có ý nghĩa biểu tượng chung chứ không của riêng doanh nghiệp nào.

Xã hội hóa bóng đá không phải là muốn làm gì thì làm. Đi xem cách người Tây Ban Nha, Đức, và nhất là Nhật Bản, làm bóng đá, tôi thấy chính quyền và CLB có sự hợp tác khắng khít để phát triển đồng bộ bóng đá địa phương đó. Địa phương sẽ phát triển cơ sở vật chất, phát triển nguồn nhân lực, mở các giải bóng đá học đường, đào tạo trẻ… CLB sẽ hỗ trợ chuyên môn, cử các ngôi sao giao lưu nuôi dưỡng niềm đam mê cho học sinh. Khi cầu thủ trẻ đạt 16 tuổi sẽ được CLB tuyển chọn, ký hợp đồng đào tạo để thành nguồn lực kế thừa cho CLB, cũng là xây dựng hình ảnh thương hiệu địa phương, qua bóng đá giáo dục các thế hệ trẻ thành công dân tốt.

Nhìn từ đây rõ ràng bóng đá TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai… có tiền nhưng đầu tư vận hành không hiệu quả. Nhiều khi CLB dựa vào tiềm lực kinh tế để tự làm theo kiểu của họ, không hợp tác với chính quyền và ngược lại chính quyền thiếu người có chuyên môn hỗ trợ CLB. Nhìn riêng vòng tròn luẩn quẩn ở CLB TP.HCM các năm qua, chúng ta thấy rõ thành phố đang thiếu nhà quản trị bóng đá có tâm, có tầm”.

Nguồn: Báo Thanh Niên

Đánh giá bài viết