Tương lai nào cho bóng đá nữ?

Phát triển hay không, tùy giới điều hành

Có những vấn đề không bao giờ làm nảy sinh một câu trả lời “đúng” hoặc “sai”. Tùy từng trường hợp, đôi khi đấy là cái nhìn thuộc về quan điểm, hoặc là một trong những cách lựa chọn khác nhau mà thôi. “Tương lai nào cho bóng đá nữ” là một câu chuyện như thế.

Những cầu thủ xuất chúng như Marta (Brazil, 10) góp phần giúp bóng đá nữ hấp dẫn

Ai cũng biết về sự tuyệt vời của bóng đá, từ cấp độ một “trò chơi” cho đến chuẩn mực của một “môn thể thao”. Còn thứ bóng đá đỉnh cao mà khắp thế giới đang say mê theo dõi – từ Champions League đến EURO, World Cup – thì e rằng đã không còn thuộc về định nghĩa “trò chơi” hoặc “môn thể thao” nữa. Đấy đã là công cụ, là ngành kinh doanh mất rồi. Khoảng 20 năm trước, Giám đốc thể thao Uli Hoeness từng chỉ trích các cầu thủ Bayern Munich về việc rủ nhau đi ăn tôm càng sau một trận đấu không mấy thành công: “Họ chưa ý thức được rằng bóng đá là một công việc cực nhọc. Bóng đá không phải là trò giải trí như trong suy nghĩ của họ”. Trước nữa, đã có định nghĩa nghiêm túc hơn về bóng đá, khi Tòa án tối cao của khối EU xét xử vụ kiện Bosman. Trên tinh thần bóng đá đỉnh cao là công việc, là ngành kinh doanh, tòa xử theo các quy định, điều luật của EU về lao động, cạnh tranh sòng phẳng, kinh tế…, hơn là luật bóng đá. Kết quả: cầu thủ “vô danh tiểu tốt” Jean-Marc Bosman thắng kiện LĐBĐ Bỉ và UEFA. Cả một hệ thống luật bóng đá nhà nghề ở châu Âu của UEFA đã sụp đổ. Ngay cả FIFA sau đó cũng phải điều chỉnh luật cho phù hợp với những phán quyết của tòa EU.

Bóng đá nữ trong tương lai sẽ như thế nào? Còn tùy FIFA và các tổ chức quản lý bóng đá khác nhìn nhận đấy là “môn thể thao hấp dẫn”, hay là cơ hội kinh doanh bộn bạc. Nói thẳng ra: tùy các tổ chức quản lý chóp bu muốn bóng đá nữ phát triển đến mức độ nào, hơn là tùy vào “năng lực nội tại” của bóng đá nữ. Có thể lấy môn bóng đá nam ở Olympic làm một ví dụ tham khảo. FIFA không cho bóng đá nam ở Olympic phát triển. Chấm hết!

Ngày xưa, FIFA khai sinh đấu trường World Cup (năm 1930) vì không thể không làm như vậy, khi mà trận địa bóng đá ở Olympic đã phát triển mạnh. Thế rồi, World Cup bóng đá nhanh chóng trở thành giải thể thao hấp dẫn nhất hành tinh. Bóng đá Olympic không được phép phát triển nữa, bởi nếu như vậy thì có khác gì đấy cũng là một kiểu World Cup, mà lại còn hấp dẫn hơn World Cup! Viện vào cái tinh thần nghiệp dư từ thuở khai thiên lập địa (chứ nay thì Olympic chỉ gồm toàn những ngôi sao thể thao chuyên nghiệp), FIFA cấm các cầu thủ nhà nghề dự Olympic. Kết quả: FIFA và IOC (Ủy ban Olympic quốc tế) thỏa thuận ngầm về cái mô hình “không giống ai” của trận địa bóng đá nam Olympic: 23+3, tức chỉ có các cầu thủ 23 tuổi trở xuống dự Olympic, cho thêm 3 cầu thủ ngoại lệ ở mỗi đội. Và môn bóng đá nam ở Olympic cứ thế tồn tại một cách lay lắt (chứ bóng đá nữ tại Olympic thì hấp dẫn lắm).

Tương lai khả quan, vì không cạnh tranh

Cũng vậy: giải bóng đá đỉnh cao European Super League vừa mới manh nha đã bị UEFA bóp chết trước khi nó thật sự ra đời. Chẳng lẽ UEFA lại “duyệt” cho một giải đấu hấp dẫn ra đời ở châu Âu, để cạnh tranh với giải Champions League, hay nhất thế giới tầm CLB, của chính UEFA! Còn nếu các bên liên quan thỏa thuận được với nhau, tìm ra một cách chia chác ổn thỏa, mà trong đó bóng đá châu Âu càng đẻ ra nhiều tiền hơn nữa, quyền lực và tài chính của UEFA càng tăng lên nữa, thì tổ chức này sá gì mà không… khai tử Champions League.

Bóng đá nữ đang phát triển rất nhanh và rất mạnh. Giống như bóng đá nam, câu chuyện về bóng đá nữ chắc chắn sẽ khác, khi giới tài trợ đồng loạt vào cuộc và bản quyền truyền hình tăng vọt. Các tập đoàn lớn chưa quan tâm ư? Vậy người tiên phong trong lĩnh vực đầu tư vào bóng đá nữ có thể sẽ thành công vang dội – chẳng khác gì câu chuyện kinh điển về kinh doanh: đem giày đến bán ở nơi người ta chưa thích mang giày. Điều quan trọng ở đây là: khi bóng đá nữ phát triển rực rỡ thì đấy không phải là mối nguy cơ đối với bóng đá nam. Bóng đá nữ chuyên nghiệp không giống như bóng đá nam Olympic hoặc European Super League, để giới quản lý chóp bu phải lạnh lùng bóp chết!

Cuối cùng, bóng đá cũng như bất kỳ lĩnh vực nào khác trên đời: thái quá thì sẽ không tốt. Bao nhiêu người đã ngán ngẩm khi bóng đá (nam) đỉnh cao phát triển đến mức… cao quá? Chung kết Champions League không bao giờ là một trận đấu hấp dẫn, vì nó quá quan trọng. Đã có biết bao nhiêu trận bóng đỉnh cao mà người ta ra sân chỉ cốt không thua? Tính hấp dẫn của bóng đá nam bão hòa mất rồi. Chiến thuật không phát triển nữa. Đấy lại là những vấn đề mà bóng đá nữ có thể giải quyết!

Nguồn: Báo Thanh Niên

Đánh giá bài viết