Ký sự SEA Games 32: Những người hùng thể thao Việt Nam
1. Chiều 14/5 là khoảnh khắc mà Lý Hồng Phúc khó quên trong sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp, khi anh tạo nên cột mốc đặc biệt cho cá nhân cũng như đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.
Trong trận chung kết taekwondo hạng cân 74 kg, Phúc xuất sắc đánh bại đối thủ Jack Woody Mercer của Thái Lan 2-1 để giành chiếc HCV.
Một năm trước, trên sân nhà (nhà thi đấu Tây Hồ, Hà Nội), Phúc thi đấu rất hay nhưng thua đối thủ Thái Lan trong trận chung kết và ngậm ngùi nhận HCB.
Lần này, Lý Hồng Phúc đánh bại niềm hy vọng vàng của Thái Lan là Jack Woody để bước lên bục chiến thắng.
Jack được đào tạo riêng với chuyên gia Hàn Quốc. Võ sĩ Thái Lan có chiều cao và sải chân tốt hơn, nhưng Phúc vẫn thắng áp đảo nhờ những đòn đánh đẹp và hiệu quả.
Đây mới là HCV đầu tiên của đội taekwondo Việt Nam ở các nội dung đối kháng tại SEA Games 32.
Giá trị từ chiến thắng của Phúc càng đặc biệt hơn, khi anh trở thành VĐV mang về chiếc HCV thứ 100 cho đoàn thể thao Việt Nam trong cuộc hành trình trên đất Campuchia.
Lịch sử được viết trang mới: lần thứ hai liên tiếp Việt Nam cán mốc 100 HCV ở Đại hội Thể thao Đông Nam Á. Năm ngoái, trên sân nhà, chúng ta có 205 HCV.
Đây cũng là kỳ SEA Games đầu tiên nơi đất khách mà thể thao Việt Nam chinh phục cột mốc 100 HCV.
2. Cho đến thời điểm này, thành tích của đoàn Việt Nam tiếp tục tăng lên để củng cố chắc chắn ngôi đầu bảng tổng sắp huy chương, trong cuộc đua với đối thủ chính Thái Lan.
Lý Hồng Phúc gắn với cột mốc lịch sử trong kỳ SEA Games mà rất nhiều gương mặt của thể thao Việt Nam truyền cảm hứng cho người hâm mộ, không chỉ trong nước mà cả khu vực.
Nguyễn Thị Huyền chắc chắn sẽ còn được điền kinh Đông Nam Á nói riêng và SEA Games nói chung nhắc đến rất nhiều với kỷ lục 13 HCV.
Đồng đội của Huyền, “siêu nhân” Nguyễn Thị Oanh, làm cho cả khu vực ngưỡng mộ với 4 chiếc HCV. Đáng chú ý là những chiến thắng trên đường chạy 1.500 m và 3.000 vượt chướng ngại vật, khi hai nội dung thi đấu cách nhau hơn 20 phút.
Ở tuổi 27, nếu tiếp tục sự nghiệp – cô thừa nhận chưa nghĩ đến chuyện chồng con – Oanh hoàn toàn có thể vượt qua đàn chị Nguyễn Thị Huyền để lập kỷ lục mới cho SEA Games.
Nỗ lực của Nguyễn Thị Ninh trên đường chạy marathon dưới cái nóng khắc nghiệt ở Campuchia hôm 6/5 cũng đi vào lòng người hâm mộ.
Ninh không chiến thắng, nhưng ý chí chiến đấu của cô khiến nhiều người nể phục.
Giống như Oanh và Huyền, Ninh góp phần truyền cảm hứng cho người hâm mộ, nhất là khi điền kinh đang rất phổ biến ở Việt Nam.
3. Cùng với đó là chiến thắng của Dương Thúy Vi (wushu) trong ngày sinh nhật 30; hình ảnh Nguyễn Trung Cường – VĐV nam Việt Nam duy nhất có HCV điền kinh nội dung cá nhân (3.000 m vượt chướng ngại vật) – hôn lá cờ tổ quốc; cặp sinh đôi Thảo My – Thảo Vy làm nên lịch sử môn bóng rổ ở nội dung 3×3 nữ.
Ở môn TDDC, Nguyễn Văn Khánh Phong “đốn” tim rất nhiều CĐV nữ với tấm HCV trong cuộc đối đầu với Carlos Yulo – nhà ĐKVĐ thế giới người Philiipines.
Chàng thiếu niên Nguyễn Khánh Hưng (15 tuổi) giành HCV đặc biệt để tạo tiếng vang cho golf Việt Nam còn rất non trẻ trên bản đồ thể thao thế giới.
Huỳnh Như, ngôi sao bóng đá Việt Nam hiếm hoi thành công khi xuất ngoại (nam và nữ), tạo kỳ tích khi ghi bàn trong 5 kỳ SEA Games khác nhau. Cô gái người Trà Vinh đang cùng các đồng đội hướng đến việc giành HCV thứ 4 liên tiếp, cột mốc chưa từng có trong quá khứ…
Phía sau hơn 100 chiếc HCV là những nỗ lực phi thường của các VĐV, khi mà không phải ai cũng có điều kiện sinh hoạt cá nhân tốt nhất.
Những VĐV Việt Nam ở SEA Games, dù giành huy chương hay không, đóng vai trò truyền cảm hứng và phát huy lời kêu gọi toàn dân tập thể dục của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Nguồn: VietNamNet