Dortmund và câu chuyện buồn của làng bóng đá
Hơn một năm trước, giám đốc điều hành Hans-Joachim Watzke của Dortmund tuyên bố rằng “100% tự tin đội bóng sẽ tìm được người thay thế Haaland”.
Ông Watzke không nói suông. Phân nửa số tiền bán Haaland được dùng để mua Sebastian Haller – chân sút số một của Ajax, và nửa còn lại được đầu tư cho tiền đạo 20 tuổi Adeyemi.
Những tưởng cú tái đầu tư đó đã cực kỳ mỹ mãn, khi Adeyemi và Haller đều đóng những cột mốc quan trọng trong hành trình tiến gần đĩa bạc của Dortmund.
Ở hai vòng đấu 30 và 31, Adeyemi ghi 3 bàn, góp 1 kiến tạo. Còn Haller tung cú nước rút ngoạn mục ở các vòng 31, 32, 33 với 5 bàn thắng mang về trọn vẹn 9 điểm cho Dortmund.
Nếu đội bóng vùng Ruhr thực sự phế truất được ách thống trị của Bayern, thế giới sẽ ngả mũ trước con mắt nhìn người của Watzke và HLV Edin Terzic.
Nhưng rồi ở vòng đấu chung cuộc, cả Haller cùng Adeyemi đều gây thất vọng não nề. Haller sút hỏng quả phạt đền, đệm bóng ra ngoài khó tin ở cự ly chỉ tầm… 1m. Còn Adeyemi chơi tệ đến mức bị thay ra ở phút 40. Người vào thay anh là lão tướng Marco Reus.
Sau trận đấu, hình ảnh Reus ôm mặt khóc khiến cả thế giới bóng đá phải thổn thức. Đến Dortmund từ mùa hè năm 2012, Reus chính là người cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn nhất sự thống trị của Bayern Munich (Bayern đã vô địch suốt từ đó cho đến nay, 11 danh hiệu liên tiếp). Trong đó có đến 7 lần Dortmund của Reus xếp hạng nhì.
Rất nhiều ngôi sao của đội bóng áo vàng – đen đã đến và rời sân Signal Iduna Park một thập niên qua, từ Gotze, Lewandowski, Mkhitaryan, Gundogan cho đến lứa trẻ như Aubameyang, Dembele, Pulisic, Haaland, Sancho…
Chỉ mình Reus là còn sót lại trong dàn công thần ngày nào do HLV Jurgen Klopp dựng nên (trừ Hummels, người đã ra đi và trở lại Dortmund).
Làng bóng đá ca ngợi sự trung thành của anh, nhưng cũng phải thừa nhận một sự thật. Reus gắn bó lâu dài với Dortmund một phần vì cứ hễ đến mùa chuyển nhượng là anh lại… chấn thương. Các đội bóng lớn vì vậy cũng không mấy mặn mà với Reus.
Còn lại, tất cả những ngôi sao mà các CLB lớn quan tâm, Dortmund đều sẵn sàng bán đi. Suốt 11 năm mà Bayern thống trị Bundesliga, Dortmund chi ra 867 triệu euro mua cầu thủ, nhưng thu về đến 957 triệu euro từ chiều bán.
Tức trong 11 năm qua, họ thực tế chẳng hề đầu tư cho công tác chuyển nhượng, thậm chí còn thu một phần lời đáng kể. Ngược lại, Bayern bỏ ra 887 triệu euro mua cầu thủ nhưng chỉ thu 473 triệu euro theo chiều bán, tức họ đầu tư hơn 400 triệu euro cho chuyển nhượng.
Đầu tư khác hẳn nhau như vậy, thật khó trách khi Bayern luôn dễ dàng lấn lướt Dortmund – được xem là đội bóng mạnh thứ 2 của Bundesliga.
8 năm trước, HLV Jurgen Klopp đã ngậm đắng nuốt cay rời khỏi Dortmund khi nhận ra không thể nào phá vỡ ách thống trị của Bayern mà không thể dùng đến tiền.
Nếu Dortmund còn Haaland, liệu họ có bỏ lỡ một cơ hội tốt đến vậy, khi chỉ cần thắng Mainz là vô địch? Có lẽ là không.
Tất nhiên, nếu còn Haaland, Dortmund chưa chắc đã có thể duy trì tính đoàn kết và quyết tâm trong đội bóng. Nhưng trong một số thời khắc quyết định, người ta phải thông cảm cho HLV Terzic vì những gì mà ông có trong tay. Khi Dortmund bế tắc trước Mainz, HLV Terzic buộc lòng phải tung vào sân những chú nhóc 17 – 18 tuổi như Moukoko hay Duranville.
Mùa hè này, Dortmund có lẽ sẽ buộc phải bán Bellingham, như cách mà họ đã bán Haaland hay Dembele. Và rồi Moukoko cùng Duranville sẽ lại tiến bộ thần tốc để khỏa lấp vai trò của những đàn anh. Nhưng câu chuyện mãi mãi chỉ là một vòng luẩn quẩn như vậy.
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ