Khi thể thao Việt Nam vắng ngôi sao tại SEA Games

Xét về chuyên môn, kỳ SEA Games 32 là lần đầu tiên chúng ta dự một kỳ Đại hội bên ngoài Việt Nam với quân số đông đảo nhất: 1.003 thành viên. Thế nhưng, nhìn tổng thể, kỳ SEA Games này là kỳ Đại hội thể thao của khu vực mà Việt Nam góp mặt không có nhiều biểu tượng, ngôi sao thể thao nổi bật.

Tại những kỳ SEA Games gần nhất, thể thao Việt Nam có nhiều tên tuổi mà khi nhắc tới, không chỉ người làm thể thao mà khán giả cũng rất ngưỡng mộ, biết về họ như một biểu tượng thành tích và hình ảnh. Chúng ta có thể kể tới như Hoàng Xuân Vinh (bắn súng), Nguyễn Thị Ánh Viên (bơi), Nguyễn Tiến Minh (cầu lông), Lê Quang Liêm (cờ vua), Vũ Thành An (đấu kiếm) hay trước đấy là Vũ Mạnh Cường, Nguyễn Thu Thủy (bóng bàn), Nguyễn Thúy Hiền (wushu), Trương Thanh Hằng, Vũ Thị Hương (điền kinh), Hoàng Anh Tuấn (cử tạ), Thạch Kim Tuấn (cử tạ), Nguyễn Văn Hùng (taekwondo), Đỗ Ngân Thương, Phan Thị Hà Thanh (TDDC), Nguyễn Hữu Việt (bơi), Vũ Nguyệt Ánh, Nguyễn Hoàng Ngân (karate), Văn Ngọc Tú (judo)… Hiện tại, từng đội tuyển thể thao quốc gia đều có tuyển thủ nổi bật chuyên môn để làm đầu tàu ở nội dung chuyên môn của họ. Thế nhưng, trên tổng thể, chúng ta lại vắng tuyển thủ là ngôi sao thực thụ từ đó tạo cảm hứng để tất cả cùng hồi hộp, ngóng chờ họ ra tranh tài dù chỉ là cấp độ SEA Games.

Mười gương mặt VĐV thể thao tiêu biểu toàn quốc năm 2022 có thể xem là những người xuất sắc nhất lúc này. Danh sách gồm Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Nguyễn Huy Hoàng (bơi), Huỳnh Như (bóng đá nữ), Nguyễn Thị Thật (xe đạp), Lại Gia Thành (cử tạ), Lý Hoàng Nam (quần vợt), Trần Hưng Nguyên (bơi), Đỗ Hùng Dũng (bóng đá nam), Nguyễn Thị Tâm (boxing) và Dương Thúy Vi (wushu). Về thành tích, từng người họ đều có đóng góp đáng kể khi tham dự đội tuyển quốc gia trong môn thi đấu của mình và nhà quản lý thể thao rất trân trọng sự đóng góp chuyên môn ở mỗi người. Thế nhưng, trả lời cho câu hỏi rằng ai trong số đó sẽ bật hẳn lên để là một biểu tượng hay một ngôi sao quốc gia từ đó tạo cảm hứng chung tới người hâm mộ?, lời giải còn quá khó.

Không phải ngẫu nhiên, Ánh Viên trở thành một hiện tượng và là nỗi khiếp sợ trước các đối thủ bơi nữ của các quốc gia tại Đông Nam Á mỗi khi dự SEA Games (Ánh Viên thi đấu từ SEA Games năm 2011 cho tới SEA Games năm 2019). Hay như, sau tấm HCV và HCB tại Olympic Rio de Janeiro (Brazil) của Hoàng Xuân Vinh, mọi người đã nhắc về xạ thủ này với nhiều sự ngưỡng mộ nhất.

Tuyển thủ Nguyễn Thị Oanh và Nguyễn Huy Hoàng là hai cá nhân được bầu chọn trong tổng 4 cá nhân tuyển thủ xuất sắc nhất SEA Games 31. Từng người họ đang nỗ lực để đạt thêm các kết quả thành tích cao nhất ở đấu trường SEA Games 32 và xa hơn là ASIAD 19-2022 hay vòng loại Olympic Paris (Pháp) 2024 nhưng để đạt được các thành tích trong đấu trường thật sự có tính cạnh tranh khốc liệt là ASIAD hay Olympic thì gần như chưa thể. Nguyễn Thị Oanh được nhiều người của giới chạy cự ly dài chuyên nghiệp và nghiệp dư cả nước biết tới nhiều. Nguyễn Huy Hoàng cũng vậy. Tuy nhiên, tố chất để trở thành biểu tượng, không phải ai cũng có. Từ thành tích thực tế cho tới vóc dáng gương mặt rồi sự quảng bá từ truyền thông, và đặc biệt là định hướng phát triển của ngành thể thao về môn hay nội dung môn cụ thể mà có tuyển thủ quan trọng góp mặt sẽ làm nên một biểu tượng thể thao.

Khi thể thao Việt Nam vắng ngôi sao tại SEA Games ảnh 1

Tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng là người đang được chú ý nhất ở đội tuyển bơi Việt Nam. Ảnh: MINH MINH

Lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam đã lựa chọn tuyển thủ Nguyễn Huy Hoàng sẽ cầm cờ tại Lễ khai mạc SEA Games 32. Đây là vinh dự tiếp theo cho Huy Hoàng (trước đó, tuyển thủ Huy Hoàng từng cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Tokyo (Nhật Bản) 2020 và SEA Games 31 tại Việt Nam). Đây là vinh dự cho cá nhân tuyển thủ nhưng chúng ta cũng muốn khẳng định trước bạn bè khu vực rằng tuyển thủ Huy Hoàng là gương mặt sáng giá mà chúng ta rất kỳ vọng về thành tích chuyên môn.

Thực tế, không phải lúc nào một nền thể thao cũng tìm được ngôi sao và tuyển thủ làm biểu tượng vì ngôi sao thường xuất hiện theo thời điểm và chu kỳ. Về điều này, người làm thể thao chuyên nghiệp ở tất cả các quốc gia hiểu rõ và chấp nhận thực tế. Chính vì thế, công tác tuyển chọn, đào tạo VĐV từ tuyến trẻ để dự báo chuyên môn tương lai luôn rất quan trọng.

Nguồn: Báo Sài Gòn Giải Phóng

Đánh giá bài viết