Bóng đá đỉnh cao phải đủ nếp đủ tẻ

Đội nữ Barca thành công chẳng kém đội nam – Ảnh: Reuters

Đội bóng đá nữ của Barca liên tiếp vô địch quốc nội lẫn Champions League, đó là kết tinh từ nhiều thập niên xây dựng đội bóng với tiêu chí “đủ nếp đủ tẻ” của Barca.

Lịch sử hình thành đội bóng đá nữ của Barca

Barcelona Femeni được thành lập năm 1970, với hai người phát động là cựu chủ tịch Barca Agustí Montal Costa cùng với nữ cầu thủ Cabeceran Soler. Qua ông Costa, đội nữ Barca (khi đó có tên Selección Ciudad de Barcelona) nhận được một số hỗ trợ từ đội bóng nam Barca. Đến năm 1980, họ chính thức trở thành một phần của Barca lừng danh và mang tên Barcelona Femeni. Đội bóng được quyền sử dụng màu sắc, huy hiệu và một phần cơ sở vật chất của CLB Barca.

Barca là một trong những đội bóng đầu tiên của châu Âu thực hiện chính sách phát triển song song bóng đá nam và nữ. Và để tìm hiểu về quan điểm đặc biệt này, chúng ta cần truy ngược trở lại nhiều thập niên trước đó để nhận thấy những câu chuyện rất quen thuộc, chẳng khác là bao so với Việt Nam.

Bóng đá nữ ra đời trong khoảng năm 1915 – 1919 ở Anh, khi Liên đoàn Bóng đá (FA) tạm đình chỉ các trận đấu vì Thế chiến I. Do mọi người cần giải trí và các hoạt động vui chơi nên tại các khu công nghiệp nữ, các đội bóng được thành lập. Năm 1920, một trận đấu bóng đá nữ diễn ra trong ngày Lễ Tặng quà ở sân Goodison Park (ngày nay là sân nhà của CLB Everton) thu hút 53.000 khán giả vào sân cùng hơn 10.000 người đứng bên ngoài cổng.

Nhưng phát triển chưa lâu, bóng đá nữ bắt đầu chịu những làn sóng chỉ trích. Nhiều tổ chức xã hội cho rằng các trận bóng đá nữ tạo ra hình ảnh phản cảm. Ngay cả phái nam (đối tượng khán giả chủ yếu) đến sân theo dõi với mục đích cũng không hẳn là lành mạnh. Và năm 1921, FA cấm bóng đá nữ.

Bình đẳng nam nữ là tiêu chuẩn

Nhưng lệnh cấm không giết chết phong trào bóng đá nữ. Các cô gái đã chuyển từ sân đấu sang những khu vực nhỏ hẹp hơn. Cứ thế, bóng đá nữ lặng lẽ phát triển và sau 5 thập niên bắt đầu nhận được sự quan tâm từ FIFA và các CLB lớn. Khi những luồng tư duy bảo thủ dần rơi vào dĩ vãng, người phương Tây ngày càng tranh đấu cho quyền bình đẳng nam nữ.

Và những CLB có tư duy mới mẻ như Barca rất được ủng hộ. Dần dà, làng bóng đá bắt đầu nhìn nhận tiêu chuẩn của một CLB hàng đầu là phải phát triển cả bóng đá nữ.

Không hoàn toàn tương đồng, nhưng đại khái, bức tranh của làng bóng đá nữ châu Âu ngày nay cũng tương đồng với bóng đá nam. Ở Champions League nữ, các đội bóng hàng đầu như Lyon, Barca, Wolfsburg và Chelsea cũng đều là những gương mặt có “số má” của bóng đá nam. Còn ở Women’s Super League – giải đấu tương đồng với Premier League, Chelsea, Arsenal và Liverpool cũng vào dạng mạnh bậc nhất giải.

Nói chung, một đội bóng nam hùng mạnh sẽ có nguồn tài lực dồi dào, có cơ sở vật chất hiện đại và hoàn toàn không khó để họ phát triển bóng đá nữ. Đó là chưa kể đến lượng CĐV của đội bóng, nếu đã trung thành cũng sẽ không phân biệt nam nữ.

Đội bóng nữ có sân đấu riêng, nhưng thường chỉ có vài ngàn chỗ ngồi. Nhưng mỗi mùa giải, một số trận đấu lớn sẽ được diễn ra trên sân vận động chính của cả đội. 3 năm trước, trận đấu giữa Barca và Atletico diễn ra trên sân chính Wanda Metropolitano lập kỷ lục về lượng khán giả với hơn 60.000 người đến sân.

Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Đánh giá bài viết