Phòng tránh 7 chấn thương thường gặp khi chơi thể thao

Các chấn thương thể thao thường xảy ra do khởi động không đủ trước khi hoạt động; không sử dụng đồ bảo hộ thích hợp; tư thế thực hiện động tác không chuẩn hoặc do gắng sức quá mức. Vận động viên chuyên nghiệp, nghiệp dư hay người tập thể thao thông thường đều có khả năng bị thương. Dưới đây là những chấn thương dễ xảy ra và cách phòng tránh.

Chấn thương đầu gối

Đầu gối là vị trí dễ bị chấn thương nhất vì khớp tại đây chịu nhiều áp lực và bị mài mòn trong hầu hết hoạt động thể thao. Các chấn thương đầu gối phổ biến gồm: rách sụn chêm, gãy xương và đứt dây chằng chéo trước (ACL). Chấn thương đầu gối rất đau đớn và làm mất khả năng hoạt động. Người bệnh có thể cần phẫu thuật nếu bị nặng. Để giảm thiểu nguy cơ, các vận động viên, người chơi thể thao cần khởi động cẩn thận, thực hiện động tác kéo giãn cơ và đeo nệm bảo vệ thích hợp trước khi vận động.

Căng cơ

Cơ được nối với xương bằng các sợi mô liên kết hay còn gọi là gân. Những mô này sẽ bị đau, co cứng, sưng tấy hoặc khó di chuyển nếu bị kéo căng hoặc xoắn. Hầu hết hoạt động thể thao đều liên quan đến các cơ và gân khác nhau, do đó, tình trạng căng cơ là một trong những chấn thương thường gặp và đa phần không quá nghiêm trọng, có thể mau chóng phục hồi nhưng nếu cảm thấy khó chịu, bạn nên tới gặp bác sĩ.

Chấn thương đầu gối là tình trạng rất dễ gặp khi chơi thể thao. Ảnh: 7Dimensions

Bong gân

Dây chằng là một mô giữ các xương lại với nhau tại khớp. Khi dây chằng bị căng hoặc rách sẽ gây bong gân. Trái ngược với căng cơ, bong gân gây đau dữ dội hơn và cần nhiều thời gian để chữa lành. Trong một số trường hợp, người bệnh phải nằm bất động.

Theo các bác sĩ, bong gân mắt cá chân là loại phổ biến nhất, trong đó, ba dây chằng bên ngoài mắt cá chân bị rách hoặc giãn do chuyển động không tự nhiên. Nếu chỉ là bong gân nhẹ, không cần can thiệp y tế ngay lập tức nhưng với tình trạng nghiêm trọng hơn, bạn cần phải làm phẫu thuật nối dây chằng bị tổn thương. Bong gân thường xảy ra với các môn thể thao đòi hỏi phải xoay người nhanh.

Hội chứng khuỷu tay tennis

Tình trạng này xảy ra khi các gân ở cẳng tay bị căng do hoạt động lặp đi lặp lại ở cổ tay hoặc cánh tay với một số môn thể thao như: quần vợt, golf… Cơ có thể bị căng quá mức và dẫn đến những vết rách nhỏ ở gân.

Những người làm công việc đòi hỏi phải lao động tích cực bằng tay, thực hiện lặp đi lặp lại các động tác cũng dễ bị hội chứng khuỷu tay tennis. Thực hiện các bài tập kéo giãn và nghỉ ngơi thường xuyên giữa mỗi động tác là cách tốt nhất để tránh mắc hội chứng này.

Hội chứng chóp xoay

Khớp vai gồm chỏm không cố định và ổ khớp di chuyển, được điều khiển bởi một nhóm nhỏ gồm bốn cơ (cơ dưới vai, cơ trên mỏm gai, cơ dưới mỏm gai và cơ tròn nhỏ) được gọi là chóp xoay. Các cơ này giúp ổn định và kiểm soát vận động vai trên xương bả vai.

Hội chứng chóp xoay là chấn thương vai phổ biến, dễ xảy ra với các môn thể thao yêu cầu chuyển động lặp đi lặp lại như: bơi lội, quần vợt hoặc bóng chày. Những triệu chứng phổ biến gồm: sưng vai, đau khi đưa tay ra sau lưng và khó chịu khi giơ cánh tay lên.

Chấn thương lưng

Chấn thương lưng thường xảy ra ở các vận động viên và những người tập thể dục liên tục bởi lưng phải chịu áp lực đáng kể từ hoạt động thể chất. Tình trạng viêm tích tụ xung quanh cơ lưng và đốt sống gây chấn thương, gây hại cho đĩa đệm ở lưng trên và lưng dưới.

Hầu hết chấn thương lưng nghiêm trọng có thể hồi phục trong vòng chưa đầy ba tháng nhưng những trường hợp nặng cần phải phẫu thuật và thời gian lành thương cũng kéo dài.

Đau xương cẳng chân

Khi cơ, gân và các mô khác gần xương ống chân hoặc xương chày bị viêm sẽ dẫn tới đau xương cẳng chân. Tình trạng viêm này xảy ra do các chuyển động có tác động mạnh như: chạy nước rút, nhảy, dừng và bắt đầu đột ngột cũng như các chấn thương lặp đi lặp lại. Nhiều vận động viên, cầu thủ bóng đá và bóng rổ gặp phải chấn thương này.

Đau, cứng khớp là những dấu hiệu nổi bật nhất. Đau xương cẳng chân có thể được điều trị bằng cách kéo giãn và nghỉ ngơi thích hợp. Bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ nếu cảm giác khó chịu kéo dài một vài ngày và không thuyên giảm khi chườm đá hoặc sử dụng thuốc giảm đau.

Chấn thương khi chơi thể hoàn toàn có thể giảm thiểu bằng cách mang đồ bảo hộ như: miếng nệm bảo vệ ống chân, mũ bảo hiểm…; giãn cơ và khởi động trước khi vận động; thực hiện đúng kỹ thuật khi chơi thể thao; tập các bài tập tăng tính linh hoạt và sức mạnh cơ bắp. Nếu gặp chấn thương, bạn cần dừng cuộc chơi và tới gặp bác sĩ khi thấy cơn đau dai dẳng, tăng nặng hơn. Người chơi thể thao cũng cần cung cấp đủ nước cho cơ thể sau mỗi lần vận động.

Hải My (Theo 7Dimensions, Med Star Health)

Nguồn: VnExpress

Đánh giá bài viết