Bạo lực sân cỏ ở bóng đá trẻ và lời cảnh báo đanh thép
Bạo lực sân cỏ ở bóng đá trẻ…
Trong xu hướng phát triển của môn thể thao vua tại Việt Nam, bóng đá trẻ đóng vai trò quan trọng. Đó là nơi để các măng non được cọ sát, trui rèn bản lĩnh thi đấu và cũng giúp các nhà tuyển trạch phát hiện ra những ngôi sao tương lai cho nước nhà. Thế nhưng, thay vì được xem những trận đấu cống hiến, đúng bản chất không toan tính của các cầu thủ, NHM lại cảm thấy xót xa khi chứng kiến tệ nạn bạo lực sân cỏ đang xảy ra nhiều hơn ở các lứa U.
Mới đây thôi, tại VCK U19 Quốc gia đã xảy ra một sự việc đáng buồn. Phút 76 màn đọ sức giữa U19 Tây Ninh và U19 Đà Nẵng, trong một pha trả đũa, Mai Quốc Tú bên phía đại diện miền Trung đã đạp thẳng vào người Minh Hy của đội chủ nhà. Hành vi mang tính bạo lực nghiêm trọng khiến cầu thủ này bị đuổi khỏi sân và rất có thể sẽ nhận thêm án phạt nguội từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Đây không phải là lần đầu tiên những hành vi bạo lực xảy ra trên các sân cỏ của bóng đá trẻ Việt Nam. Còn nhớ, ở trận đấu vòng bảng giải U17 QG cách đây không lâu giữa U17 Viettel và U17 PVF, những cái đầu nóng với nhiều tình huống nguy hiểm đã dẫn đến xô xát và suýt nữa dẫn đến vỡ trận. Đến vòng tứ kết, cầu thủ U17 Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã có màn ăn mừng thái quá khiến đối thủ U17 Huế phải nóng mắt. Đây chính là các ví dụ điển hình cho nạn bạo lực sân cỏ đang làm mất đi giá trị cao đẹp của bóng đá trẻ tại dải đất hình chữ S.
… và lời cảnh báo đanh thép
Những hành vi không đẹp ở các giải trẻ sẽ gây ra hệ lụy khôn lường cho chính bản thân cầu thủ, các đội bóng và cả nền bóng đá Việt Nam. Đầu tiên, các cầu thủ có hành vi thô bạo sẽ nhận án phạt đích đáng và mất đi cơ hội thi đấu, cọ xát và chứng tỏ bản thân. Hơn hết, nó sẽ ảnh hưởng lớn đến tâm lý và hành trang tương lai của chính họ. Các pha bóng triệt hạ sẽ có thể gây ra những chấn thương đáng tiếc và xa hơn là cướp đi cả sự nghiệp thi đấu cho chính đồng nghiệp.
Những hành vi tiểu xảo, bạo lực xuất hiện quá nhiều ở các giải trẻ nếu không được uốn nắn thì dần dần sẽ trở thành thói quen xấu khi các cầu thủ trưởng thành hơn trong tương lai. Bởi lẽ, bóng đá là môn thể thao tôn vinh những giá trị cao đẹp và không cổ xúy cho những tình huống chơi xấu, triệt hạ đối phương. Với những măng non, ngoài việc chơi bóng, họ cần phải học làm người. Bởi vậy, hành vi bạo lực có thể sẽ tạo ra cầu thủ với cốt cách xấu, gây ảnh hưởng đến bộ mặt của thể thao nói chung.
Nói đến đây, rõ ràng vai trò của các CLB, HLV, những người thầy lại là dấu hỏi lớn. Trên thực tế, trong thời gian qua, đã có rất nhiều phản ứng thái quá, xô xát xảy ra bởi chính các bộ phận này. Họ đang góp phần cổ xúy cho bạo lực, làm hư các cầu thủ trẻ do chính mình đào tạo. Đây sẽ là câu chuyện đáng để suy ngẫm.
Hơn hết, chứng kiến các hình ảnh không đẹp ở các giải trẻ, NHM lại thêm một lần nữa ngao ngán và mất lòng tin khi nghĩ về bức tranh chung của bóng đá Việt Nam vốn đã không sáng sủa trong suốt một thời gian dài. Đã đến lúc, những người làm bóng đá cần rút ra bài học để có định hướng làm trong sạch môn thể thao vua tại dải đất hình chữ S.
Nguồn: Tin Thể Thao