Bóng đá nam ở ASIAD đang ngày càng mất giá | Bóng Đá
Chỉ còn không đầy 2 tháng nữa, Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) 2023 nói chung và bộ môn bóng đá nam nói riêng sẽ khởi tranh tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Dù ở các kỳ đại hội thể thao châu lục hay thế giới, những bộ môn như điền kinh hay bơi lội mới là những đấu trường nhận được nhiều sự quan tâm, mang lại số lượng huy chương đáng kể cho các đoàn thể thao, bóng đá nam – bộ môn chỉ trao một bộ huy chương duy nhất – vẫn có một vị thế nhất định trên tư cách môn thể thao vua, có số lượng NHM đông đảo hàng đầu.
Ấy thế nhưng, nhìn vào tình hình chuẩn bị của các nền bóng đá hướng tới ASIAD, ta lại đang thấy một sự ảm đạm, thua kém hẳn so với các kỳ Á vận hội trước đại dịch.
Trong khu vực Đông Nam Á, sau U23 Singapore sớm xác nhận bỏ giải, đến lượt U23 Campuchia nhiều khả năng cũng sẽ không thi đấu tại ASIAD, theo kênh truyền thông lớn PEAK Sports của quốc gia này.
Một quốc gia khác là Ấn Độ, dù đang đầu tư cực lớn cho bóng đá, thậm chí có thể bỏ tiền tổ chức vòng chung kết U17 World Cup năm 2017, lại không thêm ASIAD vào chương trình của đội tuyển U23 ngay từ đầu. Đó là nước đi đã khiến HLV Igor Stimac của U23 Ấn Độ bị sốc nặng, viết cả tâm thư trên mạng xã hội gửi đến Thủ tướng Narendra Modi và Bộ trưởng thể thao, nhưng có rất ít khả năng quyết định sẽ thay đổi.
Những thế lực hàng đầu của châu Á như Iran, Nhật Bản, như thường lệ, vẫn rất im hơi lặng tiếng hướng đến môn bóng đá nam ASIAD. Nhiều nền bóng đá đang nỗ lực vươn lên như Việt Nam, Thái Lan thì lại xác định đây là sân chơi để rèn giũa các lứa cầu thủ trẻ hơn, chỉ cử đội U20 đến thi đấu.
Có lẽ ngoài nước chủ nhà sẽ có phần sốt sắng nhất để trình diễn một bộ mặt ‘’xem được’’, giữ thể diện cho thể thao nước nhà, thì ngày càng nhiều nền bóng đá đang xem nhẹ sân chơi ASIAD, trong khi đó là một đấu trường châu lục chứ chẳng phải ao làng.
Đây có thể nói là một thực trạng đáng tiếc cho môn bóng đá nam ASIAD, nhưng nếu nhìn vào các nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, phải nói hầu hết đều mang tính khách quan, rất khó tránh.
Môn bóng đá nam của ASIAD dự kiến diễn ra từ ngày 15/9 đến 05/10 năm 2023, là quãng thời gian mà nhiều giải bóng đá VĐQG tại châu Á vẫn đang thi đấu. Sự trùng lặp này lại càng dễ diễn ra hơn với xu hướng chuyển dịch lịch thi đấu của các giải VĐQG châu Á gần đây để lịch thi đấu hội nhập với bóng đá châu Âu, bao gồm V-League từ mùa 2023/24.
Môn bóng đá của ASIAD không thuộc FIFA Days, đồng nghĩa các CLB có quyền không nhả người. Nhiều Liên đoàn bóng đá châu Á có lẽ đã quá ngán ngẩm với những rắc rối khi điều đình, thỏa thuận với các CLB để triệu tập cầu thủ lên tuyển, nên chẳng ngạc nhiên khi những nền bóng đá không mạnh như Campuchia hay Ấn Độ chọn bỏ giải.
Thêm nữa, lịch thi đấu của ASIAD cũng trùng vào lịch thi đấu vòng loại U23 châu Á 2024, diễn ra từ ngày 04 đến ngày 09/09. Lẽ thông thường, các đội tuyển sẽ coi trọng vòng loại này hơn là ASIAD. Vòng chung kết U23 châu Á năm sau cũng chính là vòng loại Olympic Paris, trong khi môn bóng đá nam ở ASIAD không mở ra con đường đến giải đấu lớn nào.
Hiếm hoi mới có những trường hợp như ĐT U23 (chính xác là ĐT Olympic) Hàn Quốc năm 2018, khi Son Heung-min và các đồng đội thi đấu đặc biệt quyết tâm với một động lực tăng cường là giành huy chương vàng sẽ được miễn nghĩa vụ quân sự. Còn lại, rất ít cầu thủ, đội tuyển hay liên đoàn có những động lực cụ thể để quyết tâm ở sân chơi ASIAD.
Dù nói thế nào, môn bóng đá nam tại ASIAD vẫn là một sân chơi châu lục, vẫn có giá trị riêng. Việt Nam hay Thái Lan đều đã từng tự hào với hạng 4 châu lục ở 2 kỳ Á vận hội gần nhất.
Thế nhưng, những chiến công, những kỷ niệm đẹp ấy sẽ ngày càng khó xuất hiện, nếu bóng đá nam ASIAD tiếp tục ‘’mất giá’’, mất đi sự quan tâm từ NHM. Đây có thể sẽ là một thách thức cho những nhà tổ chức của môn ‘’thể thao vua’’ ở Á vận hội tới đây và cả các kỳ đại hội châu lục sau nữa.
(Bạn đọc: Ngọc Bách)
Nguồn: Bóng đá