Mong muốn cháy bỏng của ‘bà bầu’ bóng đá, mang ẩm thực Việt chinh phục Campuchia
Chị Trần Thanh Nhung tự giới thiệu đã sang Campuchia gần 10 năm với nghề chính là làm… xây dựng. Nhưng cái duyên đã thôi thúc người phụ nữ mạnh mẽ này dấn thân vào ngành ẩm thực cũng như thành “bà bầu” CLB bóng đá Arita Garden FC đang hưởng ứng SEA Games 32 sôi động.
Quán Hà Nội Corner mà chúng tôi vô tình tìm đến khá nhỏ nhắn nhưng tươm tất, sạch sẽ, có nét duyên đằm thắm riêng, nằm trên đường Oknha Chrun You Hak sầm uất của Phnom Penh (nơi có rất nhiều nhà hàng Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp…)
Bước vào quán, nghe tiếng Việt, lập tức chị chủ quán nhiệt tình giới thiệu: “Vào ngồi đi các anh, chỉ cần ăn một lần bảo đảm các anh sẽ nhớ mãi Hà Nội Corner đấy! Mọi người an tâm, quán mở đến 23 giờ chứ không phải 22 giờ như trên internet thông báo đâu!”.
Tại Phnom Penh, chị Nhung có một nhà hàng ẩm thực Arita Garden vừa có các bàn ngoài trời lẫn phòng riêng chuyên bán các món ăn Việt Nam, với thực đơn đủ cho những tín đồ ẩm thực thỏa mãn cơn thèm.
Nhưng chừng đó vẫn khiến chị Nhung chưa thấy hài lòng: “Trong tôi vẫn luôn thôi thúc phải phải mang bằng được một ít hồn ẩm thực Hà Nội sang Phnom Penh.
Suy nghĩ đó cứ hiện lên trong đầu, giục tôi phải làm gì đó để khoe những nét tinh túy của ẩm thực thủ đô Hà Nội, như một điểm nhấn khoe với bạn bè Campuchia cũng như các du khách quốc tế”.
Giữa mong muốn và hành động luôn là bước đi không dễ dàng. Ví dụ như món bún đậu mắm tôm nghĩ như đơn giản nhưng đòi hỏi công sức đầu tư rất công phu.
“Cái hồn của món ăn này là bún, đậu và mắm tôm. Bún mau hư nên tôi dùng đồ có sẵn của địa phương vì không thể đặt đem từ Việt Nam sang. Do vậy quán dùng bún thường, thay vì món bún lá quen thuộc.
Nhưng đậu và mắm tôm thì nhất quyết phải thật ngon, phải thật Việt Nam. Tôi phải cất công đi xuống tận Thanh Hóa để đặt mua, cam kết số lượng mỗi tháng họ mới chỉ bí quyết pha mắm tôm sao cho thật dậy vị.
Đậu hũ thì phải kiểu Hà Nội mới mềm, béo, thơm ngậy không khô và cứng như ở Campuchia. Ban đầu đặt đem từ Việt Nam sang thì không ổn vì khó bảo quản, nên cuối cùng tôi quyết định tự… sản xuất đậu ở Phnom Penh.
Máy móc mua từ TP.HCM sang, tôi nhờ một người chị có tay nghề bay sang bỏ mấy tháng truyền nghề cho thợ địa phương cách làm đậu phụ nguyên chất, thơm, mềm. Thú vị khi 70% lượng khách của Hà Nội Corner là người Campuchia và nước ngoài. Tôi rất vui vì điều đó!
Dù đậu chưa như ý vì liên quan nguồn nước và nguyên liệu, nhưng tôi có thể tự hào rằng đậu phụ của tôi ngon “đỉnh” tại Phnom Penh. Ngoài Hà Nội Corner, tôi còn bán đậu cho nhiều quán ăn khác ở đây”, chị Nhung tự hào chia sẻ.
Khi biết chúng tôi là phóng viên Việt Nam sang Campuchia tác nghiệp tại SEA Games 32, chị Nhung lập tức mời đá với các đội bóng các đại sứ quán tại đây. Tiếc rằng vì lịch trùng với giờ thi đấu của U.22 Việt Nam nên chúng tôi đành hẹn dịp khác.
Chị Nhung rất tự hào bản thân là “bà bầu” duy nhất của giới bóng đá phủi ở Phnom Penh, khi đang nắm đội bóng Arita Garden FC, quy tụ những nhân viên của nhà hàng Arita Garden, cùng với bạn bè có cùng đam mê ở Campuchia. Đội sinh hoạt vào chiều thứ 6 hàng tuần.
Ông xã của chị cũng là một cầu thủ nghiệp dư rất mê bóng đá, thú vị thay lại sinh hoạt ở đội bóng khác theo kiểu “hồn ai nấy giữ”. Chị chia sẻ vui vẻ: “SEA Games 32 này trận nào U.22 Việt Nam đá tôi cũng hỏi vé để anh em nhân viên nhà hàng lên sân cổ vũ.
Tôi rất vui khi thầy trò HLV Philippe Troussier đoạt vé dự bán kết. Điều đó cho thấy lứa cầu thủ này vẫn có thể chơi rất tốt, miễn là có HLV biết cách khai phá tiềm năng họ hay không mà thôi. Tôi rất mong HLV Troussier sẽ đưa U.22 Việt Nam vào chung kết và có thêm tấm HCV nữa”.
Nguồn: Báo Thanh Niên